7h sáng 28/7, chuyến bay đón 219 công dân Việt Nam ở Guinea Xích đạo (châu Phi) sẽ xuất phát từ sân bay Nội Bài. Chuyến bay kéo dài 12 tiếng đến Guinea Xích đạo. Ở đây máy bay sẽ được nạp nhiên liệu trong khoảng 3 giờ. Thời gian này, các công dân sẽ được hướng dẫn quy trình lên máy bay. Sau khi ổn định, chuyến bay sẽ lên đường trở về Việt Nam. Dự kiến, máy bay sẽ hạ cánh lúc 13h30 trưa mai, 29/7.
Tham gia chuyến bay, đoàn y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương gồm 1 Phó khoa, 1 bác sĩ cùng 2 nhân viên y tế khoa Cấp cứu sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất.
Giám đốc bệnh viện - TS.BS Phạm Ngọc Thạch cho biết, dự kiến ban đầu đoàn bay sẽ về ngày 3/8, nhưng sau đó kế hoạch có sự thay đổi sớm hơn 1 tuần, nên mọi công việc đều được gấp rút chuẩn bị, cho đến nay mọi thứ sẵn sàng cho nhiệm vụ quan trọng.
Bệnh viện cho biết, mọi công tác chuẩn bị cho chuyến bay đón 120 bệnh nhân mắc COVID-19 về nước đã sẵn sàng.
Chủ động, sẵn sàng
Bác sĩ Thạch cho hay, để chuẩn bị đón đoàn bay gồm 219 người, trong đó 120 ca COVID-19, bệnh viện bố trí một Tổ y tế đặc biệt bao gồm 1 phó khoa, 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng khoa Cấp cứu đi theo cùng chuyến bay. Đây đều là những cá nhân xuất sắc, có kinh nghiệm trong ứng phó, điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 trước đây.
Tổ y tế trên chuyến bay sẽ mang theo một số trang thiết bị thuốc men, vật tư, máy thở, máy siêu âm… để phục vụ chăm sóc người bệnh, sẵn sàng phản ứng, xử lý nhanh có tình huống mới phát sinh.
“Mặc dù thời gian thay đổi sớm hơn 1 tuần, lượng bệnh nhân lại đông, lên tới 120 người. Nhưng để chuẩn bị, chúng tôi đã lên kế hoạch, kịch bản chi tiết tất cả về nhân lực, vật lực sẵn sàng cho những tình huống có thể xảy ra trên máy bay cũng như công tác điều trị tại bệnh viện”, BS Thạch nói và cho biết đã họp toàn viện bàn việc triển khai kế hoạch trên.
Để việc tiếp đón, điều trị cho số lượng lớn bệnh nhân COVID-19, bệnh viện cho chuyển toàn bộ số người bệnh đang điều trị tại đây tới cơ sở Giải Phóng; điều động 250 nhân viên bao gồm cả nhân viên y tế, hậu cần, bảo vệ… phục vụ chăm sóc sức khỏe cho 120 bệnh nhân.
"Lần này bệnh viện sẽ có robot hỗ trợ chăm sóc. Với sự chuẩn bị như vậy nên dù nhiệm vụ lần này có khó khăn chúng tôi vẫn tin tưởng hoàn thành tốt”, Lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nói.
BS Thân Mạnh Hùng – Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Tổ trưởng Tổ Y tế trên chuyến bay đón 219 công dân từ châu Phi về nước.
Lường mọi tình huống
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, thử thách đặt ra cho Tổ y tế bệnh viện lần này là số lượng bệnh nhân lớn. Đặc biệt, trong 120 người bệnh có một số trường hợp biểu hiện nặng, nên công tác theo dõi, chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân này rất quan trọng.
“Thông tin chúng tôi nhận được thì có khoảng 5-7 bệnh nhân mắc COVID-19 về trên chuyến bay lần này đã bắt đầu có biểu hiện nặng thêm. Do đó, trong kế hoạch chuẩn bị, viện cho mang theo lên máy bay cả máy oxy, máy thở và máy siêu âm để sẵn sàng cấp cứu ngay khi có tình huống phát sinh”, BS Thạch nói.
Kế hoạch lần này chi tiết tới mức có dự trù có việc ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh cho các thành viên trên chuyến bay. “Thậm chí, chúng tôi còn mang theo lương khô, chuẩn bị sẵn cả bỉm nếu cần”, ông Thạch nói.
BS Hùng chụp ảnh lưu niệm cùng đồng nghiệp trước khi lên máy bay.
Đối diện hiểm nguy
Là Tổ trưởng Tổ y tế đặc biệt nhận nhiệm vụ lên đường đón công dân về nước, BS Thân Mạnh Hùng - Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chia sẻ, đây là chuyến bay đầu tiên giải cứu công dân từ nước ngoài về có số bệnh nhân dương tính nhiều. Đó thực sự là thử thách đối với anh và thành viên Tổ y tế, bởi nguy cơ lây nhiễm rất cao.
“Môi trường máy bay khá chật hẹp, số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 lớn, nồng độ virus lại rất đậm đặc nên nguy cơ lây nhiễm corona của phi hành đoàn và tổ bay rất cao. Do vậy, ngay từ đầu khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi có chuẩn bị tất cả những kịch bản chi tiết cả về nhân lực và vật lực, sao cho hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra”, BS Hùng nói.
Tổ trưởng Tổ Y tế đặc biệt cũng cho biết, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trên môi trường ít thông khí, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bàn bạc, bố trí nhân khu vực cụ thể cho từng đối tượng.
Khu đầu tiên dành cho bệnh nhân dương tính, khu thứ 2 là người chưa có kết quả xét nghiệm, tiếp theo là khu của nhân viên y tế và cuối cùng là phi hành đoàn. Mỗi khu như vậy sẽ được ngăn cách bằng màng chắn ni-lông.
Buồng áp lực dương nhằm hạn chế lây lan của virus trên máy bay. (Ảnh: BVCC).
Dù được trang bị quần áo bảo hộ, trang thiết bị cần thiết, nhưng ở môi trường có tỷ lệ sử dụng thông khí chỉ khoảng 60%, lại đông bệnh nhân COVID-19 thì nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu. Các bác sĩ chia sẻ ngay từ khi chọn nghề phải xác định rõ những mối nguy như vậy.
“Làm gì có ai tính toán được chính xác tỷ lệ lây nhiễm là bao nhiêu để phòng tránh. Gia đình tôi cũng biết và hiểu cho công việc này. Bởi đây không phải lần đầu tiên chúng tôi thực hiện một nhiệm vụ lớn, có nguy cơ lây nhiễm cao.
Tất nhiên gia đình rất lo lắng, nhưng do đặc thù công việc nên tất cả đều hiểu. Mọi người đều cố gắng động viên tinh thần nhau để thêm phần yên tâm. Nhờ có hậu phương vững chắc, tôi và các đồng nghiệp càng thêm quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ lần này”, BS Hùng chia sẻ.
Video: Chia sẻ của bác sĩ đi châu Phi đón 120 bệnh nhân mắc COVID-19 về nước