Theo đó, ngày 19/4, nguồn tin tại Bộ Công Thương cho biết đơn vị này đã nhận được văn bản của Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng về công tác quản lý tài chính đối với mặt hàng gạo. Phương án điều hành xuất khẩu gạo trình Thủ tướng đã được Bộ Công Thương hai lần xin ý kiến các bộ, ngành.
“Ý kiến tham gia của các bộ, ngành đã được Bộ Công Thương tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ trong báo cáo gửi Thủ tướng ngày 6/4/2020”, nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết.
Chính sách điều hành xuất khẩu mặt hàng gạo thời gian qua khá bị động. Giới chuyên gia đặt câu hỏi việc áp đặt quota xuất khẩu có phải là giải pháp hiệu quả nhất không?
Các ý kiến mới đưa ra sau khi Thủ tướng đã kết luận và có ý kiến chỉ đạo về vấn đề xuất khẩu gạo sẽ được Bộ Công Thương tổng hợp, phân tích và báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/4/2020.
“Tất cả các báo cáo của Bộ Công Thương về vấn đề xuất khẩu gạo trình Thủ tướng và các hướng dẫn sau đó của Bộ Công Thương đều được công bố kịp thời, công khai, minh bạch để báo chí, các cơ quan, tổ chức liên quan biết, thực hiện và đưa tin”, đại diện Bộ Công Thương khẳng định.
Liên quan đến hoạt động quản lý xuất khẩu gạo, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tối 17/4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã ký Văn bản số 4676/BTC-TCHQ báo tình hình công tác quản lý tài chính đối với mặt hàng gạo.
Bộ Tài chính cho biết đã 2 lần tham gia ý kiến với Bộ Công Thương về phối hợp thực hiện xuất khẩu gạo theo Quyết định số 1106/QĐ-BCT. Cụ thể, tại công văn số 3905/BTC-QLG ngày 3/4, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm; tạm dừng xuất khẩu loại gạo tẻ thường đến hết 15.6 để đảm bảo mua đủ gạo dự trữ quốc gia.
Tiếp đó, ngày 10/4, bộ này cũng đã có công văn số 4355/BTC-QLG, trong đó nêu nhiều doanh nghiệp đã được phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu, nhưng có văn bản từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng, với số lượng 160.300 tấn.
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị chỉ cho phép xuất khẩu gạo đối với những doanh nghiệp đã trúng thầu với Cục Dự trữ nhà nước khu vực, và phải ký hợp đồng giao hàng xong, chỉ thực hiện xuất khẩu gạo sau ngày 15/6.
Bộ Tài chính cũng đánh giá phương án điều hành nêu trong dự thảo của Bộ Công Thương cho thấy doanh nghiệp rất bị động trong quyết định phương án kinh doanh, thậm chí phải đền bù hợp đồng do không còn số lượng được xuất.
Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án: thứ nhất, giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu giữa các doanh nghiệp, có sự giám sát của Bộ Công Thương. Thứ hai, giao Bộ Công Thương phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.
“Tuy nhiên, các ý kiến nêu trên không được Bộ Công Thương tiếp thu”, Bộ Tài chính khẳng định.
Video: Bộ Công Thương nêu kiến nghị về xuất khẩu gạo
Tuy nhiên 9h30 sáng 11/4, Tổng Cục Hải quan mới nhận được bản chụp do Bộ Công Thương gửi qua thư điện tử. Tới ngày 13/4, Tổng cục Hải quan mới nhận được bản chính thức.
“Căn cứ nguyên tắc quản lý hạn ngạch quy định tại Điều 2 Quyết định nêu trên, Tổng Cục Hải quan tiến hành thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để tự động theo dõi trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu và áp dụng từ 0h ngày 12/4”, Tổng Cục Hải quan chỉ rõ và nhấn mạnh không có sự can thiệp của công chức hải quan.
Tổng Cục Hải quan cho rằng trước mắt và lâu dài, nhu cầu xuất khẩu gạo của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn. Trong khi đó, tổng lượng được xuất khẩu trong tháng 4 theo quyết định của Bộ Công Thương chỉ có 400.000 tấn.
“Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp không thể đăng ký tờ khai xuất khẩu được, bị động trong việc quyết định phương án kinh doanh, gặp nhiều rủi ro khi xuất khẩu, không dám ký trước hợp đồng với đối tác khi chưa biết chắc có được đăng ký để xuất khẩu không”, Tổng cục Hải quan nêu quan điểm.
Chính sách thay đổi ‘chóng mặt’
Ngày 23/3, Thông báo 121 của Văn phòng Chính phủ cho hay Bộ Công Thương đề nghị dừng xuất khẩu gạo cho đến hết tháng 5/2020 để bảo đảm an ninh lương thực.
Thủ tướng đồng ý với đề xuất này và yêu cầu Bộ Công Thương ra thông tư hướng dẫn và Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan các lô hàng các loại gạo xuất khẩu từ 0h ngày 24/3. Tuy nhiên, các lô hàng gạo xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan trước thời điểm trên vẫn được giải quyết theo quy định.
Ngày 24/3, Tổng cục Hải quan ra công văn hỏa tốc yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện yêu cầu nói trên. Hỏa tốc không kém, chiều cùng ngày, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gửi công văn cho Thủ tướng đề nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo do có phản ánh từ các doanh nghiệp và để đánh giá lại sản lượng lương thực vụ đông xuân.
Ngày 25/3, Thủ tướng có ý kiến giao Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo. Ngay trong ngày, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra và cử Thứ trưởng Trần Quốc Khánh làm trưởng đoàn.
Gần nhất, ngày 17/4, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng, Phó Thủ tướng xem xét, cho phép tiếp tục xuất khẩu nếp theo nhu cầu và không tính vào lượng hạn ngạch được phép xuất khẩu trong tháng 4/2020 và trong thời gian tới nếu tiếp tục duy trì hạn ngạch.