Năm 2020, Việt Nam đạt kết quả xuất siêu đầy ấn tượng trên 19 tỷ USD. Tiếp nối kỳ tích này, năm 2021, ngành Công Thương đặt mục tiêu tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 4-5%, cán cân thương mại tiếp tục duy trì đà xuất siêu.
Vẫn phải vượt khó
Xuất khẩu của Việt Nam năm 2021 phụ thuộc vào triển vọng của kinh tế thế giới, vào việc khống chế dịch COVID-19 cùng hàng loạt giải pháp về thị trường xuất khẩu. Mấu chốt trong năm 2021 cũng như thời gian xa hơn là phải nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại để kịp thời khắc phục, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa mạnh mẽ, bền vững hơn.
Giá trị xuất khẩu của khối FDI đã giảm nhưng vẫn chiếm trên 64% tổng giá trị xuất khẩu cả nước.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2021, việc xuất khẩu hàng dệt may vẫn tiếp tục gặp khó khăn bởi sau đại dịch, thu nhập của người dân còn hạn chế. Với khả năng dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn trên thế giới, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 37-38 tỷ USD trong năm 2021.
“Nhìn ở tầm dài hơi, dệt may Việt Nam sẽ ở trong tâm thế vượt khó năm 2021, năm 2022, thậm chí năm 2023. Đến cuối quý III/2023, nếu COVID-19 được kiểm soát thì sẽ về trạng thái bình thường của năm 2019. Các FTA, nhất là EVFTA, RCEP, CPTPP đang có kết cấu thị trường tương đối tốt”, ông Giang tính toán.
Thời gian qua, mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản chưa cao. Nhiều mặt hàng đã được nước ngoài giảm thuế về 0%, tuy nhiên nông sản của Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu vào một số thị trường.
Tỷ trọng giá trị xuất khẩu của khối FDI tuy đã giảm nhưng vẫn chiếm trên 64% tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Do tình hình sản xuất, xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầ, nên mỗi khi có biến động đối với chuỗi cung ứng, Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh.
Ngoài ra, xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, xung đột thương mại và dịch COVID-19 đã làm thay đổi cấu trúc các chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nước, nhất là Mỹ và phương Tây tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo vệ mậu dịch…
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam, da giày là một trong những ngành tận dụng tốt nhất Hiệp định EVFTA. Xuất khẩu da, giày, túi xách sẽ tăng trưởng 15 - 20% trong năm 2021 nếu tình hình dịch được kiểm soát tốt.
“Từ đại dịch COVID-19 có thể thấy, sự đứt gãy chuỗi cung gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng tới sản xuất, buộc toàn ngành phải nhìn nhận lại chiến lược. Nếu phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên phụ liệu, khi xảy ra vấn đề chuỗi cung, doanh nghiệp sẽ rất bị động. Thời gian sắp tới là cơ hội rất tốt để toàn ngành và Chính phủ thiết lập lại chính sách mạnh hơn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam phải chớp lấy cơ hội này để phát triển sản xuất nguyên phụ liệu”, bà Xuân nhận định.
Tận dụng lợi thế, cơ hội
Để duy trì tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2021, Bộ Công Thương xác định sẽ tiếp tục tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản nhừm thâm nhập các thị trường mới; tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới để ứng phó kịp thời.
Năm 2021, về cơ bản, xuất khẩu Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi từ những chiến lược hội nhập, các FTA đã ký kết và sẽ ký kết.
Cơ sở cho những mục tiêu này là sang năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam có sự hỗ trợ tích cực từ các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, với ưu đãi về thuế quan và các điều kiện tiếp cận thị trường, mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có lợi thế sang các nước thành viên. Ngoài ra, năm 2021, các doanh nghiệp FDI được kỳ vọng sẽ dịch chuyển luồng đầu tư từ các nước trong khu vực sang Việt Nam, định vị lại chuỗi cung ứng cũng như tận dụng các ưu đãi mang lại từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Một trong những giải pháp điển hình nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu năm nay được Bộ Công Thương nhắc tới là củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết; đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu...
Giải pháp mấu chốt được triển khai nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu năm 2021 là ưu tiên các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu; nắm bắt thông tin thị trường và cảnh báo sớm các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán...
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng, năm 2021, để tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, cần lưu ý nhiều hơn tới các điều khoản liên quan đến lao động cũng như tính cạnh tranh ngay tại thị trường Việt Nam. “Cần phải tiếp tục nâng cao khả năng tự chủ của nền kinh tế, chuẩn bị tình huống diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới đầu vào cho các ngành sản xuất và đầu ra cho xuất khẩu hàng hóa. Phải làm sao phát huy tốt hơn nữa hệ thống tham tán thương mại để thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, năm 2021 và những năm tới về cơ bản sẽ có được điều kiện thuận lợi từ những chiến lược hội nhập, khung khổ các FTA đã ký kết và sẽ ký kết; những chú trọng về chính sách của Chính phủ, Đảng, Nhà nước và quyết sách của Chính phủ trong hàng loạt khía cạnh tái cơ cấu nền kinh tế, cách chính sách về an sinh xã hội, cải cách và mở cửa cũng như nỗ lực hoàn thiện thể chế pháp luật,…
“Năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ chứng kiến sự phát triển, thậm chí là tăng tốc của Việt Nam, trong đó có cả khía cạnh hội nhập quốc tế và xuất nhập khẩu. Bộ Công Thương đã xây dựng mục tiêu với những kịch bản cụ thể và thông qua cho năm 2021, về cơ bản vẫn duy trì xu thế chung trong phát triển kinh tế xã hội cũng như thương mại quốc tế”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.