Quan hệ kinh tế giúp kiềm chế xung đột
Các chuyên gia quốc tế nhận định rằng, các cuộc giao tranh trên biên giới Trung-Ấn không tự nhiên diễn ra. Ấn Độ dường như đang chịu tổn thất khi bị kéo vào cuộc đối đầu lớn hơn giữa Bắc Kinh và Washington. Và nếu thương mại, đầu tư Trung - Ấn tiếp tục bị ảnh hưởng, mối quan hệ giữa 2 quốc gia hàng đầu châu Á có thể tiếp tục lao dốc nhiều thập kỷ tới.
Theo Bloomberg, chủ nghĩa dân tộc kinh tế đang trỗi dậy ở Ấn Độ, và Trung Quốc sẽ gặp nhiều trở ngại nhất.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc và Ấn Độ cần hóa giải quan hệ kinh tế trước khi mối quan hệ giữa hai bên trở nên tồi tệ hơn nữa. (Ảnh minh họa)
Các chuyên gia cho rằng, bởi vì các mối quan hệ thương mại có thể là yếu tố lớn giúp kiềm chế xung đột. Khi cân nhắc thiệt hại kinh tế khổng lồ nếu để nổ ra chiến tranh với một đối tác thương mại, các nước sẽ cố gắng không để cuộc giao tranh trở thành trận chiến lớn.
Mặc dù, tổng kim ngạch xuất khẩu ra thế giới của Ấn Độ từ 2010 đến 2019 tăng gần 50%, song kim ngạch xuất khẩu của nước này với Trung Quốc giảm 14%, phản ánh chiều hướng thâm hụt thương mại.
Năm 2019, Mỹ vượt qua Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Điều này cũng tương tự như khi Mỹ vượt qua Nhật Bản trở thành đối tác lớn nhất của Trung Quốc năm 2004.
Tháng 4/2019, New Delhi thắt chặt luật đầu tư nước ngoài. Theo đó, Ấn Độ quyết định “bất kỳ quốc gia nào có đường biên giới chung với Ấn Độ” có thể đầu tư, chỉ khi được chính quyền nước này chấp thuận. Đây được xem là động thái nhằm vào Bắc Kinh.
Theo Economic Times, Ấn Độ muốn hạn chế các khoản đầu tư từ Trung Quốc.
Tháng 11/2019, Ấn Độ quyết định rời Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Trung Quốc vốn ủng hộ hiệp định này, bởi vì nó giúp Bắc Kinh liên kết đến các nền kinh tế lớn ở châu Á.
Các nhà kinh tế học Đại học Sorbonne (Pháp) chỉ ra rằng, dù mở cửa thương mại không ngăn chặn chiến tranh ngay lập tức, song khi các nước ít phụ thuộc kinh tế vào nhau hơn, nguy cơ xung đột sẽ lên cao hơn. Đó dường như cũng là những gì đang xảy ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Một ví dụ khác là Triều Tiên và Hàn Quốc. Thương mại giữa hai người hàng xóm trên bán đảo Triều Tiên gần như bằng 0, và vùng phi quân sự giữa 2 bên luôn có nguy cơ trở thành điểm nóng quân sự.
Một ví dụ khác từ chính mối quan hệ phức tạp nhất giữa Ấn Độ và Pakistan. Vào thời điểm cuối những năm 1940, Ấn Độ chiếm gần 25% ngành xuất khẩu của Pakistan, trong khi đó Pakistan mua khoảng 50% số hàng hóa từ Ấn Độ.
Mối quan hệ thương mại này không được duy trì qua những năm 1950, cho đến khi chiến tranh năm 1965, hai bên đóng cửa hoàn toàn thương mại trong gần một thập kỷ. Mối quan hệ 2 nước sau đó không thể phục hồi lại như trước.
Năm 2018, chỉ có khoảng 1,8% hàng xuất khẩu của Pakistan là sang Ấn Độ. Trong khi đó, các nước Nigeria, Bỉ và Mexico là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ, mặc dù Pakistan có đường biên giới dài 3.300 km với nước này.
Giải pháp nào cho quan hệ kinh tế Trung - Ấn?
Theo Bloomberg, Trung Quốc và Ấn Độ không có lý do trở thành đối thủ. Mỗi bên có phạm vi ảnh hưởng khu vực riêng biệt, và đứng bên ngoài các chiến lược lớn. Việc Ấn Độ ngày càng bị lôi kéo vào quỹ đạo của Washington trong thời gian gần đây được cho là vì lo lắng của nước này về sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Bắc Kinh ở Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar đang khiến Ấn Độ cảm thấy bị "bao vây", giống như sự mở rộng của NATO vào Đông Âu trong những năm 1990 làm tăng khả năng đối đầu của Nga.
Trung Quốc và Ấn Độ không có lý do trở thành đối thủ. (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng lớn của Trung Quốc không phải lúc nào cũng được đón chào, bởi vì nó khiến các quốc gia nhỏ hơn phải gánh chịu nợ và đôi khi là ô nhiễm. Ấn Độ sẽ là một điểm đến tốt hơn cho Trung Quốc.
Trung Quốc cũng nên nhận ra hưởng lợi từ sự phát triển của Ấn Độ. Bắc Kinh có thể mở cửa thị trường nội địa của mình cho các mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ, như công nghệ thông tin, làm cho quá trình chấp nhận sử dụng dược phẩm Ấn Độ dễ dàng hơn, giúp hạ giá thuốc của Trung Quốc.
Trong khi đó, Ấn Độ sẽ làm tốt nếu áp dụng các quy tắc đầu tư nước ngoài mới một cách hiệu quả. Mặc dù cảnh giác về sự tham gia của các công ty nhà nước Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng trong nước là chính đáng, nhưng các khoản đầu tư mà các công ty Trung Quốc như Alibaba và Tencent đã thực hiện ở Ấn Độ đã giúp cho ngành thương mại điện tử đang phát triển.
Tóm lại, trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang bùng nổ do sự thù địch của quân đội, “những cái đầu lạnh” đang thắng thế. Để giải quyết xung đột hiện tại, Ấn Độ và Trung Quốc phải tăng cường hơn nữa các liên kết kinh tế và xã hội, nếu không cuộc chiến tiếp theo sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.