Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga: Chủ nghĩa xã hội - xu thế tất yếu của nhân loại

Nhân dịp nhân loại tròn 100 năm, kể từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, tôi viết những dòng này để trân trọng gửi tới những người, những dân tộc tin theo, ủng hộ và nguyện đi dưới bóng cờ của cuộc Cách mạng “rung chuyển thế giới” này.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga năm (1917 - 2017), Báo điện tử VTC News gửi đến độc giả bài viết của Nhà báo Nhị Lê - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản về ý nghĩa, vai trò, giá trị lớn lao của Cách mạng Tháng Mười.

"Tôi viết những dòng này để trân trọng gửi tới những người, những dân tộc tin theo, ủng hộ và nguyện đi dưới bóng cờ của cuộc Cách mạng 'rung chuyển thế giới' này" - nhà báo Nhị Lê viết.

Thực tiễn lịch sử xưa nay, nhất là 100 năm qua, đã và đang tiếp tục chỉ rõ, những mưu toan sử dụng chiếc “chìa khóa vạn năng” dưới hình thức là một triết luận lịch sử chung chung mà tính chất cao nhất là tính siêu lịch sử của nó, đã thất bại, khi đánh giá các sự kiện mang tầm vóc toàn cầu. Bởi, những cái gì không đúng theo hình thái kinh tế lại có thể đúng theo ý nghĩa lịch sử toàn thế giới.

Vì thế, xin được nói ngay rằng, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 chính là một sự kiện như vậy. Bởi nhẽ, cho tới thời khắc này, vẫn còn và chắc mãi còn những cách nhìn, kiến giải, thái độ và hành xử khác nhau, thậm chí đối lập nhau! Sự phát triển của thế giới vốn là thống nhất nhưng trong đa dạng, nên điều ấy âu cũng là sự hiển nhiên".

Cách mạng Tháng Mười: Đột phá phát triển tất yếu của nhân loại

Nghiên cứu toàn bộ tiến trình lịch sử nhân loại, C. Mác đã khái quát nó qua sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội kế tiếp nhau một cách tự nhiên và biện chứng. Nhưng, thay thế bằng cách nào và như thế nào?

Có lẽ rất ít người không biết: Quá trình chuyển từ xã hội phong kiến lên xã hội tư bản chủ nghĩa là quá trình nổ ra hàng loạt các cuộc cách mạng tư sản trong hàng trăm năm: Cách mạng Anh năm 1688, các cuộc cách mạng Pháp vào các năm 1789 - 1794, 1830, 1848... Không thể phủ nhận được ý nghĩa to lớn của các cuộc cách mạng dân chủ tư sản cổ điển là, chúng đã xóa bỏ về cơ bản chế độ chuyên chế phong kiến, phát quang mảnh đất xã hội hiện thực cho chủ nghĩa tư bản phát triển tự do, thay thế chế độ quân chủ bằng chế độ dân chủ. Và do đó, thế giới trước năm 1917, không còn nghi ngờ gì, là thế giới của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu sau khi chiến thắng các chế độ chuyên chế phong kiến, và đã bành trước ra khắp thế giới. Các nước tư bản phát triển trở thành cái gọi là “trung tâm vũ trụ” (!). Chúng chi phối và làm mưa làm gió mọi mặt đời sống quốc tế, lúc bấy giờ.

Lãnh tụ Lenin - linh hồn của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga 1917. 

Nhưng cũng vào chính những đêm trước năm 1917 ấy, lịch sử thế giới dưới sự thống trị và nhào nặn của chủ nghĩa tư bản cũng đang âm ỉ và hàm chứa những tiền đề, những dữ kiện báo hiệu một thế giới đang rạn vỡ, cấp bách đòi hỏi cần phải đổi mới cơ cấu, chất lượng và hình thức phát triển. Chủ nghĩa tư bản đã cố sức làm nhưng không thể làm khác được, tự nó bộc lộ ra rõ nhất những mắt xích, những khâu yếu nhất trong sợi dây chuyền của chính nó. Sự rạn vỡ của thế giới, sự phát triển không đồng đều của hệ thống tư bản chủ nghĩa với những mâu thuẫn cố hữu, phức tạp mà chính nó không đủ sức giải quyết... đã làm đảo lộn tư duy, chỉnh đốn lại lực lượng cách mạng thế giới, làm xuất hiện những tình thế cách mạng xã hội mới.

Trước tình hình đó, trong lúc không ít các nhà dân chủ - xã hội Nga cho rằng, trước hết, cần tạo ra những tiền đề văn minh cho chủ nghĩa xã hội đã, sau đó giai cấp công nhân mới có thể giành chính quyền và xây dựng chủ nghĩa xã hội..., thì V. I. Lê-nin đã đi ngược lại: kiên quyết đề nghị thay đổi trật tự thông thường đó bằng việc, trước tiên giai cấp công nhân giành lấy chính quyền, rồi sau đó, dựa vào chính quyền của mình thúc đấy sự phát triển kinh tế - xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Sự vận động thực tế của nước Nga đương thời đã thừa nhận lời đề nghị đó của V. I. Lê-nin. Khẩu hiệu “Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng” là khẩu hiệu đầy sáng tạo, đầy khoa học và cách mạng. Nếu năm 1871, với cuộc cách mạng “tấn công lên trời” của Công xã Pa-ri thực sự là tiếng vọng của cuộc chiến tranh Pháp - Phổ; cuộc cách mạng Nga năm 1905 được thúc đẩy bởi sự chém giết giữa binh lính Nga và Nhật Bản; thì tương tự thế, cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) đã gây bão táp ở châu Âu để co Cách mạng Tháng Mười trở thành đỉnh cao của cơn bão táp ấy.

Và là một tất yếu, Cách mạng Tháng Mười năm 1917 đã nổ ra và thắng lợi.

Sự đột phá Tháng Mười mở đầu cho một xu thế phát triển mới của lịch sử thế giới, từ ngọn nguồn chủ nghĩa Mác. Nếu trước Cách mạng Tháng Mười, chế độ tư bản chủ nghĩa hiện diện tưởng như một định mệnh, như một trật tự vĩnh hằng, thì sau Tháng Mười - 1917, không ai không thấy, canh xửa nhà tù thế giới ấy đã bị nổ tung, cái được thổi lên định mệnh ấy thành ảo tưởng, cái trật tự được tự coi là vĩnh hằng ấy bị lật nhào, tạo ra phản ứng dây chuyền cho hàng loạt cuộc đấu tranh giải phóng có quy mô to lớn và chiều sâu cách mạng chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại, trên khắp hành tinh.

Và cũng từ sau Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa xã hội thế giới hiện diện với tư cách là “một phát minh lịch sử vĩ đại nhất”, và như lời thừa nhận của chính cố Tổng thống Mỹ, ông R. Ních-xơn: “là sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ XX”. Nhà nước Xô-viết – đứa con đẻ của Cách mạng Tháng Mười - đã trở thành tấm gương lịch sử hiện thực đối với các quốc gia, dân tộc vừa thoát khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa thực đân đã thường lựa chọn và đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Rõ ràng, Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng mở đường thời đại mới, là cột mốc lịch sử báo hiệu một chiều hướng phát triển mới của nhân loại - quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Đó là cuộc cách mạng mang ý nghĩa lịch sử toàn thế giới.

Không thể phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười

Một trăm năm qua, kể từ Cách mạng Tháng Mười, chưa có một cuộc cách mạng nào gây chấn động thế giới đến thế và giai cấp tư sản thế giới lại sợ hãi sự thật về Cách mạng Tháng Mười đến như thế! Sơ lược lịch sử, người ta tính được giai cấp tư sản đã ba lần “đánh giá”, “phán xét lại” về Cách mạng Tháng Mười.

Khi cuộc cách mạng vừa bùng nổ và thắng lợi, mọi tin tức về nó đều bị người ta ngăn chặn, bưng bít và cấm đoán. Dường như ai cũng biết, nếu đã đọc thiên phóng sự “Mười ngày rung chuyển thế giới” viết về Cách mạng Tháng Mười, Giôn Rít - một nhà báo Mỹ - đã phải giấu bản thảo tác phẩm đó của mình trong đống vỏ gỗ đựng xà-phòng mới có thể đem lọt nó về xứ sở của bức tượng Thần Tự do. Để xuất bản và phát hành được thiên phóng sự này, Giôn Rít bị bắt giam cả thảy tới 20 lần. Lần thứ 20, vì không có tiền chuộc mình, Giôn Rít buộc phải ký vào bản cam đoan rằng, chỉ hành nghề sáng tạo nghệ thuật chứ “không được tiếp tục tuyên truyền những tư tưởng có tính chất tà đạo”.

 
Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô với tất cả những gì nhân danh cuộc Cách mạng Tháng Mười bị sụp đổ chứ cuộc Cách mạng ấy không bị phá sản.

Nhà báo Nhị Lê

Lại nữa, nếu theo giai cấp tư sản, Cách mạng Tháng Mười đó chỉ là “một cuộc bạo động của một nhúm nông dân và binh lính Nga say rượu”, thì hà cớ gì họ phải phát động một cuộc thập tự chinh kéo dài từ biển Hắc Hải tới miền Viễn Đông của đủ loại tướng, tá bạch vệ, với sự tiếp tay của 14 nước tư bản chủ nghĩa để chống lại nó? Thì ra, nói như Tô-gli-a-ti - một người I-ta-li-a nổi tiếng, - chỉ vì “Cách mạng Tháng Mười đã phá bỏ cái trật tự quái gở mà theo đó, chỉ những kẻ giàu có mới có quyền được thống trị thế giới, và chứng minh rằng giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân bị áp bức, bóc lột có thể giành được chính quyền, thực hiện sứ mệnh vẻ vang của mình là làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, công bằng hơn so với cuộc sống trong các xã hội của giai cấp bóc lột.

Đó hẳn là lý do vì sao khiến cho giai cấp tư sản thế giới vô cùng sợ hãi, và không chỉ là sợ hãi như “một bóng ma lởn vởn châu Âu” ngót một trăm năm trước 1917, mà là nỗi kinh hãi hiện thực đe dọa chính số phận của nó. Và do đó, giai cấp tư sản đã không từ một thủ đoạn nào hòng ngăn chặn ảnh hường, mưu toan bóp chết tiến trình lịch sử do Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra, trong suốt các thập kỷ thứ ba, tư và thứ năm của thế kỷ 20.

Đó là lần thứ nhất giai cấp tư sản thế giới “phán xét” Cách mạng Tháng Mười.

Theo con đường lớn Tháng Mười, chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thức không phải ở một Liên Xô mà còn hiện diện ở nhiều châu lục khác, với sức lôi cuốn không gì cản nổi. Chủ nghĩa xã hội đã trở thành đối trọng mất còn của chủ nghĩa tư bản. Chính nhờ có đối trọng này mà thế giới vừa qua có sự cân bằng nhất định, loài người và nền văn minh nhân loại thoát khỏi thảm họa diệt chủng bởi con quái vật lịch sử là chủ nghĩa phát xít trong thế chiến thứ hai. Chủ nghĩa xã hội hiện thực không chỉ là nhân tố cần thiết cho hòa bình, ổn định thật sự của thế giới mà còn là điều kiện không thể thiếu để các nước nhỏ có được độc lập, tự do thật sự.

Cách mạng Tháng Mười đã làm cho ngay các nước chủ nghĩa tư bản cũng phải có sự điều chỉnh lớn để bảo tồn chính nó: một mặt, thay đổi một số chính sách xã hội để giảm bớt mũi nhọn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động; mặt khác, tiếp tục bao vây, phong tỏa, cấm vận toàn diện các nước xã hội chủ nghĩa và đàn áp đẫm máu các phong trào giải phóng dân tộc, nhất là các phong trào có xu hướng xã hội chủ nghĩa. Phụ họa với sự “phán xét” bằng vũ lực, giai cấp tư sản thế giới dùng bộ máy tuyên truyền quảng bá rùm beng những cái gọi là “khoa học và lịch sử” sặc mùi chống cộng nhằm bôi nhọ và công kích vai trò lịch sử của Cách mạng Tháng Mười. Người ta thấy nhan nhản ở chợ trời tư tưởng phương Tây những ấn phẩm, đại loại như: “Tháng Mười đỏ” của Đê-ni-xơ, “Bọn Bôn-sê-vich cướp chính quyền” của Ra-bi-nô-vích, “Cách mạng Nga” của Xem-bec-lin...

Đó là lần thứ hai cuộc Cách mạng Tháng Mười được giai cấp tư sản phán xét lại.

Tới những năm 80 của thế kỷ XX và đặc biệt hiện nay, lợi dụng tình thế các chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, người ta được dịp tung hô: “Chủ nghĩa xã hội - không cần nữa!”, “Tự do, chứ không phải là chủ nghĩa xã hội” (!). Có những người vừa mới hôm qua, tán dương cổ vũ Cách mạng Tháng Mười thì hôm nay quay đầu lưỡi thổi phồng tính chất và ý nghĩa cuộc “Cách mạng tháng Hai”, coi đây mới là cuộc cách mạng hợp quy luật, là sáng tạo và nhân đạo. Họ coi cuộc Cách mạng Tháng Mười là một cuộc thể nghiệm sai lầm, là cuộc cách mạng phi lý, không tưởng, kéo lùi sự phát triển của xã hội loài người (!). Ở phương Tây, các thế lực đế quốc ra rả các luận điệu: “sự biến ở Liên Xô và Đông Âu mới chính là những cuộc cách mạng chống lại Cách mạng Tháng Mười” (!), rồi “Cách mạng Tháng Mười đã bị lịch sử loại bỏ”, “1999 – cuộc chiến thắng không cần chiến tranh” (!)...

Đây là lần thứ ba các học giả tư sản và những cái loa của họ “phán xét” về Cách mạng Tháng Mười.

Rồi sẽ có lần thứ tư, thứ năm nữa. Lịch sử vốn không bằng phẳng thì điều ấy và đại loại những điều ấy vốn đã ầm ĩ, hôm nay và ngày mai càng toáng lên, âu chẳng có gì làm lạ cả.

Tất cả hôm qua, hôm nay và mai sau, có thể hình dung, vẫn giống như cảnh người ta chém những ngọn dao xuống dòng sông đang chảy xiết!

Cách mạng vốn là đầu tàu của lịch sử. Và vì thế, dù trước hay sau, Cách mạng Tháng Mười vẫn là cái đầu tàu vĩ đại của một tiến trình lịch sử nhân loại tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cho nên, có lẽ không cần biện hộ và cũng chẳng cần tranh thảo với các “tư tưởng” ấy, mà xin quả quyết rằng, các học giả tư sản và những người “đồng hội đồng thuyền” với họ, dù cố ý không đọc, không nghe nhưng chắc chắn là biết ít nhất một trong mấy câu này: “Sự phát triển quan trọng nhất của thế kỷ XX không phải là chủ nghĩa thực dân tuyên cáo kết thúc hoặc chủ nghĩa dân chủ có bước tiến lên, mà là chủ nghĩa cộng sản cực quyền vùng dậy”. Đây là câu nói của cố Tổng thống Mỹ, ông R. Nich-xơn, trong cuốn “1999 - chiến thắng không cần chiến tranh”. Câu nói thứ hai, cũng có một người Mỹ, ông Bao-lô-xu-ây-xi, trong quyển sách “Vấn đề chủ nghĩa xã hội thế giới đương đại”, rằng: “... Nếu chủ nghĩa xã hội dùng trí lực của nhân loại - giống như C. Mác đã nói - thế thì, rất rõ ràng, ngoài chủ nghĩa xã hội không có sự cứu thế nào khác”.

Những câu nói ấy là hợp lý, hợp lý đến mức không thể chối cãi được về một chân lý rõ ràng: Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô với tất cả những gì nhân danh cuộc Cách mạng Tháng Mười bị sụp đổ chứ cuộc Cách mạng ấy không bị phá sản. Nhân loại tiến bộ dù đã chứng kiến những tấn bi hùng trong lịch sử phát triển của mình, nhưng không gì cản nổi, đang và sẽ tiếp tục hướng về, đi tới cái tất yếu chủ nghĩa xã hội mà Cách mạng Tháng Mười là cái đầu tàu mở đường thời đại ấy - thời đại nhân loại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội - không gì cưỡng được.

Video: NSƯT Ngọc Khang: "Tôi luôn hát những bài hát Nga với tất cả trái tim mình"

Nhị Lê

Tin mới