Tại Hội nghị lần thứ 7, cùng với việc đánh giá toàn diện, khách quan những thành tựu, Ban Chấp hành Trung ương đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm; đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII; lấy phiếu tín nhiệm các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 4 Nghị quyết quan trọng; xem xét, cho ý kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Hai hội nghị Trung ương quan trọng trong năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo vững vàng, sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xử lý kịp thời, có hiệu quả nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn để cả hệ thống chính trị quyết tâm, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Các chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden và nhiều nhà lãnh đạo cấp cao các nước; các chuyến thăm chính thức của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tới nhiều quốc gia tạo nên những dấu ấn quan trọng của đối ngoại Việt Nam.
Năm 2023, Việt Nam và Trung Quốc đồng ý xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc"; nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” với Hoa Kỳ và Nhật Bản, nâng quan hệ lên đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước, trong đó có 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt, là cơ sở quan trọng về lý luận và thực tiễn, thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng về đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.
Thành công của hoạt động đối ngoại năm 2023 đã cụ thể hóa đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, góp phần tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Năm 2023, Bộ Chính trị ban hành nhiều quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán. Những quy định này góp phần tăng cường kiểm soát chặt chẽ quyền lực của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của người đứng đầu.
Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt, góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Việc tiếp tục điều tra mở rộng giai đoạn 2 vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); các vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Hệ sinh thái Công ty AIC; vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty An Đông… xử lý nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu theo tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù bất kể đó là ai" góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Năm 2023, những mục tiêu lớn của nền kinh tế đã đạt được, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, dự báo tăng trưởng GDP ước đạt trên 5%, các cân đối lớn được bảo đảm.
Hàng loạt chính sách tài khoá, tiền tệ ở mức lớn nhất từ trước tới nay được triển khai đồng bộ, quyết liệt nhằm hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện các cơ chế, chính sách để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bình ổn tỷ giá, giá cả hàng hóa thiết yếu và tháo gỡ khó khăn cho thị trường tài chính, đất đai, xây dựng, bất động sản.
Mặc dù không đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, nhưng đây là nỗ lực đáng ghi nhận trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chịu tác động của nhiều "cơn gió ngược".
Năm 2023, Việt Nam đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo ra đột phá về các công trình hạ tầng quan trọng như khởi công dự án nhà ga và đường cất hạ cánh sân bay Long Thành; hoàn thành 730km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc cả nước hiện nay lên gần 1.900km; hiện đang thi công gần 1.700km cao tốc kết nối Bắc Nam, Đông Tây.
Cùng với đó là hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông khác với tổng mức đầu tư công trên 94.000 tỷ đồng, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn giao thông, từng bước hoàn chỉnh kết nối vùng, tạo động lực để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương đã có thay đổi lớn trong tư duy, có cách làm sáng tạo, giảm thiểu thủ tục hành chính và khâu trung gian, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo tiến độ các công trình, dự án.
Đề cương về văn hóa Việt Nam với ba nguyên tắc định hình nền văn hóa cách mạng Việt Nam: dân tộc, khoa học và đại chúng, qua 80 năm kể từ khi ra đời, vẫn tỏa sáng những giá trị cốt lõi của một văn kiện mang tầm cương lĩnh, còn nguyên giá trị lý luận và tính thời đại sâu sắc, tiếp tục soi đường cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đã chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa, nhằm tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn của bản Đề cương, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Gần 2.000 vụ cháy nổ, gần 150 người chết, gây thiệt hại vật chất nặng nề trong năm 2023, trong đó đặc biệt nghiêm trọng là vụ cháy chung cư mini xảy ra ngày 12/9 tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, làm 56 người thiệt mạng và 37 người bị thương.
Những con số đầy ám ảnh nói lên thực trạng đáng báo động trong công tác phòng cháy chữa cháy, trong đó có tình trạng buông lỏng quản lý để xảy ra việc xây dựng nhiều công trình trái phép, không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy; công tác thanh tra, kiểm tra chưa nghiêm dẫn đến vi phạm kéo dài; ý thức đảm bảo an toàn, phòng cháy chữa cháy của người dân chưa cao... đòi hỏi cần được sửa đổi, chấn chỉnh quyết liệt.
Mặc dù Quốc hội, Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản nhằm "gỡ khó" cho ngành y tế, song tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế ở các bệnh viện từ trung ương đến địa phương vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, do hệ thống văn bản pháp luật còn bất cập; việc thực hiện đấu thầu mua sắm, đặc biệt là đấu thầu tập trung còn vướng mắc, đặc biệt có tâm lý e ngại, sợ sai ở nhiều cá nhân, đơn vị, địa phương…
Về lâu dài đòi hỏi cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương dựa vào vị trí việc làm, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng sẽ được thực hiện từ ngày 1/07/2024.
Mục tiêu hàng đầu của chính sách này là để tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình; trả lương đúng để đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ được tổ chức với 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong số các môn học ở lớp 12.
Phương án này giảm áp lực thi cử và bám sát tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông, đánh giá chính xác năng lực, quá trình học tập của học sinh một cách thực chất, giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường phù hợp với định hướng nghề nghiệp ở cấp Trung học phổ thông.
Được thực hiện từ năm 2025, phương án này nhận được sự đồng thuận cao của đa số học sinh, phụ huynh và giáo viên.