Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sức mạnh đáng nể của Hải quân Việt Nam

(VTC News) -

So với các nước ở Đông Nam Á, lực lượng Hải quân Việt Nam có những lợi thế riêng giúp chúng ta bảo vệ được chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống.

Trong bảng xếp hạng sức mạnh hải quân thế giới năm 2021 của Global Firepower, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 38 toàn cầu và thứ 5 ở khu vực Đông Nam Á với 65 tàu chiến các loại.

Cũng theo Global Firepower, bảng xếp hạng trên được xây dựng dựa trên số liệu tàu chiến có trong biên chế hải quân các nước, không bao gồm hợp đồng mua sắm vũ khí mới hoặc đang được phát triển.

Từ bảng xếp hạng của Global Firepower, Việt Nam xếp sau một số nước Đông Nam Á vốn sở hữu lực lượng hải quân không được đánh giá cao như Myanmar và Philippines, do hạm đội tàu chiến của chúng ta ít hơn họ. Tuy nhiên nếu đánh giá một cách tổng thể, tiềm lực của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã vượt xa những số liệu Global Firepower có trong tay.

Vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng sức mạnh hải quân thế giới 2021 của Global Firepower. (Ảnh: Global Firepower)

Cần phải biết rằng khả năng tác chiến của Hải quân Việt Nam không dựa hết vào các tàu mặt nước và tàu ngầm, nó còn đến từ các lực lượng như không quân hải quân, pháo binh – tên lửa bờ, hải quân đánh bộ và cả đặc công hải quân. Điều này cũng cho thấy rõ Hải quân Việt Nam đang từng bước xây dựng lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh trở thành nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tờ Sputnik dẫn lời của Tiến sĩ Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm khoa học và xã hội cho biết, Việt Nam đang có trong tay một lực lượng hải quân hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, Quân chủng Hải quân cũng đã hoàn tất việc xây dựng các lực lượng nòng cốt gồm: tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hải quân, hải quân đánh bộ, pháo binh – tên lửa bờ và đặc công hải quân.

Cũng cần phải nói thêm rằng không phải lực lượng hải quân nào ở Đông Nam Á cũng có biên chế đầy đủ các lực lượng như Hải quân Việt Nam. Ví dụ như Indonesia thiếu các đơn vị pháo binh – tên lửa bờ, còn Thái Lan lại thiếu lực lượng tàu ngầm.

Hạm đội tàu mặt nước

Theo dữ liệu của Global Firepower, Hải quân Việt Nam đang có trong biên chế 65 tàu chiến các loại, trong số đó có 4 tàu hộ vệ tên lửa, 7 tàu hộ vệ săn ngầm (phần lớn đã được thay tính năng), 13 tàu tên lửa tấn công nhanh, 8 tàu tên lửa, 12 tàu pháo, 5 tàu phóng lôi và một số tàu chiến khác.

Có thể thấy lực nòng cốt của hạm đội tàu mặt nước của Việt Nam hiện tại chính là các tàu hộ vệ tên lửa và tàu tên lửa tấn công nhanh. Dẫn đầu là các 4 tàu hộ vệ Gepard 3.9, kế đến là tàu tên lửa Molniya (8), Tarantul (4) và BPS-500 (1).

Biên đội tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya của Hải quân Việt Nam. (Ảnh: Báo Hải quân Việt Nam)

Các lớp tàu chiến kể trên đều được trang bị tên lửa chống hạm, riêng hai tàu Gepard - Trần Hưng Đạo (015) và Quang Trung (016) còn được bổ sung thêm khả năng chống ngầm với các bệ phóng ngư lôi PTA-53-11661.

Lực lượng tàu ngầm

Hiện tại, Hải quân Việt Nam có trong biên chế 6 tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Kilo (636.1) hiện đại do Nga chế tạo, chiếc đầu tiên được đưa vào trang bị từ năm 2014.

So với các nước trong khu vực, lực lượng tàu ngầm Việt Nam được thành lập khá muộn. Dù vậy, với việc đưa vào biên chế các tàu ngầm Kilo cũng như việc thành lập lữ đoàn tàu ngầm đầu tiên (Lữ đoàn 189, thành lập 2013) được đánh giá đã mở ra trang sử mới trong lịch sử phát triển của Hải quân Việt Nam.

Một điều đặc biệt là các tàu ngầm Kilo của Hải quân Việt Nam được đặt tên gắn với các thành phố lớn gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Các tàu ngầm Kilo - Hà Nội và Hồ Chí Minh của Hải quân Việt Nam.

Cũng cần phải nói thêm là ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất sở hữu các tàu ngầm có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công vào các mục tiêu trên đất liền cho đến trên biển bằng tên lửa hành trình Kalibr. Điển hình có thể nói đến biến thể chống hạm 3M14E Klub-S có tầm bắn hơn 200km và biến thể tấn công mặt đất 3M54E có tầm bắn 300km.

Không quân Hải quân

Về không quân hải quân của Việt Nam, lực lượng này được thành lập từ năm 2013 với Lữ đoàn Không quân Hải quân 954.

Nhiệm vụ chính của Lữ đoàn 954 là tác chiến săn ngầm; vận tải quân sự; trinh sát, quan sát trên không, trên mặt đất, trên mặt nước; tìm kiếm cứu nạn trên biển, trên đất liền và cứu hộ, cứu nạn và phòng chống bão lụt.

Các trực thăng săn ngầm Ka-27 và thủy phi cơ DHC-6 thuộc biên chế Lữ đoàn Không quân Hải quân 954. (Ảnh: Trọng Thiết)

Theo Báo Hải quân Việt Nam, Lữ đoàn 954 hiện tại được biên chế nhiều loại máy bay quân sự hiện đại như trực thăng chống ngầm Ka-28, Ka-32, trực thăng vũ trang Mi-8, Mi-17 và cả thủy phi cơ DHC-6.

Pháo binh – Tên lửa bờ

Pháo binh - Tên lửa bờ là 1 trong 5 lực lượng chiến đấu chủ lực của Hải quân Việt Nam. Nhiệm vụ chính là bảo vệ căn cứ hải quân, các hải đảo quan trọng trên tuyến giao thông gần bờ biển và bờ biển; tham gia phòng thủ bờ biển, hải đảo; chi viện cho các tàu hải quân chiến đấu và cho lục quân hoạt động trên hướng ven biển.

Với nhiệm vụ đặc biệt như trên Pháo binh - Tên lửa bờ Việt Nam được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại như các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển 4K44 Rubezh-A, 4K44 Redut-M và K-300P Bastion-P. Ngoài ra còn có các hệ thống rocket EXTRA.

Pháo binh - Tên lửa bờ là 1 trong 5 lực lượng chiến đấu chủ lực của Hải quân Việt Nam. (Ảnh: Quân đội Nhân dân)

Hệ thống Rubezh-A được trang bị tên lửa chống hạm P-15M có tầm bắn từ 40-80km.

Hệ thống Redut-M được trang bị tên lửa hành trình chống hạm P-35 có tầm bắn có thể lên đến 550km.

Hệ thống Bastion-P với tên lửa hành trình chống hạm siêu âm P-800 Yakhont có tầm bắn 300km, vận tốc khi bay của nó có thể đạt tới Mach 2,5 (gấp 2,5 lần vận tốc âm thanh).

Hệ thống rocket EXTRA có tầm bắn tối đa vào khoảng 150km.

Hải quân Đánh bộ

Hải quân Đánh bộ Việt Nam là lực lượng tác chiến đặc biệt tinh nhuệ của Quân chủng Hải quân, có nhiệm vụ bảo vệ các đảo, đá hoặc tấn công, đổ bộ bằng đường biển lên đất liền hoặc lên các đảo bị nước ngoài chiếm đóng, bảo vệ chủ quyền.

Hải quân Đánh bộ Việt Nam là lực lượng tác chiến đặc biệt tinh nhuệ của Quân chủng Hải quân. (Ảnh: Trọng Thiết)

Các lữ đoàn Hải quân đánh bộ của Việt Nam đều được trang bị nhiều vũ khí, khí tài tân tiến. Do đặc thù nhiệm vụ, trang bị vũ khí của Hải quân đánh bộ chủ yếu là các loại súng bộ binh. Một trong những vũ khí đó là súng trường tấn công Tavor TAR-21.

Hải quân đánh bộ Việt Nam cũng được trang bị "sát thủ diệt tăng" Matador, có khả năng xuyên giáp xe tăng và phá các bức tường gạch hoặc bê tông cốt thép.

Trà Khánh

Tin mới