Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xúc động những dòng nhật ký viết vội của chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch

(VTC News) -

"Tuy khoảng cách mà chẳng hề xa cách, gần gũi, ấm áp tình người. Họ đùm bọc nhau, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau mà chẳng đòi hỏi lấy một câu chào hỏi, một lời cảm ơn".

Đêm 6/2, tranh thủ những phút nghỉ ngơi hiếm hoi khi đang làm nhiệm vụ nơi tâm dịch (TX Ayun Pa), anh Đỗ Như Vũ - Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông Công an TX Ayun Pa viết những dòng nhật ký gửi tới quê nhà cũng như những người đồng đội của mình đang căng mình chống dịch.

Ở nhật ký này, chúng ta sẽ thấy được sức mạnh của dân tộc, của sự đùm bọc, yêu thương lẫn nhau vượt qua khó khăn.

Đất nước tôi, chưa bao giờ có những ngày chia ly đến thế.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 4 thập kỷ, lớp trẻ chúng tôi chưa bao giờ hình dung được sự khốc liệt, mất mát, chia ly... của đạn bom. Có chăng qua sách vở, phần nào chúng tôi mới biết được quá khứ đau thương mà hùng tráng của dân tộc, càng biết ơn sự hy sinh của bao lớp cha ông mình.

Đất nước tôi truyền thống ngàn năm văn hiến, dân tộc tôi anh hùng, bất khuất, chưa bao giờ cúi đầu trước bất kỳ kẻ thù nào. Nhân dân tôi hiền lành, chất phác, luôn đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, sẻ chia nhau trước sự khắc nghiệt của thiên tai luôn rình rập, tàn phá mảnh đất nhỏ bé hình chữ S này.

 Những người lính nơi tuyến đầu chống dịch đang làm nhiệm vụ chốt chặn tranh thủ chợp mắt để thay ca cho đồng đội. (Ảnh: Như Vũ)

Hoà bình lập lại cũng hơn 40 năm, những tưởng bình yên và sẽ mãi mãi là bình yên như thế. Tai hoạ bỗng từ đâu ập tới, dịch bệnh quái ác chưa qua đi, lũ lụt lại tràn về. Đất nước tôi, lại trải qua những ngày đau thương đến thế.

Quê hương tôi bình dị, nằm nép mình bên dòng sông Ayun hiền hoà. Miền đất đầy nắng, đầy gió nhưng cũng thấm đượm ân tình. Cao nguyên tuy xa xôi, nhưng gần gũi với luỹ tre, bờ đê, với ruộng đồng xanh mát như bao làng quê Việt Nam trong thi văn mà bất cứ người con đi xa quê nào cũng nhớ về.

Dân quê tôi chân lấm tay bùn, quanh năm đầu tắt mặt tối với nương rẫy, với ruộng vườn. Chúng tôi chẳng mơ ước gì xa xôi, ngoài cuộc sống bình yên, đủ cơm ăn, đủ áo ấm, trẻ em được cắp sách đến trường. Ánh sáng phố thị là thứ gì đó rất xa xỉ mà chỉ lên tivi người ta mới được thấy. Nhưng chúng tôi, trong khó khăn, vất vả vẫn nhường cơm sẻ áo cho đồng bào miền trung bão lụt, vẫn ủng hộ các tỉnh, thành bị dịch bệnh triền miên. 

COVID-19 là thứ gì đó rất xa xăm, mơ hồ với những người quanh năm chỉ biết lúa ngô, khoai sắn, chỉ đánh vần thôi cũng đủ thấy khó rồi. Chúng tôi chỉ sợ cái đói, cái nghèo giày vò, lo cái ăn cái mặc cũng đủ nhọc nhằn.

Vậy mà, mùa xuân năm ấy, những tưởng được hân hoan hoà cùng đất nước đang chuyển mình đổi mới, đón mùa xuân đánh dấu cột mốc phát triển của cả dân tộc, sự thay da đổi thịt từng ngày từng giờ trên cao nguyên bazan, một cái Tết ấm no trọn vẹn lại về trên miền quê xa xôi, nghèo khó như vốn dĩ xưa giờ vẫn thế. Thì ngược lại, chúng tôi lại phải đang gồng mình chống chọi với sự hoành hành quái ác của căn bệnh lạ mang tên COVID.

Biết bao gia đình phải ly tan, biết bao người con xa quê mong ngóng ngày trở về đoàn tụ với gia đình mà đành ngậm ngùi ở lại nơi phố phường xa lạ, biết bao người vì cuộc sống tha hương cầu thực mà bị mắc kẹt lại bởi bệnh dịch chẳng thể trở về. Trẻ em chẳng thể đi học, nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa. Cuộc sống, sinh hoạt đều bị đảo lộn tất cả. Ai ai cũng sợ phải ra đường, nhà nhà đóng cửa im ỉm, người người trùm mặt kín mít, đi đâu cũng vội vã, lấm lét như kẻ ăn trộm, một nỗi lo sợ ám ảnh dai dẳng bao trùm lên khắp vùng quê nghèo khó. Cũng bởi căn bệnh quái ác và xa lạ - COVID-19.

 Những người lính làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch giữa tiết trời lạnh cuối năm. (Ảnh: Như Vũ)

Và Đất nước tôi, lại đang sống những ngày thương yêu nhau như chưa bao giờ yêu thương nhau đến thế. Bệnh dịch lan tràn, nhà nhà chia cắt. Đâu đâu cũng bắt gặp những chốt trạm phong toả, kiểm soát người ra vào. Thôn xóm cách ly thôn xóm, xã cách ly xã, huyện cách ly huyện, mọi công việc giao dịch bị trì trệ, ách tắc. Những lúc ấy, nhận thấy con người ta lại vội vã hơn, trầm lắng hơn, gặp nhau chẳng còn cười nói vui vẻ, tay bắt mặt mừng.

nhật ký viết vội của chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch: Đất nước tôi đang sống tháng 

Trong gian khổ, hy sinh... mới thấy, người ta thương yêu nhau nhiều hơn, tuy khoảng cách mà chẳng hề xa cách, vẫn gần gũi, ấm áp tình người. Họ đùm bọc nhau, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau mà chẳng đòi hỏi lấy một câu chào hỏi, một lời cảm ơn.

Trong gian khó, hiểm nguy, nhưng chẳng một ai bị bỏ lại phía sau cuộc chiến. Tất cả toàn dân lại ra trận như những năm tháng hào hùng ngày chống mỹ. Đâu đâu người ta cũng bắt gặp những phong trào nhường cơm sẻ áo, những quỹ nghĩa tình thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng, thiệt hại do bệnh dịch.

Và trên hết, chẳng ai bảo ai, họ ra sức cùng các ngành y tế, các lực lượng vũ trang, chính quyền nhân dân các cấp cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Sôi nổi như những ngày tổng động viên toàn dân đánh giặc, trên chiến trận không khói súng tiếng bom, họ là đồng đội của nhau mang trên mình nhiều sắc phục, gọi nhau là đồng chí, là anh em nhưng cho đến hết mùa chiến dịch cũng chưa được rõ mặt nhau một lần.

Rồi cuộc chiến nào cũng sẽ qua đi, kẻ thù nào rồi cũng chịu khuất phục trước ý chí đoàn kết, bền bỉ, quyết tâm của cả dân tộc.

Nhưng những năm tháng tuổi trẻ của cuộc đời, tôi sẽ chẳng bao giờ quên được những ngày tháng ấy".

HIỀN MAI

Tin mới