Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ý nghĩa chuyến thăm Iran của Tổng thống Nga Putin

Chuyến thăm Iran của Tổng thống Nga Putin đang gửi một thông điệp tới toàn bộ khối liên kết với Mỹ ở Trung Đông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm Iran để thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà Ebrahim Raisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về một loạt nội dung, từ hợp tác song phương đến những vấn đề quốc tế.

Theo RIA Novosti, đây là chuyến thăm Iran lần thứ 5 của nhà lãnh đạo Nga kể từ năm 2000, nhưng là chuyến đi thứ 4 trong 7 năm qua tới quốc gia Hồi giáo này. Các chuyến thăm của ông Putin đều gắn với một số sự kiện đa phương được tổ chức tại thủ đô Teharan: Diễn đàn Caspi, hội nghị thượng đỉnh các nước xuất khẩu khí đốt... Hay như lần này là hội nghị 3 bên theo "thể thức Astana", gồm Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran.

Một số kết quả chính

Theo PressTV, nhân chuyến thăm này, Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC) và Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã ký thỏa thuận lịch sử 40 tỷ USD đầu tư vào các dự án dầu và khí đốt. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi. (Ảnh: Reuters)

Biên bản ghi nhớ sẽ bao gồm các dự án phát triển tại một số mỏ dầu và khí đốt của Iran, bao gồm dự án trị giá 10 tỷ USD tại các mỏ khí đốt Kish và North Pars nằm ở Vịnh Ba Tư cũng như dự án trị giá 15 tỷ USD nhằm tăng cường công suất tại Nam Pars, mỏ khí đốt lớn nhất nằm trên biên giới biển giữa Iran và Qatar.

Ngoài ra, hai bên cũng sẽ hợp tác để hoàn thành các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng như xây dựng các đường ống xuất khẩu khí đốt và các thỏa thuận hoán đổi giữa Iran và Nga liên quan đến khí đốt tự nhiên và các sản phẩm dầu mỏ.

Giám đốc NIOC Mohsen Khojastehmehr cho biết thỏa thuận với Gazprom là cam kết đầu tư nước ngoài lớn nhất được ghi nhận trong toàn bộ lịch sử của ngành dầu mỏ Iran, đồng thời lưu ý rằng nó sẽ chiếm 1/4 tổng số các khoản đầu tư được lên kế hoạch cho lĩnh vực dầu mỏ Iran cho đến năm 2025.

Trước đó, Republicworld.com đưa tin Nga và Iran có kế hoạch xóa bỏ quan hệ thương mại bằng đồng USD. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 18/7 thông báo rằng Iran có kế hoạch giảm đô la hóa nền kinh tế của mình để hạn chế tác động của các biện pháp trừng phạt do Mỹ áp đặt. Ông Peskov tuyên bố Tehran và Moskva sẽ từng bước hạn chế sử dụng đồng USD trong quan hệ song phương và chuyển sang sử dụng SPFS - hệ thống tài chính riêng của Moskva. Theo ông Peskov, năm 2021, khối lượng quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước đã vượt 4 tỷ USD.  

Đài Sputnik cũng đưa tin rằng Iran đã bày tỏ sẵn sàng chuyển đổi các giao dịch thương mại được thực hiện ở nước ngoài sang thương mại với Nga bằng đồng rial của Iran. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái), Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (phải). (Ảnh: TASS)

Theo hãng thông tấn TASS, với hội nghị thượng đỉnh Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ, viện trợ nhân đạo cho Syria và cuộc chiến chống khủng bố là kết quả của hội nghị thượng đỉnh 3 bên theo định dạng Astana. Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định định dạng Astana cần đóng vai trò quan trọng trong ngăn chặn xung đột Syria, tuân thủ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Trung Đông này.

Ba bên cũng xác nhận rằng xung đột Syria không có giải pháp quân sự và chỉ có thể được giải quyết bởi chính người Syria bằng con đường chính trị. Tại hội nghị, ông Putin cho rằng hợp tác giữa ba nước nói chung là khá hiệu quả nhưng nhấn mạnh rằng cần có các bước bổ sung nhằm ổn định các khu vực không do Syria kiểm soát. 

Ông Putin nhấn mạnh rằng 3 nước nên thực hiện các biện pháp để khởi động cuộc đối thoại ở Syria để người dân nước này có thể xác định tương lai của họ mà không cần áp đặt các công thức hoặc mô hình có sẵn ở bên ngoài. Về vấn đề này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ủng hộ cuộc họp mới sớm nhất của Ủy ban Hiến pháp Syria tại Geneva.

Ngoài ra, 3 nước bày tỏ quyết tâm tiếp tục hợp tác cùng nhau để chống lại chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức. Theo ông Putin, cần phải loại bỏ hoàn toàn nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm cực đoan khác khỏi Syria.

Về vấn đề người tị nạn và các biện pháp trừng phạt, tuyên bố Astana bác bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đơn phương chống lại Syria và kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ cho người Syria không phân biệt đối xử, chính trị hóa và minh bạch hơn. Ông Erdogan lưu ý riêng về vấn đề di cư, nhắc lại rằng hiện có khoảng 3,7 triệu người Syria tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Dự kiến hội nghị thượng đỉnh ba bên tiếp theo sẽ được tổ chức tại Nga theo lời mời của ông Putin. Ngoài ra, cuộc họp quốc tế lần thứ 19 về Syria theo định dạng Astana sẽ được tổ chức trước cuối năm nay.

Đánh giá về chuyến thăm

Theo RIA Novosti, chuyến thăm của ông Putin nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác với Iran và điều này nằm trong lợi ích chiến lược của Nga. Iran ngày càng tham gia nhiều hơn vào hình thức hợp tác đa phương với Nga. Iran đã gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và muốn tham gia BRICS. Nói cách khác, hai bên đang hướng tới hợp tác chiến lược, cả song phương và toàn cầu. Nga và Iran có tiềm năng hợp tác to lớn, từ thương mại đến hành lang vận tải Bắc-Nam nối Biển Baltic đến các cảng của Iran ở Biển Arab. 

Chuyến thăm Iran lần này của Tổng thống Nga Putin cũng thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận Trung Đông và quốc tế. Bình luận trên trang web của Quỹ Jamestown (jamestown.org), Tiến sĩ Pavel K. Baev, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế, Oslo (PRIO) cho rằng chuyến công du của Tổng thống Nga đến Iran nhằm tạo đối trọng với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Israel và Saudi Arabia vào tuần trước.

Một số chuyên gia cho rằng chuyến thăm Iran của ông Putin nhằm tạo đối trọng với chuyến thăm Trung Đông mới đây của Tổng thống Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Theo ông Baev, chuyến thăm của ông Putin sẽ khó mang lại bước đột phá trong cuộc đàm phán bế tắc về chương trình hạt nhân của Iran, nhưng rất có thể sẽ mang lại nhiều kết quả hơn trong tăng cường mối quan hệ kinh tế và an ninh với Tehran. Tuy nhiên, ông Baev lưu ý rằng lựa chọn tốt nhất để Nga nâng cao vị thế khu vực của mình ở Trung Đông là mở rộng quan hệ với Iran, nhưng điều này gần như chắc chắn sẽ làm giảm vị thế của Nga trong thế giới Arab.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, Tiến sĩ Baev cho rằng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan là người duy trì lập trường mâu thuẫn về cuộc xung đột ở Ukraine. Nga đã không hài lòng khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chuyển giao máy bay không người lái chiến đấu Bayraktar TB2 cho Ukraine, nhưng vấn đề này không được nêu ra trong các cuộc hội đàm giữa ông Putin và Erdogan.

Sau khi bắt giữ một tàu Nga chở ngũ cốc Ukraine vào đầu tháng này, Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy sáng kiến ​​mở đường biển tới Odeasa và Nga đã đồng ý thỏa hiệp. Ông Erdogan có thể sử dụng thành công ngoại giao này để thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị ở Mỹ và với NATO liên quan đến tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển.

Đổi lại sự linh hoạt đối với ngũ cốc Ukraine, Moskva sẽ mong đợi Ankara hoãn hoạt động quân sự đã được công bố ở miền Bắc Syria, nhằm mở rộng quyền kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ. Bất chấp việc giảm hiện diện quân sự, Syria vẫn là trụ cột quan trọng của Nga ở Trung Đông.

Trong khi đó, tờ Bưu điện Jerusalem nhận định, Israel đang theo dõi thận trọng chuyến thăm Iran của ông Putin, đặc biệt là khả năng Iran mua vũ khí của Nga.

Tờ báo dẫn lời Ksenia Svetlova, Giám đốc chương trình Israel - Trung Đông tại Mitvim nói: “Iran hiện là thị trường mở duy nhất cho vũ khí của Nga. Các phương tiện truyền thông Iran đang công bố danh sách vũ khí cần mua, bao gồm các hệ thống rất nguy hiểm đối với Israel. Chúng tôi sẽ không muốn Iran và các lực lượng ủy nhiệm sử dụng chúng ở Liban hoặc Syria”.

Ngoài ra, bà Svetlova cho rằng chuyến thăm của ông Putin, cũng như của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, mang lại cho Iran uy tín trước công chúng. Bà Svetlova nói: “Bất kỳ chuyến thăm nào của một nhà lãnh đạo một cường quốc thế giới tới Iran đều rất ấn tượng. Nó mang lại cho Iran sự công nhận và tự tin cũng như nâng cao vị thế quốc tế của họ”.

Nguồn: Báo Tin tức

Tin mới