Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Yoshihide Suga: Từ con trai nông dân tới tân Thủ tướng Nhật Bản

(VTC News) -

Xuất thân từ gia đình nông dân, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga trở thành cái tên kế nhiệm vị Thủ tướng tại vị lâu năm nhất lịch sử - ông Shinzo Abe.

Là Chánh văn phòng nội các trong gần 8 năm, ông Suga đóng vai trò như nhân vật quyền lực số 2 trong chính quyền. Ông đối mặt với các câu hỏi hóc búa trong các cuộc họp báo 2 lần/ngày, tư vấn cho ông Abe về chính sách, điều phối bộ máy nội các Nhật Bản.

Kinh nghiệm dạn dày cùng mối quan hệ thân cận với Thủ tướng Abe khiến Suga giành được sự ủng hộ từ hầu hết các phe phái LDP. Đây cũng là tiền đề giúp ông dễ dàng đánh bại 2 đối thủ khác trong cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo LDP vừa kết thúc cách đây ít phút. 

Với chiến thắng này, ông Suga sẽ trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản bởi LDP chiếm đa số trong hạ viện Nhật Bản.

Xuất thân nhà nông

Khác biệt với Thủ tướng Shinzo Abe có xuất thân từ gia đình có quan hệ mật thiết với giới chính trị, ông Suga, sinh năm 1948, là con trai của một nông dân trồng dâu tây ở Yuzawa, Akita - vùng đất nổi tiếng với núi và tuyết. 

"Bất kể mùa đông khắc nghiệt thế nào, mùa xuân sẽ đến và tuyết sẽ tan. Vùng quê ấy dạy tôi sự kiên trì trước khi tôi biết điều đó", ông Suga nói về tuổi thơ của mình. 

Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga trở thành lãnh đạo mới của LDP. (Ảnh: Getty Images)

Một người bạn trung học của Suga nói ông rất trầm tính và thường rất im lặng trong đám đông. 

"Nhưng Suga luôn là một chiến lược gia. Giống như trong cờ tướng, ông ấy di chuyển từng bước một và trước khi bạn nhận ra, ông ấy đã ở vị trí chiếu tướng rồi", Hachiro Okonogi, nghị sĩ của LDP nhận xét. 

Sau khi tốt nghiệp trung học, ông Suga tới Tokyo và nhận các công việc bán thời gian như làm việc trong nhà máy bìa cứng hay chợ cá để có tiền trang trải học phí. 

Bước đi đầu tiên vào chính trường của tân lãnh đạo LDP là khi ông tới trung tâm việc làm của Hosei và kết nối với chủ tịch hội cựu sinh viên.

Vài năm sau đó, sự nghiệp chính trị của Suga bắt đầu khi ông giành ghế trong Hội đồng thành phố Yokohama - nơi ông được biết đến với biệt danh Thị trưởng bóng tối. 

Tới năm 1996, ông được bầu vào Quốc hội Nhật Bản. 

Năm 2012, Suga được bổ nhiệm vào vị trí Chánh Văn phòng Nội các và giữ vị trí này từ đó cho tới nay. 

Khi Thủ tướng Abe tuyên bố từ chức hồi cuối tháng 8, ông Suga nổi lên như một cái tên kế nhiệm sáng giá. 

"Một người bình thường như tôi có thể trở thành Thủ tướng. Đó chính xác là nền dân chủ của Nhật Bản", ông nói khi tuyên bố tham gia tranh cử Thủ tướng. 

Thông thường, những người nắm giữ vị trí Chánh Văn phòng Nội các Nhật được chia thành 2 kiểu. Một là trợ lý kiêm cố vấn, điển hình như Keizo Obuchi - người trở thành thủ tướng sau này. Hai là nhà quản lý sắc sảo như trường hợp của ông Hiromu Nonaka, người được biệt danh là "thủ tướng trong bóng tối". 

Người ta nhìn thấy ở ông Suga cả 2 tố chất này. Ông thường xuyên trao đổi với Thủ tướng về những việc cần làm, đồng thời vạch ra đường hướng cho Abenomics - chiến lược "ba mũi tên" trong chương trình cải tổ kinh tế của ông Abe. 

Ở tuổi 71, Suga là người lớn tuổi nhất trong số 3 ứng viên tham gia tranh cử Thủ tướng, nhưng ông nổi tiếng là một người cần mẫn với lối làm việc không biết mệt mỏi. 

Năm 2019, khi được hỏi về kỳ vọng của mình trong thời đại Reiwa, ông Suga nhấn mạnh: "Thu hút người nước ngoài, xuất khẩu nông sản và hỗ trợ vùng nông thôn bằng thuế quê hương".

Kế thừa khó khăn từ ông Abe

Phát biểu khi tuyên bố ra tranh cử, ông Suga khẳng định nếu đắc cử, ông sẽ tiếp tục duy trì các chính sách của Thủ tướng Abe, trong đó có Abenomics.

Trên mặt trận đối ngoại, ông cam kết nỗ lực hết sức để giải quyết vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980 và tìm cách ký kết Hiệp ước hòa bình với Nga để chính thức kết thúc tình trạng chiến tranh giữa hai nước.

Tuy nhiên, hiện tại, vấn đề cấp bách nhất mà tân Thủ tướng Nhật Bản phải đối mặt là ưu tiên khôi phục nền kinh tế chịu tổn thương nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Cùng với khoản nợ lớn phải gánh trên vai, Nhật Bản đang phải chi ra rất nhiều để kích thích kinh tế phục hồi sau đại dịch. 

Ông Suga sẽ phải đối mặt với loạt thách thức sau khi kế nhiệm ông Abe. (Ảnh: AP)

Một trong những điều khiến ông Abe trăn trở nhất là chưa thể sửa đổi Điều 9 trong Hiến pháp vốn không cho phép sử dụng chiến tranh làm phương tiện giải quyết các xung đột quốc tế liên quan đến Nhật Bản. Khi Suga trở thành Tân Thủ tướng, ông sẽ phải giải quyết vấn đề đang gây chia rẽ trong nội bộ LDP này. 

Về đối ngoại, vấn đề quan tâm hàng đầu của giới chính trường Nhật hiện nay là việc xử lý các tranh chấp với Nga cũng như kiềm chế các hành động ngày càng gia tăng từ Trung Quốc và mối nguy tiềm tàng từ Triều Tiên.  

Cùng với đó là việc giải quyết các trường hợp công dân Nhật Bản bị Bình Nhưỡng bắt cóc từ cuối những năm 70, đầu những năm 80. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần cùng đòi hỏi nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản linh hoạt trong quan hệ với đồng minh lâu năm của Tokyo. 

Ông Suga cũng cần phải xây dựng các chính sách kinh tế để hạn chế thiệt hại do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gây ra. Song song với đó, các doanh nghiệp Nhật vẫn phải giữ quan hệ tốt với các đối tác Trung Quốc. 

Nhật Bản trong những năm gần đây gia tăng các động thái răn đe các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, Biển Hoa Đông. Tokyo tăng cường các cuộc tập trận với các đối tác trong Bộ tứ Kim cương là Mỹ, Ấn Độ, Australia như một thông điệp ngầm gửi tới Bắc Kinh. 

Đây là chiến lược được giới chính trị Nhật Bản hoan nghênh và ông Suga cần duy trì chính sách này. 

Song Hy (Tổng hợp)

Tin mới