Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xung đột hay không, khủng hoảng Ukraine vẫn tái định hình kinh tế toàn cầu

(VTC News) -

Chuyên gia kinh tế cho rằng, Mỹ khó áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga mà không làm tê liệt phần lớn nền kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu.

Hiện căng thẳng giữa Nga - Ukraine đang leo thang, khiến thế giới lo ngại về khả năng nổ ra một cuộc xung đột toàn diện, dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, một số nhà phân tích thị trường hàng đầu cho rằng, dù viễn cảnh này có trở thành sự thật hay không, cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn sẽ định hình lại nền kinh tế toàn cầu và thế giới sẽ phải trả giá đắt để duy trì nền hòa bình.

Chiến lược gia toàn cầu Michael Every của Rabobank cho biết, cuộc khủng hoảng đã thúc đẩy giá dầu, khí đốt, cũng như các kim loại đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực như sản xuất ô tô, điện tử, vật liệu xây dựng,... Ngoài những tác động ngắn hạn về nguồn cung cấp hàng hóa và giá cả, ông cũng cảnh báo rằng sẽ có các ảnh hưởng dài hạn đối với thị trường thế giới.

Căng thẳng giữa Nga - Ukraine đang leo thang, khiến thế giới lo ngại về khả năng nổ ra một cuộc xung đột toàn diện. (Ảnh: AP)

Dầu khí

Nhiều ý kiến cho rằng xung đột Nga - Ukraine sẽ làm tăng giá dầu và khí đốt, đặc biệt là ở châu Âu do Nga là một trong những nhà cung cấp nhiên liệu chính của khu vực. Khoảng 30% lượng dầu mỏ và 35% lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu đến từ Nga - nguồn cung quan trọng này sẽ bị cắt trong trường hợp xảy ra xung đột.

Theo dự báo của các nhà phân tích năng lượng thuộc Rabobank, viễn cảnh này có thể đẩy giá dầu tăng từ khoảng 90 USD/thùng lên 125 USD/thùng, kéo theo giá khí đốt tăng.

Helima Croft, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu của RBC cũng cho rằng, giá nhiên liệu sẽ tăng bất chấp các nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế của chính phủ Mỹ.

"Mặc dù có thêm nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng (chủ yếu từ Qatar) để giúp giảm thiểu tác động của sự gián đoạn nguồn cung từ Nga đối với người tiêu dùng châu Âu, nhưng không phải tất cả những nơi bị ảnh hưởng đều có thể tiếp cận được nguồn nhiên liệu thay thế", bà Croft phân tích.

Tuy nhiên, Rabobank cảnh báo rằng hậu quả có thể nghiêm trọng hơn nếu các nước phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với Nga để tránh xung đột quân sự.

"Giả sử tất cả các quốc gia ngừng mua năng lượng của Nga, giá dầu có thể tăng lên 175 USD, khí đốt của châu Âu sẽ lên tới 250 USD", báo cáo của Rabobank viết.

Khoảng 30% lượng dầu mỏ và 35% lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu đến từ Nga. (Ảnh: AP)

Thực phẩm và phân bón

Xung đột quân sự và các lệnh trừng phạt từ phương Tây cũng sẽ ảnh hưởng tới các mặt hàng quan trọng khác do Nga là nước trồng lúa mì lớn nhất thế giới, Ukraine cũng nằm trong 5 nước hàng đầu về lĩnh vực này. Không chỉ vậy, việc này còn ảnh hưởng đến sản lượng lúa mạch, ngô, hướng dương và hạt cải.

Một số quốc gia có khả năng đối phó với việc thiếu nguồn lương thực nhập khẩu, ví dụ như Australia, lại có nguy cơ phải đối mặt với vấn đề thiếu phân bón.

Rabobank ước tính khoảng 23% amoniac, 17% kali, 14% urê và 10% phốt phát - những nguyên liệu chính để sản xuất phân bón đến từ Nga. Vì vậy, việc ngừng nhập khẩu sản phẩm của Nga sẽ khiến giá phân bón ở nhiều nước tăng cao.

Kim loại và nguyên vật liệu để sản xuất mặt hàng thiết yếu

Thị phần xuất khẩu niken toàn cầu của Nga là khoảng 49%. Nước này cũng cung cấp 42% palladium, 26% nhôm, 13% bạch kim, 7% thép và  4% đồng cho thế giới.

Rabobank cảnh báo việc bài trừ các mặt hàng từ Nga tương đương với loại bỏ gần một nửa nguồn niken toàn cầu dùng trong sản xuất dụng cụ bếp, điện thoại di động, thiết bị y tế, phương tiện giao thông, công trình kiến trúc và nguồn điện; 1/4 nguồn nhôm dùng trong chế tạo phương tiện giao thông, xây dựng, máy móc và bao bì. Bên cạnh đó, palladium là nguyên liệu quan trọng để tạo ra các thiết bị điện tử.

Nếu viễn cảnh này xảy ra, một “nền hòa bình thù địch” được duy trì bởi các lệnh trừng phạt kéo dài có thể tạo ra mối đe dọa lớn hơn đối với nguồn cung và chi phí của những mặt hàng này. 

Thị trường tài chính

Rabobank dự đoán, xung đột hoặc các biện pháp trừng phạt nặng nề có thể dẫn đến giá trái phiếu tăng và lãi suất thấp hơn. Việc này có thể giúp ngăn chặn tình trạng bán tháo gần đây trên thị trường.

Tuy nhiên, tình hình thị trường tài chính sẽ trở nên phức tạp do lạm phát tăng vọt vì thiếu hàng hóa.

Về tiền tệ, đồng rúp của Nga có nguy cơ hạ giá trong trường hợp khủng hoảng bị đẩy lên xung đột quân sự. Song song với đó, đồng euro cũng sẽ không còn được ưa chuộng.

Mỹ khó áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga mà không làm tê liệt phần lớn nền kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu. (Ảnh: AP)

Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga lùi bước?

Ngay cả khi viễn cảnh lạc quan nhất xảy ra - Nga nhượng bộ và không có cuộc xung đột quân sự nào - ông Every cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn sẽ để lại những hậu quả lâu dài cho kinh tế toàn cầu.

Theo đó, mâu thuẫn Ukraine có thể thúc đẩy một số xu hướng toàn cầu - vốn đã được châm ngòi bởi đại dịch COVID-19 và chính sách thương mại ngày càng dữ dội của Trung Quốc: Các lĩnh vực thương mại sẽ ngày càng gắn chặt với quốc phòng, xuất khẩu công nghệ bị kiểm soát chặt chẽ, nhu cầu tiếp cận/kiểm soát các nguyên liệu thô ngày càng tăng, xu hướng chuyển đổi sang năng lượng hạt nhân tăng,...

Chiến lược gia toàn cầu của Rabobank kết luận rằng, Mỹ khó mà áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga mà không làm tê liệt phần lớn nền kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu.

Trần Trang

Tin mới