Điểm chuẩn xét tuyển vào trường đại học đào tạo ngành Kinh tế là một trong những ngành học có tỷ lệ cạnh tranh thuộc top đầu trong các mùa tuyển sinh. Để có thể đáp ứng nhu cầu của người học, trong những năm gần đầy các trường đại học trên cả nước không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và đẩy mạnh công tác tuyển sinh.
Dưới đây là một số trường đại học tuyển sinh, đào tạo ngành Kinh tế, bạn có thể tham khảo và cân nhắc lựa chọn:
Ngành Kinh tế đang được nhiều trường tuyển sinh. (Ảnh minh họa)
Học viện Tài chính
Năm 2023, Học viện Tài chính tuyển sinh theo 5 phương thức: xét tuyển thẳng và ưu tiên, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ bậc THPT, xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Với phương thức xét điểm thi tốt nhiệp THPT, năm nay ngành Kinh tế của trường lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 25,85 điểm, xét tuyển 3 tổ hợp môn thi A01; D01; D07.
Năm 2023 - 2024, học viện quy định mức học phí ngành Kinh tế dao động từ 22 - 24 triệu đồng/năm học. Từ những năm học sau học phí có thể thay đổi, không quá 10% so với năm học trước.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Ngành Kinh tế của trường Đại học Kinh tế Quốc được chia thành 3 chuyên ngành đào tạo, với ngưỡng điểm chuẩn lần lượt là: Kinh tế học (27,1 điểm), Kinh tế và quản lý đô thị (27,05 điểm), Kinh tế và quản lý nguồn nhân lực (27,15 điểm).
Ngoài xét bằng điểm thi tốt nghiệp, nhà trường còn xét tuyển ngành Kinh tế theo 2 phương thức khác: xét tuyển thẳng và xét kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường.
Mức học phí của ngành Kinh tế dự kiến dao động từ 16 - 22 triệu đồng/năm học. Lộ trình tăng học phí không quá 10% cho từng năm học.
Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng)
Năm 2023, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) tuyển sinh theo 5 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội, TP.HCM, xét tuyển theo phương thức tuyển sinh riêng của trường và xét tuyển thẳng.
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, ngành Kinh tế lấy 24,5 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển A00; A01; D01; D90. Phương thức xét học bạ, mức điểm chuẩn xét tuyển là 26,75 điểm, với 3 tổ hợp môn xét tuyển A00; A01; D01.
Học phí năm học 2023 - 2024 của ngành Kinh tế dự kiến là 14,4 triệu đồng/năm. Mức thu học phí những năm học tiếp theo có thể thay đổi nhưng mức tăng không quá 10% mức học phí của năm trước liền kề.
Đại học Kinh tế TP.HCM
Trường Đại học Kinh tế TP.HCM tuyển sinh ngành Kinh tế theo 6 phương thức: xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển HSG, xét học bạ bậc THPT, xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM, xét thí sinh tốt nghiệp nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế.
Năm 2023, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Kinh tế lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 26,1 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển A00; A01; D01; D07.
Nhà trường quy định mức học phí chương trình đại học chính quy năm học 2023 - 2024 dự kiến khoảng 940 nghìn đồng/tín chỉ. Mức học phí sẽ tăng không quá 10% so với năm liền trước.
Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM)
Năm 2023, ngành Kinh tế của trường Đại học Kinh tế - Luật tuyển sinh theo 4 phương thức: xét tuyển thẳng và ưu tiên, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM, xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ quốc tế (IELTS, TOEFL…) kết hợp với kết quả học THPT.
Ngành Kinh tế của trường được chia làm 2 chuyên ngành đào tạo, với ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển lần lượt là: Kinh tế học (25,75 điểm), Kinh tế và Quản lý công (24,93 điểm). Cả hai chuyên ngành đều xét tuyển 4 tổ hợp môn thi A00; A01; D01; D07.
Ngoài ra, nhiều trường đại học top đầu đào tạo ngành Kinh tế phải kể đến như: Trường Đại học Thương Mại, Công nghiệp Hà Nội, Ngoại thương, Giao thông vận tải, Mỏ địa chất, Cần Thơ, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia TP.HCM), Học viện Ngân hàng, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, Kinh tế - Tài chính TP.HCM...