Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

10 năm thành lập lữ đoàn tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Việt Nam

Thành lập ngày 20/6/2011, Lữ đoàn Tàu ngầm 189 là đơn vị đặc biệt, trọng điểm của Quân chủng Hải quân trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tàu ngầm là phương tiện chiến đấu đặc biệt, cho nên phải có những con người đặc biệt với “lòng trung thành đặc biệt, tinh thần đoàn kết đặc biệt, tính kỷ luật đặc biệt và đảm bảo bí mật đặc biệt” thì mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Duyệt đội hình tàu ngầm trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân chủng Hải quân.

Thành lập ngày 20/6/2011, Lữ đoàn Tàu ngầm 189 là đơn vị đặc biệt, trọng điểm của Quân chủng Hải quân có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hiệp đồng với các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Được làm việc trên tàu ngầm kilo 636 là niềm vinh dự và tự hào của mỗi người lính biển, bởi để trở thành thủy thủ tàu ngầm, mỗi cán bộ thủy thủ phải trải qua rất nhiều bước kiểm tra khắt khe. 10 năm kể từ khi thành lập Lữ đoàn và kíp tàu ngầm đầu tiên đến nay, bên cạnh niềm vinh dự tự hào, mỗi cán bộ thủy thủ Lữ đoàn 189 Hải quân luôn xác định rõ trách nhiệm của mình, xây dựng ý chí quyết tâm, nỗ lực làm chủ tàu ngầm hiện đại để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Là một trong số những thủy thủ kíp tàu ngầm đầu tiên sang Nga học tập, huấn luyện chuyển giao tàu ngầm, đã từng trên cương vị là thuyền trưởng Tàu ngầm 183 (mang tên TP. Hồ Chí Minh), Thượng tá Nguyễn Văn Bách hiện là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn tàu ngầm 189 đã trải qua những tháng ngày không thể nào quên với cường độ học tập, rèn luyện bên nước bạn luôn ở trạng thái cao nhất, hầu như không có ngày nghỉ, những giờ nghỉ thì toàn bộ kíp lại tranh thủ đọc, nghiên cứu tài liệu.

Do tính chất đặc thù của tàu ngầm, công tác huấn luyện kíp tàu luôn là nhiệm vụ nặng nề, thậm chí là vô cùng hà khắc, bởi khi làm nhiệm vụ, tàu thường xuyên hoạt động ở trạng thái lặn trong lòng biển, ẩn mình giữa đại dương, cán bộ, chiến sỹ trên các kíp tàu thực hiện nhiệm vụ dài ngày với cường độ cao, không gian tàu chật hẹp, môi trường áp suất thay đổi... Nếu huấn luyện không tốt, tàu không thể ra khơi thực hiện nhiệm vụ được. Chính vì vậy, mỗi cán bộ thủy thủ luôn nỗ lực để không phụ lòng tin của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân. 

Thủ trưởng Quân chủng Hải quân kiểm tra công tác huấn luyện chiến đấu trên biển

Không thể kể hết những khó khăn, thử thách của những ngày đầu tiên ấy bởi tàu ngầm là phương tiện rất hiện đại, khác hẳn với những con tàu khác nên để vận hành an toàn tuyệt đối, mỗi cán bộ thủy thủ đều phải nỗ lực hết sức. Nhớ lại 10 năm trước khi mới tiếp cận tàu ngầm, Đại úy, Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Dũng, Tiểu đội trưởng máy hầm tàu, Tàu 182 (mang tên Hà Nội) kể: "Khó khăn nhất đối với chúng tôi lúc đó là vấn đề học ngoại ngữ và tin học bởi tài liệu 100% bằng tiếng Nga. Khó khăn thứ hai, đó là những trang bị mới và hiện đại, kinh nghiệm thì hoàn toàn chưa có gì và đặc biệt tài liệu lại khan hiếm. Do tính bảo mật của nước bạn nên sau mỗi giờ học chính khóa, giảng viên thu lại toàn bộ tài liệu đưa lên phòng bảo mật, thiết bị ghi âm không được mang theo. Chúng tôi đã chia nhau mỗi người cố gắng chép lại một đoạn bằng tiếng Nga  sau đó dịch sang tiếng Việt để làm bộ tài liệu riêng cho mình".

Cũng theo Đại úy Nguyễn Văn Dũng, ban đầu, các bạn Nga nhìn thấy mình nhỏ bé quá, các bạn cũng băn khoăn nhưng bằng lòng quyết tâm và bằng mọi giá phải học được tất cả các kinh nghiệm của nước bạn làm cơ sở và bài học kinh nghiệm cho anh.

"Sau thời gian tiếp nhận, huấn luyện chuyển giao, làm chủ tàu ngầm hiện đại, thì chúng tôi cũng đã khẳng định cho bạn thấy rằng người Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng ý chí và nghị lực thì không hề nhỏ. Những gì các bạn làm được chúng tôi cũng làm được. Bây giờ chúng tôi đã làm chủ hoàn toàn vũ khí trang bị được cấp trên giao. Hiện mỗi cán bộ thủy thủ trên các tàu ngầm vẫn không ngừng cố gắng huấn luyện để làm chủ những bước cao hơn nữa", Đại úy Dũng cho hay.

Tàu ngầm rời Liên Bang Nga về Việt Nam.

Huấn luyện kíp tàu ngầm là công việc tỉ mỉ, có kỷ luật, đòi hỏi mỗi thành viên phải quyết tâm cao, nỗ lực rèn luyện để vượt qua thử thách về tâm lý và thể lực, nắm bắt kỹ thuật và thao tác thành thục các trang bị được phân công. Thiếu tá Trần Văn Phương, Phó Thuyền trưởng tàu 186 (mang tên Đà Nẵng) bày tỏ: "Vinh dự và tự hào bao nhiêu thì trách nhiệm càng nặng nề bất nhiêu, vì thế ngay từ những ngày đầu, bản thân mỗi cán bộ, thủy thủ luôn tự nhủ phải thực sự nỗ lực phấn đấu. Bên cạnh học tập để làm chủ con tàu thì phải rèn luyện ý chí quyết tâm, lòng quả cảm, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc". 

Những buổi rèn luyện thể lực không mệt mỏi, những bài tập với mô hình tại Trung tâm huấn luyện tàu ngầm bài bản đã giúp cho các cán bộ thủy thủ có sức khỏe dẻo dai và bản lĩnh chính trị vững vàng, điều này thể hiện qua những chuyến lặn biển dài ngày, điều khiển con tàu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, sự tự tin, lòng dũng cảm và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của người chiến sĩ tàu ngầm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thiếu tá Hà Văn Tý, Chính trị viên tàu 183 (mang tên TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ, dù gian nan vất vả nhưng các cán bộ thủy thủ tàu ngầm vẫn luôn nguyện dâng hiến sức trẻ cho Tổ quốc, góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. 

Thủy thủ tàu ngầm kiểm tra trang bị kỹ thuật trước khi huấn luyện thợ lặn. 

Theo Thượng tá Nguyễn Anh Kỳ, Thuyền trưởng tàu 185 (mang tên Khánh Hòa), dù đã được học tập đào tạo ở nước ngoài nhưng khi đi vào thực tế vận hành trên tàu ngầm vẫn còn nhiều sự khác biệt, đòi hỏi mỗi cán bộ thủy thủ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng và năng lực chuyên môn tốt. Đặc biệt đối với tàu ngầm, chuẩn bị cho một chuyến đi biển là chuẩn bị cho nhiệm vụ tác chiến thực sự, không cho phép dù chỉ một sai sót nhỏ vì không có cơ hội để sửa sai. Sau 10 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay cán bộ thủy thủ của Lữ đoàn đã hoàn toàn làm chủ tàu ngầm hiện đại, tự tin nhận và hoàn thành xuất sắc bất cứ nhiệm vụ nào mà Tổ quốc giao phó. 

Tàu ngầm là lực lượng đặc biệt của Hải quân, vì vậy những người lính trên tàu ngầm là những người lính đặc biệt. Đó là phải có “lòng trung thành đặc biệt, tinh thần đoàn kết đặc biệt, tính kỷ luật đặc biệt và đảm bảo bí mật đặc biệt” thì mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Chính những điều đặc biệt này đã làm nên truyền thống của đơn vị tàu ngầm sau 10 năm thành lập. Hiện nay tất cả các cán bộ thủy thủ trên các kíp tàu ngầm đều có sức khỏe tốt, được đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu, tự tin làm chủ, chinh phục lòng biển với các độ sâu khác nhau trong giới hạn của tàu ngầm Kilo 636.

Kết thúc huấn luyện chuyển giao kíp tàu.

Thượng tá Nguyễn Văn Quán, Chính ủy Lữ đoàn tàu ngầm 189 cho biết: Được Quân chủng Hải quân giao nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý những con tàu ngầm hiện đại, mỗi cán bộ thủy thủ Lữ đoàn Tàu ngầm 189 luôn ý thức được trọng trách đối với việc quản lý và sử dụng một tài sản rất lớn của đất nước. Thế nên, ngay từ những ngày đầu, chúng tôi luôn tự nhủ phải làm như thế nào để khỏi phụ lòng tin của Đảng, của Quân đội và nhân dân. Sau thời gian huấn luyện chuyển giao bên nước bạn với vô vàn gian nan, thử thách, ngày 3/1/2014, sau hơn một tháng hải trình vượt qua 3 đại dương, chiếc tàu ngầm Kilo 636 hiện đại đầu tiên mang tên 182 - Hà Nội đã cập Quân cảng Cam Ranh an toàn. Nhớ về khoảnh khắc thiêng liêng khi thượng cờ tàu ngầm đầu tiên mang tên Thủ đô Hà Nội, (lúc đó Thượng tá Nguyễn Văn Quán là thuyền trưởng con tàu này), Thượng tá Nguyễn Văn Quán không khỏi xúc động: Vào giờ phút ấy, tất cả những người lính tàu ngầm đều hiểu rằng, Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt trọng trách, lòng tin và cả niềm tự hào đối với lực lượng tinh nhuệ, đặc biệt. 

Tàu ngầm được lai dắt ra khỏi tàu Mẹ.

Vượt qua những khó khăn, thử thách và khổ luyện, các kíp thủy thủ giờ đây đã là chủ nhân thực sự của 6 chiếc tàu ngầm hiện đại. Họ là những người lính đặc biệt trong một đơn vị đặc biệt, mang trọng trách đặc biệt trong sứ mệnh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, vùng thềm lục địa của Tổ quốc. Những con tàu không chỉ mang theo số hiệu, mà trên tháp chỉ huy của mỗi con tàu là những cái tên gắn với những tỉnh, thành phố lớn của đất nước như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu là điều vinh dự, niềm tự hào cho mỗi cán bộ, thủy thủ đơn vị. 

10 năm với truyền thống "Đoàn kết, kỷ luật, bí mật, quyết thắng" mỗi cán bộ, thủy thủ Lữ đoàn Tàu ngầm 189 Hải quân luôn xác định đây là niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm lớn lao mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó; sẵn sàng tham gia các phương án tác chiến cao nhất; kịp thời đáp ứng nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau 10 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành (20/6/2011-20/6/2021), Lữ đoàn 189 Hải quân đã được Đảng, Nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Hải quân tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2016); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (2021); 7 lần được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua những năm; 4 lần được Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu “Đơn vị xuất sắc tiêu biểu” trong Phong trào Thi đua Quyết thắng toàn quân giai đoạn 2010-2015, 5 cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi” và “Đơn vị huấn luyện thể lực giỏi”; được Quân chủng Hải quân tặng Cờ thi đua “Đơn vị dẫn đầu Phong trào Thi đua Quyết thắng” giai đoạn 2009-2014 và giai đoạn 2015-2019 cùng rất nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thu Lan (VOV1)

Tin mới