Theo thông tin từ Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Nagorno-Karabakh hôm 5/11, thành phố Stepaakert mà Azerbaijan gọi là Khankendi, thủ phủ vùng Nagorno-Karabakh đã bị pháo kích dữ dội.
Trước đó một ngày, Sputnik đưa tin, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố nước này sẵn sàng ngừng chiến tại vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh song với điều kiện Armenia phải rút quân khỏi khu vực tranh chấp.
Giao tranh Armenia-Azerbaijan vẫn diễn ra dữ dội tại khu vực Nagorno-Karabakh. (Ảnh: AP)
Ông Ilham Aliyev yêu cầu Armenia rút khỏi toàn bộ các khu vực đang chiếm giữ tại Azerbaijan, tuân thủ theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Quốc phòng Armenia thông báo lực lượng Armenia đang bao vây và tiêu diệt một đơn vị của Azerbaijan gần thị trấn Shusha ở Nagorno-Karabakh.
Tình hình ở Nagorno-Karabakh leo thang từ ngày 27/9. Armenia và Azerbaijan liên tục cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Các trận chiến giữa hai bên đang diễn ra trên lãnh thổ tranh chấp.
Các chuyên gia và nhà ngoại giao cho rằng cuộc xung đột có nguy cơ tạo ra một thảm họa nhân đạo, đặc biệt xung đột này kéo theo sự can dự ngày càng sâu của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tình hình phức tạp hơn khi Baku được sự hỗ trợ tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ (một thành viên NATO). Về phần Armenia, quốc gia này là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước về an ninh tập thể (CSTO).
Mới đây, Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam thông tin khẳng định đang thực hiện đúng những gì phải làm để giữ lại vùng đất tranh chấp là lãnh thổ theo tuyên bố của mình.
“Các lực lượng vũ trang của Cộng hòa Azerbaijan hành động trên lãnh thổ có chủ quyền của Azerbaijan trong giới hạn tự vệ để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan và đảm bảo an toàn và an ninh cho công dân của mình.
Hoạt động phản công của Lực lượng vũ trang Azerbaijan tiếp tục được tiến hành trong giới hạn của luật nhân đạo quốc tế và tất cả các nghĩa vụ theo luật nhân đạo quốc tế đều được tuân thủ nghiêm ngặt với sự hợp tác chặt chẽ của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế;
Lực lượng vũ trang của Cộng hòa Azerbaijan không chiến đấu chống lại dân thường, bao gồm cả công dân Azerbaijan gốc Armenia, và không nhắm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng;
Các lực lượng vũ trang của Cộng hòa Azerbaijan không sở hữu và do đó không sử dụng bất kỳ vũ khí hoặc đạn dược bị cấm nào”.