Trả lời câu hỏi của phóng viên bên thềm Diễn đàn Kinh tế phương Đông, Dmitry Shugayev, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga (FSMTC) cho biết, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Bangladesh và Malaysia là những đối tác chính của Nga về hợp tác quân sự-kỹ thuật trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Cũng theo ông Shugayev, các nước này chiếm khoảng 50% các hợp đồng xuất khẩu vũ khí đang được triển khai của Nga hiện tại, đồng thời khẳng định Nga đặc biệt quan tâm đến hợp tác công nghệ quân sự với các nước châu Á – Thái Bình Dương.
Như chia sẻ của người đứng đầu FSMTC, phía Nga không chỉ quan tâm đến việc xuất khẩu vũ khí mà còn sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác các đối tác của họ phát triển ngành công nghiệp quốc phòng và thiết lập các cơ sở sản xuất vũ khí theo giấy phép của Nga.
Xuất khẩu vũ khí của Nga có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây, buộc Moskva phải có hướng đi mới. (Ảnh: Moscow Times)
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), doanh thu bán vũ khí và dịch vụ quốc phòng của 25 công ty lớn nhất trong ngành vào năm 2019 đạt khoảng 361 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2018 (chưa có số liệu 2020). Các công ty này không chỉ giới hạn hoạt động của họ ở một hoặc một nhóm quốc gia mà còn mở rộng chúng ra nhiều khu vực khác nhau.
Theo báo cáo của SIPRI, doanh thu của hai công ty quốc phòng Nga nằm trong top 25 là Almaz-Antey và United Shipbuilding đều có dấu hiệu đi xuống trong hai năm liên tiếp (2018-2019), giá trị ước tính khoảng 634 triệu USD. Một công ty khác của Nga là United Aircraft có mức doanh thu sụt giảm mạnh trong năm 2018 và không còn nằm trong top 25.
Năm 2019, 5 công ty vũ khí hàng đầu thế giới đều có trụ sở tại Mỹ, gồm: Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman, Raytheon và General Dynamics. Doanh thu hàng năm của các công ty này lên đến 166 tỷ USD.
Trong top 25 công ty vũ khí lớn nhất thế giới năm 2019 thì có 12 công ty của Mỹ, chiếm khoảng 61% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu.
Lần đầu tiên, một công ty Trung Đông xuất hiện trong bảng xếp hạng 25 hàng đầu. EDGE, có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), được thành lập vào năm 2019 từ sự hợp nhất của hơn 25 công ty nhỏ hơn. Nó đứng ở vị trí thứ 22 và chiếm 1,3% tổng doanh số bán vũ khí của top 25.
Pieter Wezeman, Nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Đông cho biết, EDGE là một minh họa tốt cho thấy sự kết hợp giữa nhu cầu quốc gia cao đối với các sản phẩm và dịch vụ quân sự với mong muốn ít phụ thuộc hơn vào các nhà cung cấp nước ngoài. Xu hướng này đang dần trở nên phổ biến ở Trung Đông.
Sự đi xuống của các công ty Nga lại giúp các công ty quốc phòng Trung Quốc đi lên, Corporation of China AVIC (top 6), China Electronics Technology Group Corporation CETC (top 8), China North Industries Group Corporation NORINCO (top 9) và Tập đoàn Công nghiệp Nam Trung Quốc CSGC (top 24). Tổng doanh thu của 4 công ty Trung Quốc trong top 25 tăng 4,8% từ năm 2018 đến năm 2019.
Phản ánh về sự tăng trưởng doanh thu từ bán vũ khí của các công ty Trung Quốc, Nhà nghiên cứu cấp cao Nan Tian của SIPRI cho rằng những công ty này đang được hưởng lợi từ chính chương trình hiện đại hóa quân đội của Bắc Kinh.