Khi mặt trời lặn trên dãy Himalaya chiều 15/6, Đại tá Santosh Babu, chỉ huy tiểu đoàn 16 Bihar thuộc lục quân Ấn Độ, dẫn đầu 50 binh sĩ không vũ trang dưới quyền bắt đầu chuyến tuần tra qua thung lũng Galwan, địa điểm chiến lược quan trọng ở Ladakh, khu vực tranh chấp với Trung Quốc.
Mục tiêu của chuyến tuần tra là xác định xem lính Trung Quốc có rút khỏi khu vực này theo thỏa thuận trước đó giữa các lãnh đạo quốc phòng hai nước hay không. Tuy nhiên, đội tuần tra của đại tá Babu rất ngạc nhiên khi phát hiện những chiếc lều dã chiến cùng 100 lính Trung Quốc tại địa điểm có tên Mốc tuần tra số 14 (PP-14).
Ảnh vệ tinh khu vực thung lũng sông Galwan, ngày 16/6. (Ảnh: Planet Labs)
Ảnh vệ tinh do Planet Labs chụp hôm 16/6 tại khu vực xảy ra đụng độ ở Galwan cho thấy hai cụm lều bạt cùng nhiều xe tải xếp dọc một con đường đèo trên địa hình núi cao. Khi nghiên cứu ảnh vệ tinh này, các chuyên gia quân sự không thể xác định được chúng thuộc về quân đội Ấn Độ hay Trung Quốc.
Tuy nhiên, Ấn Độ trước đó cáo buộc Trung Quốc tăng cường binh sĩ và dựng lều bạt gần khu vực tranh chấp.
Dù bị áp đảo về quân số, lính Ấn Độ vẫn quyết xông tới để yêu cầu quân Trung Quốc rút đi, đồng thời phá dỡ lều bạt của họ. "Khi binh sĩ Ấn Độ tháo dỡ lều, lính Trung Quốc phản ứng dữ dội", một nguồn tin Ấn Độ cho biết. Một cuộc ẩu đả nổ ra, suýt đưa 2 quốc gia đông dân nhất thế giới đến bờ vực chiến tranh.
"Họ đánh đập lính chúng tôi bằng gậy sắt quấn dây thép gai hoặc gậy tre gắn đinh. Lính chúng tôi chỉ chống trả bằng tay không", một quan chức cấp cao của quân đội Ấn Độ nói với BBC. Binh sĩ hai bên không sử dụng súng trong cuộc đụng độ, bởi một thỏa thuận giữa hai nước quy định cấm nổ súng trong khu vực tranh chấp.
Trận ẩu đả diễn ra trên vách núi hẹp, trong đêm tối, ở độ cao hơn 4.000 mét so với mực nước biển. Một số binh sĩ Ấn Độ bị xô ngã xuống vực sâu bên dưới.
Một quan chức cấp cao chính phủ Ấn Độ cho hay lính Trung Quốc với lợi thế về quân số và vũ khí tự chế đã truy sát binh sĩ Ấn Độ. "Ngay cả khi những người lính không vũ trang chạy xuống sườn núi, họ vẫn đuổi giết", một sĩ quan Ấn Độ nói với trang News18. "Trong số những người thiệt mạng có những binh sĩ phải nhảy xuống dòng sông Galwan lạnh giá khi họ tìm cách trốn thoát".
20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng trong vụ đụng độ. Bác sĩ khám nghiệm pháp y cho biết đại tá Babu chết vì đuối nước khi nhảy xuống sông Galwan giữa thời tiết âm độ. Nhiều binh sĩ Ấn Độ hứng chịu thương tích do bị đá ném trúng hoặc bị đánh vào ngực. "Một số bị bầm dập nghiêm trọng, cho thấy cuộc đụng độ lúc đó rất dữ dội", một bác sĩ nói.
Vụ ẩu đả không ngừng lại ở đó, khi cả hai bên đều gọi tiếp viện. Phía Trung Quốc huy động thêm khoảng 400 lính, hoàn toàn áp đảo so với lực lượng chưa đến 200 người phía Ấn Độ. Hai bên tiếp tục đánh nhau bằng vũ khí thô sơ tự chế trong khoảng 6 giờ, trước khi tình hình yên tĩnh trở lại.
Nguồn tin thuộc Lục quân Ấn Độ cho biết số binh sĩ thiệt mạng có thể tăng lên khi 110 lính bị thương nặng và nhiều người vẫn mất tích. Tờ India Today đưa tin "chắc chắn" sẽ có thêm nhiều thi thể được vớt khỏi sông hoặc tìm thấy ở các điểm cao gần khu vực xảy ra đụng độ.
Quân đội Ấn Độ cho biết, có 34 đến 43 lính Trung Quốc đã thương vong trong cuộc đụng độ, dựa trên tín hiệu liên lạc mà họ chặn thu được. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa công bố con số thương vong của quân đội nước này trong sự cố.
Vị trí binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ẩu đả chết người tối 15/6. (Đồ họa: Telegraph)
Triệu Lập Kiên, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cáo buộc lính Ấn Độ vượt qua biên giới và tấn công binh sĩ Trung Quốc. "Lính Ấn Độ đã vi phạm nghiêm trọng sự đồng thuận giữa hai nước và hai lần vượt đường ranh giới để thực hiện các hành động phi pháp và khiêu khích, tấn công lính Trung Quốc", ông Triệu nói thêm rằng, nó dẫn tới "đụng độ nghiêm trọng giữa hai bên", nhưng không nêu thông tin về thương vong.
Đây là lần đụng độ chết người đầu tiên tại khu vực biên giới dài 3.488 km giữa hai nước, sau vụ Trung Quốc phục kích và bắn chết 4 binh sĩ Ấn Độ tại Tulung La, Arunachal Pradesh năm 1975.
Trước đó, lính Trung Quốc vượt Đường kiểm soát Thực tế (LAC) ngày 5-6/5 và đóng quân tại bốn vị trí có tổng diện tích hơn 60 km2 gồm hồ Pangong Tso, sông Galwan, Suối nước nóng (Kyam) và Demchok, khiến đụng độ nổ ra với biên phòng Ấn Độ trong hơn một tháng.
Trung Quốc và Ấn Độ hôm 17/6 cố gắng giảm căng thẳng ở khu vực biên giới. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar điện đàm, nhất trí "hạ nhiệt tình hình" và "không làm leo thang vấn đề", bất chấp hai nước còn tranh cãi xung quanh vụ ẩu đả.
Trước đó, Thủ tướng Narendra Modi bác khả năng trả đũa cho cái chết của các binh sĩ Ấn Độ. "Ấn Độ muốn hòa bình nhưng có thể đáp trả thích đáng nếu bị khiêu khích", Modi nói trên sóng truyền hình.
Trung Quốc tiếp tục điều thêm binh sĩ, tăng thiết giáp và tiêm kích từ các căn cứ tại Tây Tạng tới gần LAC cả trước lẫn sau vụ ẩu đả hôm 15/6. Ấn Độ cũng tăng cường lực lượng ở biên giới, binh sĩ nước này được lệnh sẵn sàng cho mọi tình huống.
Tuy nhiên, lục quân Ấn Độ cho biết lực lượng của hai phía ở thung lũng Galwan không tiếp tục đụng độ và hai bên sẽ cố gắng giải quyết cuộc xung đột thông qua đàm phán.