Rửa tay với xà phòng được ví như liều vắcxin làm giảm 35% nguy cơ lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy. Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ tử vong, di chứng, kéo dài thời gian nằm viện (từ 9 đến 24,3 ngày) và tăng chi phí điều trị (trung bình từ 2 đến 32,3 triệu đồng), ông Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết.
Hơn 1,4 triệu người bệnh trên thế giới bị nhiễm khuẩn bệnh viện. Tại Việt Nam, kết quả điều tra nhiễm khuẩn tại 36 bệnh viện phía Bắc, tỷ lệ này là 7,9%. Đặc biệt, có nhiều dịch bệnh bùng phát, nhiều chủng vi khuẩn đa kháng.
Nhân viên y tế Bệnh viện K hưởng ứng chiến dịch Vệ sinh tay. (Ảnh: Hà Trần)
Theo Bộ Y tế, khảo sát tự đánh giá thực trạng hoạt động liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn tại gần 560 bệnh viện, cho thấy chỉ có hơn 46% khoa Gây mê hồi sức có dụng cụ được khử khuẩn, tiệt khuẩn tập trung; vẫn còn hơn 11% khoa không giám sát tuân thủ vệ sinh tay và tuân thủ thực hành.
Bệnh nhân ở Kệnh viện K hầu hết được điều trị với các liệu pháp như hóa trị, xạ trị gây suy giảm miễn dịch, việc phòng ngừa nhiễm khuẩn rất quan trọng. Bệnh viện đã xây dựng mô hình phòng ngừa được nhiễm khuẩn một chiều như phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải y tế đúng nơi quy định, xây dựng kho lưu giữ chất thải để đảm bảo chất thải không ảnh hưởng tới môi trường. Bệnh viện cũng tiệt khuẩn, khử khuẩn dụng cụ nghiêm ngặt trước khi tái sử dụng.
Tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay năm 2017 chỉ đạt 62%, năm 2018 gần 79%, và tăng lên 85% trong năm 2019. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ một động tác vệ sinh tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới.
Bệnh viện tổ chức ký cam kết thực hiện vệ sinh tay đúng quy định giữa Ban Giám đốc, Công đoàn với lãnh đạo và nhân viên các khoa, phòng. Mục tiêu giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện, 90% nhân viên y tế, người bệnh, người nhà tuân thủ rửa tay.