Ukraine đối mặt với thực tế khắc nghiệt là thiếu thốn vũ khí đạn dược, đặc biệt là đạn pháo 155mm sau khi Israel khởi động chiến dịch trên bộ ở dải Gaza. Về phương diện đạn dược, liệu Ukraine sẽ cầm cự được bao lâu?
Một người lính Ukraine ngồi bên các đầu đạn pháo và vỏ thuốc phóng ở tỉnh Donetsk hồi tháng 6/2023. (Ảnh: AFP)
Tổng thống Ukraine Zelensky phàn nàn với báo chí phương Tây rằng mức độ cung cấp đạn pháo 155mm của NATO đã giảm mạnh kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra mới đây. Cụ thể, các ấn phẩm của Mỹ trích lời giới chức Ukraine cho hay, nguồn cung đạn pháo cho họ đã sụt giảm tới hơn 30%.
Trong khi đó, Anatoly Matviychuk, một chuyên gia quân sự cho biết: "Rốt cuộc, Ukraine không có năng lực sản xuất ra đạn dược phương Tây. Còn về đạn dược kiểu Xô viết, thì họ từng có năng lực sản xuất, nhưng năng lực công nghiệp đó không còn nữa do đã bị các cuộc tấn công của Nga phá hủy".
Matviychuk giải thích rằng hiện tại Nga sử dụng mỗi ngày xấp xỉ 25.000 - 50.000 quả đạn pháo thuộc các cỡ nòng khác nhau, còn Ukraine đáp lại chỉ bằng 7.000 - 11.000 quả đạn pháo.
Theo viên đại tá đã nghỉ hưu này, hoạt động quân sự của Ukraine tại tiền tuyến đã suy giảm.
Matviychuk cho biết thêm: "Ukraine cũng không nắm được ưu thế trên không. Hỏa lực pháo và các vũ khí tầm xa của Ukraine, nhờ vào nguồn cung cấp của Anh, Mỹ và Đức, đã và đang giảm đi. Tôi tin rằng trong tương lai gần, đặc biệt trong đợt lạnh giá mùa đông, họ sẽ bắt đầu hứng chịu thất bại về hỏa lực. Thương vong của họ đã rất cao và theo tôi, từ góc nhìn của một quân nhân, điều đó là rất nghiêm trọng".
Liệu Mỹ có tiếp tục viện trợ cho xung đột vũ trang của Ukraine?
Ngân sách mà Quốc hội Mỹ phê chuẩn phân bổ cho Ukraine hiện đang cạn dần. Trong khi đó, các nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa đang phản đối một gói viện trợ mới, do Tổng thống Mỹ Biden yêu cầu, trị giá 61 triệu USD dành cho Ukraine.
Vào đầu tháng 11/2023, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật cung cấp 14,3 tỷ USD viện trợ quân sự cho Israel trong khi để mặc Ukraine trong lạnh giá. Sau đó, Thượng viện Mỹ chặn đề xuất này nhằm ép đảng Cộng hòa chuyển sang xem xét một gói viện trợ tổng hợp cho cả Israel và Ukraine.
Tranh cãi vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Marjorie Taylor Greene (bang Georgia) cảnh báo với báo giới rằng phe Cộng hòa sẽ "nổi đóa" nếu Hạ viện bật đèn xanh cho hàng tỷ USD viện trợ cho Kiev. Theo các cuộc thăm dò gần đây, 59% số người được hỏi thuộc đảng Cộng hòa cho rằng chính phủ đang chi quá nhiều cho Ukraine.
Cựu đại tá Matviychuk nói: "Một cuộc đấu chính trị rất kịch tính đang diễn ra tại Mỹ".
Châu Âu sẽ theo đuổi việc cung cấp đạn cho Kiev?
Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius thừa nhận rằng Liên minh châu Âu (EU) ít khả năng đạt được mục tiêu gửi một triệu quả đạn pháo cho Ukraine vào tháng 3/2024. Trong khi đó, thực chất của vấn đề nằm ở chỗ Ukraine đã tiêu dùng đạn dược nhanh hơn khả năng sản xuất của Mỹ lẫn các đồng minh NATO khác.
Theo Matviychuk, việc cạn kiệt kho đạn của quân đội EU chỉ là một phần của vấn đề. Cái chính, theo ông, là người châu Âu nghi ngờ về việc rót thêm đạn và tiền vào Ukraine.
Chuyên gia quân sự nói: "Hiện nay ở Hà Lan, tân thủ tướng đã đặt câu hỏi đối với tính khả thi của việc cung cấp vũ khí khí tài cho Ukraine. Tôi cho rằng châu Âu đang kẹt trong một tình thế rất đáng lưu ý. Không còn khí đốt, hoặc khí đốt rất đắt đỏ. Kinh tế thì bắt đầu suy thoái. Người Đức bắt đầu nhận thức ra vấn đề... Xung đột mà kéo dài thì các nước châu Âu sẽ bắt đầu xa lánh nó, để tập trung vào các vấn đề quốc nội của riêng họ, chứ không phải vấn đề của Ukraine".
Tương tự, Matviychuk nghi ngờ kịch bản trong tương lai gần châu Âu sẽ dồn nguồn lực kinh tế của mình vào sản xuất đạn pháo và khí tài quân sự để đáp ứng nhu cầu của Ukraine.
Viên đại tá nhấn mạnh: "Điều này không phục vụ lợi ích của châu Âu, mà là lợi ích của Mỹ, vì chính Mỹ nắm được thị trường vũ khí thông qua châu Âu. Châu Âu quen mua mọi thứ sẵn có. Tái định hướng nền kinh tế theo hướng quân sự hóa và sản xuất vũ khí của riêng mình là điều không mang lại lợi nhuận cho họ. Tôi nghĩ rằng ngay cả những nước phát triển như Pháp và Đức cũng ít khả năng bắt đầu điều chỉnh toàn bộ nền kinh tế của mình theo các tiêu chuẩn quân sự. Họ có thể cải thiện một chút năng lực công nghiệp quốc phòng, gia tăng chút xíu việc sản xuất quân sự, nhưng họ sẽ không phát triển nền kinh tế quân sự với một nhịp độ hăm hở".
Trong bối cảnh ấy, theo Matviychuk, nước Nga có thể đợi chờ, có thể là khả năng Ukraine rút lui khỏi các vị trí hiện tại hoặc Kiev chủ động khởi xướng đàm phán hòa bình.