"Tôi được biết số binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng trong vụ đụng độ ở thung lũng Galwan hôm 15/6 thấp hơn rất nhiều con số 20 người chết phía quân đội Ấn Độ. Không có binh sĩ Trung Quốc nào bị Ấn Độ bắt, song PLA bắt được nhiều lính Ấn Độ vào hôm đó", Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng trên Twitter ngày 17/9.
Binh sĩ Ấn Độ (quân phục xanh đậm) và Trung Quốc (quân phục nâu vàng) diễn tập cứu hộ cứu nạn ở vùng Chushui-Moldo, Ladakh, tháng 2/2016. (Ảnh: PTI)
Hồ Tích Tiến còn đăng ảnh chụp màn hình một bài báo của Ấn Độ, dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh nói Ấn Độ gây thương vong nặng nề cho lực lượng Trung Quốc trong vụ ẩu đả chết người hôm 15/6 ở Galwan. Bức ảnh được Hồ Tích Tiến đăng có kèm dấu "Tin giả" phía trên.
Truyền thông Ấn Độ dẫn lời Bộ trưởng Singh phát biểu trước quốc hội Ấn Độ hôm 15/9 rằng binh sĩ nước này đã "phát thông điệp mạnh mẽ bằng việc gây thương vong nặng nề cho quân đội Trung Quốc". Ông khẳng định binh sĩ nước này hy sinh để "phá vỡ kế hoạch của Trung Quốc" tại khu vực biên giới tranh chấp.
Căng thẳng biên giới Ấn - Trung leo thang từ đầu tháng 5 và đạt đỉnh điểm với vụ ẩu đả chết người hôm 15/6, được đánh giá là lần đụng độ tồi tệ nhất giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và đông dân nhất thế giới.
Lục quân Ấn Độ sau đó xác nhận 20 quân nhân thiệt mạng trong sự cố, trong đó có một đại tá. Phía Trung Quốc nói có thương vong, song không công bố con số cụ thể.
Vị trí xảy ra đụng độ giữa lực lượng Ấn - Trung những tháng qua. (Đồ họa: Telegraph)
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 11/9 đồng ý rút bớt lực lượng ở biên giới sau cuộc hội đàm tại Mátxcơva, Nga. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định cả Ấn Độ và Trung Quốc đều chưa tỏ ra muốn lùi bước trong tranh chấp biên giới.
Quân đội Ấn Độ đang triển khai chiến dịch hậu cần lớn nhất trong nhiều tháng qua, đưa lượng lớn lương thực, đạn dược, trang thiết bị, nhiên liệu, vật tư phục vụ hoạt động trong mùa đông tới vùng Ladakh, khu vực do Ấn Độ quản lý và giáp với khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc. Số hàng hóa được vận chuyển tới nơi tập kết bằng vận tải cơ, xe tải và thậm chí bằng la thồ.
Ấn Độ thường triển khai khoảng 20.000-30.000 lính tại đông Ladakh, song quân số thời gian qua đã tăng gấp đôi, theo một quan chức quốc phòng nước này. Binh sĩ Ấn Độ sẽ tiếp tục được triển khai dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), biên giới chưa phân định chạy qua khu vực hiểm trở, trong suốt mùa đông nhằm đáp trả việc Trung Quốc tăng thêm quân.