Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Yangon thay đổi thế nào sau 16 năm cấm xe máy triệt để?

Xe máy gần như đã trở thành một phương tiện mang tính ở biểu tượng ở các thành phố lớn Đông Nam Á, nhưng Yangon thì không, chúng bị cấm hoàn toàn từ năm 2003.

Vào mỗi buổi sáng ở trung tâm Yangon, người đi làm bắt đầu đổ về các ngả đường trong thành phố sầm uất nhất đất nước Myanmar nhưng trong sự yên tĩnh có đôi phần khác thường. Tiếng còi xe máy hú vang trên các con phố, một nét đặc trưng của nhiều khu đô thị ở Đông Nam Á không hề xuất hiện ở Yangon. Đơn giản vì họ đã cấm xe máy được 16 năm. 

Từ năm 2003, xe máy chạy bằng nhiên liệu bị cấm triệt để trong toàn thành phố, xe đạp bị cấm ở trung tâm. 6 thị trấn ngoại ô Yangon cũng hạn chế để xe đạp và xe đạp điện di chuyển. 

Đường phố Yangon trở nên thông thoáng hơn sau khi cấm xe máy.  

Vào thời điểm lệnh cấm được ban hành, có rất nhiều những đồn đoán được đưa ra về lý do chính quyền Yangon lại mạnh tay trong vấn đề này. Ông Maung Aung, người đứng đầu Cơ quan vận tải Vùng Yangon (YRTA) khẳng định rằng các loại xe bị cấm vì ý thức người điều khiển chúng kém, phần đông không tuân thủ luật giao thông, đặc biệt là những nhóm thành niên trẻ tuổi ham thích rú ga ầm ĩ trên phố.  

Việc cấm xe máy khiến tình hình giao thông tại trung tâm thủ đô Yangon trở nên thông thoáng hơn và tình trạng tai nạn cũng suy giảm.

Nhưng cùng với sự phát triển, số lượng ô tô giá rẻ nhập khẩu tăng lên nhanh chóng trong khi đường phố nhiều nơi còn khá chật hẹp với cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, thiếu đồng bộ nên cũng lâm vào tình trạng tương tự như các thành phố Bangkok, Jakarta và Manila. Tình trạng tắc đường vẫn xảy ra thường xuyên vào giờ cao điểm do thiếu các hệ thống giao thông công cộng. 

Những chiếc ô tô di chuyển có trật tự ở Yangon. 

Để giải quyết bài toán này, giới chức Yangon quyết định tăng thuế với xe cá nhân, siết chặt nhập khẩu ô tô. Các nhà hoạch định chính sách cũng khẳng định sẽ không có chuyện đưa xe máy trở lại vì điều đó sẽ chỉ làm gia tăng ô nhiễm môi trường. 

Thêm vào đó, việc cấm xe máy đã làm giảm đáng kể số vụ tai nạn giao thông ở cố đô của Myanmar. Trước khi Yangon ban hành lệnh cấm xe máy, phương tiện này là nguyên nhân gây ra phần lớn các vụ tai nạn giao thông, đồng thời là phương tiện phổ biến để tội phạm hoành hành. Theo ước tính trước năm 2003, xe máy gây ra hàng nghìn vụ tai nạn giao thông mỗi năm ở Yangon. Tuy nhiên, con số này đã giảm rõ rệt sau khi lệnh cấm được triển khai. 

Khi xe máy còn "hoành hành" trên các đường phố ở Yangon, ý thức của người dân tại đây khi tham gia giao thông khá kém. Họ thường xuyên lấn làn, vượt đèn đỏ, tạt đầu các xe to. Nhưng khi xe máy ngừng chạy trên các con phố, người dân cũng học được cách kiên nhẫn hơn. Những chiếc xe ô tô không chen lấn, vượt nhau, dừng lại trước vạch quy định khi có đèn vàng. 

 Yangon không còn một bóng xe máy lưu thông trên đường. 

Nhiều cầu vượt đang được xây dựng, hàng loạt các hệ thống đèn giao thông được dựng lên ở nhiều nơi, hệ thống xe buýt nhanh (BRT) cũng đang được tích hợp với đường sắt đô thị. Hệ thống xe buýt vốn là phương tiện được người dân sử dụng nhiều nhất ở Yangon cũng được nâng cấp và cải thiện rõ rệt. 

Tuy nhiên, do triển khai cấm xe máy không đi theo một lộ trình cụ thể và được quy hoạch kỹ nên Yangon đang gặp một bài toán khó về vấn đề điều tiết một lượng phương tiện giao thông khổng lồ. Mặc dù vậy, nhiều người tỏ ra hài lòng với việc cấm xe máy bởi nó giúp thay đổi hoàn toàn bộ mặt của Yangon, từ một thành phố lạc hậu trở nên hiện đại, bớt hỗn loạn hơn.

Song Hy

Tin mới