Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ý tưởng xanh: Quên đi nỗi lo thiếu nước sạch mùa lũ!

(VTC News) - Những ý tưởng mới về một vấn đề “hậu lũ lụt”, đơn giản và có ý nghĩa thiết thực lâu dài không chỉ cho vùng lũ. Mời bạn đọc cùng tham gia thảo luận.

(VTC News) – Tiếp tục loạt bài hiến kế vì cộng đồng, độc giả Đỗ Linh Cường lại gửi đến chúng ta những ý tưởng mới về một vấn đề “hậu lũ lụt”, đơn giản và có ý nghĩa thiết thực, tầm nhìn lâu dài không thua kém những bài viết trước của mình. Mời bạn đọc cùng tham gia thảo luận. 

 

Cung cấp nước sạch sinh hoạt cho nông thôn là vấn đề vô cùng hệ trọng, vì trên 70% dân cư sống rải rác ở khắp vùng miền nông thôn rộng lớn. Khác với những điểm tập trung như các thành phố, thị trấn, nơi có các nhà máy xử lí nước và hệ thống đường dẫn nước sạch đến người dân tương đối thuận tiện, người dân nông thôn phần đông vẫn phải tự lo lấy nước sinh hoạt cho mình.

Có 3 nguồn nước “nguyên liệu đầu vào” là nước mặt (sông, hồ, ao, biển), nước ngầm và nước mưa. Đối với nước mặt, chúng ta phải giải quyết vấn đề xử lí; với nước ngầm, nhiều vùng vẫn phải  xử lí nước nhiễm phèn, nhiễm sắt, và đặc biệt là nhiễm arsenic (thạch tín), một chất độc có khả năng gây ung thư. Với nước mưa, được coi là sạch nhất (dù một số vùng bị nhiễm mưa axit, bụi công nghiệp mà so với thế giới ta vẫn may ở vào mức thấp), lại được trời cho không thì việc hứng đúng cách và nhất là chứa được lượng đủ để dùng dần trong mùa khô (dù chỉ để ăn uống) là vấn đề khó đối với người nghèo, phải động não để cùng nhau giải quyết.

 

Loạt bài tiếp theo đây viết về nước sinh hoạt cho những vùng chưa có “nước máy”, mong được góp vào một diễn đàn mở cùng bạn đọc cả nước tìm ra, kiểm định, khẳng định, cải tiến, phổ biến kinh nghiệm… trong lĩnh vực rất quan trọng này của cuộc sống.

 

 

Kỳ 1: LŨ MẶC… LŨ, GIẾNG VẪN TRONG

 

Làm sao để vĩnh viễn không còn phải nghe điệp khúc buồn hẹn giờ: Lũ về, các giếng nước ngập  nước lũ dơ, người dân thiếu nước sạch để ăn uống, phải chở từ nơi khác đến; khi nước lũ rút lại phải vệ sinh giếng, dùng cloramin B để sát trùng, phèn để lắng trong nước, v.v…?

 

Tôi sẽ không vội nêu ra đây giải pháp để xóa điệp khúc trên, dù nó khá đơn giản, có thể nói trong bốn chữ, làm trong một buổi, chi phí nửa triệu đồng mỗi giếng và “vô tư” dùng cho hàng chục năm sau, cho đến khi có “nước máy” từ nhà máy nước.

 

Tôi muốn nói ra đây lòng biết ơn của mình đối với người nông dân Quảng Bình đã chỉ cho tôi cách bảo vệ giếng nước sạch mùa lũ rất đơn giản là lấy tấm vải mưa dày đậy kín và buộc chặt vào miệng giếng bằng dây cao su. Khi nước lũ rút, mở tấm màng ra, nước giếng đầy ắp và trong vắt.

 

Tôi cũng đặc biệt cám ơn nhà báo Lê Văn Thưa với phóng sự ảnh của anh đăng trên VOV News ngày 27/10/2010 đã đưa tin trên bằng 13 tấm ảnh thật sống động mà tôi chắc tác giả của nó phải rất tâm đắc với phát hiện của mình mới truyền “lửa” nghề vào trong các ảnh giếng nước (các bạn có thể dễ dàng ngắm các ảnh dễ thương này bằng cách tìm kiếm trên Google).

 

Nhiều bạn sẽ nói: Những việc làm đó cũng đơn giản thôi mà. Vâng, đơn giản và kì diệu như Acsimet là người đầu tiên phát hiện ra định luật về sự nổi của vật ngâm trong nước và như Newton là người đầu tiên viết thành công thức toán học khi phát hiện ra trái táo lúc lìa cành thì rơi xuống đất chứ không bay lên trời.

 

Nếu là đơn giản, thì bạn nghĩ gì khi thông tin trên mạng cho biết ngày 22/11/2010 Quảng Ngãi phải xử lí hơn 7000 giếng nước sau lũ, dùng hơn 1500 kg cloramin B ? (riêng huyện Bình sơn có 1200 giếng nước bị ngập). Quy trình xử lí theo hướng dẫn của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn gồm 3 bước, dùng cả phèn và cloramin B, lại phải vét hết bùn cặn trước khi cho hóa chất vào xử lí, rồi sau khoảng một tuần lại phải thau rửa lại giếng lần nữa.

 

Như vậy ưu điểm của cách làm của người nông dân Quảng Bình nói trên là bạn có ngay nước sạch để dùng sau khi nước lũ rút xuống thấp hơn miệng giếng.

 

Tuy nhiên, nếu trong thời gian nước lũ còn ngập trên tấm vải mưa che miệng giếng mà ta cần nước sạch thì sao? Có nơi nước nước lũ xuống rất chậm, tới cả tuần lễ, chưa kể tấm vải mưa bị cành cây, vật nhọn đâm thủng, dây buộc bị tuột, đứt…?

 

Để có nước giếng sạch cho bà con dùng ngay cả trong khi nước lũ ngập, tôi đề nghị một giải pháp đơn giản trong bốn chữ là XÂY CAO THÀNH GIẾNG. Một giếng đường kính 1m như trong các ảnh nói trên, nếu xây thành giếng cao từ 1,5 đến 2m, tùy vùng ngập, có bậc lên xuống để dễ múc nước bằng gầu, thì chỉ tốn 300 – 400 viên gạch, 120-150 kg xi măng với giá thành khoảng 500.000đ.

 

Khi đã xây cao thành giếng rồi thì bà con nên kiểm tra bề mặt xung quanh giếng, trám những chỗ nứt, thủng nếu đã được lát gạch, đá để đảm bảo trong phạm vi 1,5m tính từ thành giếng, bề mặt giếng ngăn không cho nước dơ thấm vào giếng (có thể dùng thêm đất sét ở địa phương để đầm chặt vòng ngoài, tiết kiệm gạch, xi măng). Cuối cùng là làm cái nắp bằng phên tre dày đậy trên miệng giếng có buộc, chặn chắc chắn khỏi gió bay để không cho lá cây, vật lạ rơi vào giếng  (xin xem hình minh họa).


 

 Click để xem hình cỡ lớn

Như vậy là với một chi phí tương đối nhỏ bà con có thể nâng cấp giếng nước hiện có của mình thành nguồn cung cấp nước sạch trong mọi thời điểm mùa lũ lụt. Nên chăng chính quyền địa phương xã, huyện tổ chức vài chục đội xây dựng chuyên đi xây cao thành giếng cùng  bà con (nhà nước và dân cùng làm) để rồi hàng năm chính quyền không phải vất vả đi lo tiếp tế nước sạch khi nước lũ về và đi khử trùng, thau giếng mỗi khi nước lũ rút.

 

Đỗ Linh Cường

Diễn đàn:

Từ ý tưởng đi đến thực tế, cần lắm sự chung tay của tất cả chúng ta. Hãy chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm, hiểu biết của bạn để cùng đưa những ý tưởng xanh đến với cuộc sống sinh động bên ngoài, mang lại lợi ích cho đồng bào và cho mỗi chúng ta! Mọi ý kiến xin gửi qua ô thảo luận cuối bài, hoặc mail về:

bandoc@vtc.vn

. Trân trọng!


Nguồn:

Tin mới