1. Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 với nhiều đổi mới và thành công
Năm 2020, Đại hội Đảng các cấp từ cơ sở đến cấp trực thuộc Trung ương được tổ chức thành công trên nhiều mặt. Các nội dung lớn của Đại hội được bàn thảo và quyết định với tinh thần dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm, nhất là khâu chuẩn bị dự thảo các văn kiện Đại hội và công tác nhân sự.
Mỗi đảng bộ đều bám sát tình hình, đặc điểm của mình để xây dựng hướng đi và giải pháp phù hợp, tạo bước phát triển về lượng và chất. Các yêu cầu về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, chất lượng cấp ủy và thường trực cấp ủy được bảo đảm. Tỷ lệ cấp ủy viên là nữ, người dân tộc thiểu số, người trẻ cao hơn so với các nhiệm kỳ trước, có tới 43% tân Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy thuộc thế hệ 7X.
2. Việt Nam phòng chống và kiểm soát đại dịch COVID-19, trở thành điểm sáng trên thế giới
Nhờ những chủ trương và giải pháp đúng đắn, quyết liệt của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, quyết tâm mạnh mẽ của người dân, Việt Nam phòng, chống có hiệu quả và từng bước đẩy lùi đại dịch COVID-19. Giãn cách xã hội nghiêm túc, kích hoạt sớm hệ thống ứng phó, ngăn chăn, dập dịch ở các điểm nóng không để lây lan rộng là những biện pháp dẫn đến sự thành công của cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Việt Nam trở thành “tấm gương” cho nhiều quốc gia khác về cách thức dập dịch đạt hiệu quả cao nhất với mức chi phí tối thiểu. Dịch COVID-19 khiến cho nhiều hoạt động xã hội chuyển theo phương thức trực tuyến như các kỳ họp Quốc hội, Hội nghị cấp cao ASEAN, các hội thảo hội nghị, dạy và học ở các nhà trường, thương mại…
3. Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPO/AIPA 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc
Phát huy tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”, trong vai trò Chủ tịch, Việt Nam đã cùng các thành viên ASEAN thể hiện bản lĩnh vững vàng, đoàn kết, thống nhất trước khó khăn, trở ngại, duy trì đà hợp tác, ứng phó hiệu quả với những tác động từ đại dịch COVID-19 và củng cố hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cao vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế. Thành công nổi bật nhất của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là việc Việt Nam đã thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, các nước ASEAN đồng thuận về việc đề cao Luật pháp Quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình ở Biển Đông, giải quyết mọi mâu thuẫn qua ngoại giao và đối thoại.
Trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc, đặc biệt là trong tháng Việt Nam là Chủ tịch, Hội đồng Bảo an đã thông qua 13 quyết định, một tuyên bố của Chủ tịch, năm tuyên bố báo chí và hai thông tin báo chí. Ðây là số lượng quyết định nhiều nhất trong một tháng làm việc của Hội đồng Bảo an trong nhiều năm gần đây.
4. Dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế có mức tăng trưởng cao của khu vực và thế giới
Năm 2020, kinh tế vĩ mô của nước ta ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng GDP cả năm ước đạt gần 3%; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD.
Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Đáng chú ý là thặng dư thương mại cao kỷ lục ở mức 17 tỷ USD, dự trữ ngoại hối gồm 100 tỷ USD. Những nỗ lực để có được con số tăng trưởng dương năm 2020 của Việt Nam là một trong những điểm sáng rõ nét nhất toàn cầu.
5. Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu thông qua các hiệp định thương mại tự do
Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường Liên minh châu Âu EU. Cùng với EVFTA, Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP, với sự tham gia của 15 quốc gia thành viên, sẽ tạo ra thị trường quy mô trên 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, là khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới.
Khi được đưa vào thực thi, các hiệp định này là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp Romania, Đại diện Hội đồng EU Stefan-Radu Oprea và bà Cecilia Malmstrom, Cao uỷ Thương mại EU, ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.
6. Tổ chức thành công các ngày lễ lớn, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần dân tộc
Trong năm 2020, đất nước tổ chức nhiều sự kiện chính trị quan trọng, các ngày kỷ niệm lớn như: Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam – Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2020), 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), Kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2020) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2020), Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020).
Các hoạt động văn hóa này khơi dậy tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường dân tộc, góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
7. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng quyết liệt, hiệu quả
Năm 2020, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có những chuyển biến tích cực, năng lực lãnh đạo, phương thức lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng được tăng cường. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đi vào chiều sâu, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước.
Các cơ quan chức năng đã đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Cùng với đó là sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ hơn trong công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Điều này góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
8. Phát triển văn hóa, xây dựng con người có nhiều tiến bộ
Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa với tư cách là động lực, là mục tiêu, là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội được nâng lên một bước. Các loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển đa dạng, phong phú. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát huy. Hoạt động văn hóa nghệ thuật có nhiều khởi sắc. Đại hội nhiệm kỳ các Hội văn học, nghệ thuật được tổ chức cơ bản thành công. Nhiều Liên hoan sân khấu, nghệ thuật, giải thưởng văn học nghệ thuật được tổ chức và đạt kết quả tốt. Việc xây dựng con người Việt Nam với các giá trị dân tộc, hiện đại được chăm lo, nhất là về nhân cách, trí tuệ, tâm hồn.
Năm 2020 được coi là năm chuyển đổi số quốc gia với việc Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ các hạ tầng, nền tảng, sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin áp dụng các công nghệ tiên tiến như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật…
9. Chính trị - Xã hội ổn định, Quốc phòng - An ninh được giữ vững và tăng cường
Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; Một số quân chủng, binh chủng, lực lượng có mặt tiến nhanh lên hiện đại. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích Quốc gia, dân tộc; Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tổng lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, thế trận lòng dân được củng cố vững chắc. Tình hình Biển Đông tuy diễn biến phức tạp nhưng được xử lý đúng đắn, kiên quyết. Triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chiến lược về quốc phòng và an ninh. Đấu tranh ngăn chặn, triệt phá các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tiêu cực xã hội có kết quả cao.
10. Thiên tai, bão lũ gây thiệt hại nặng nề, đặc biệt ở khu vực miền Trung
Những cơn mưa đá bất thường ngay từ đầu năm, hạn hán ở khu vực miền trung, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long; tháng 10 và tháng 11, các tỉnh từ Bắc Trung bộ đến Nam Trung bộ đã liên tiếp phải hứng chịu nhiều cơn bão lớn trên Biển Đông.
Mưa, bão gây ra tình trạng lũ lụt và sạt lở đất tồi tệ nhất trong 100 năm trở lại đây, cướp đi sinh mạng của gần 200 người và gây thiệt hại kinh tế tới gần 30.000 tỷ đồng.
Đây chính là hậu quả của quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu, có sự tác động của con người. Một khái niệm mới “đa thiên tai” đang thay thế khái niệm “thiên tai”. Qua thiên tai, bão lũ, tình đoàn kết toàn dân tộc, nghĩa đồng bào, đồng chí, tương thân tương ái được phát huy. Hậu quả nặng nề của thiên tai được khắc phục toàn diện và đồng bộ.