Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xuất hiện ca nhiễm COVID-19 mới do cách ly lỏng lẻo, nửa vời?

(VTC News) -

Sự xuất hiện ca COVID-19 số 1347 theo tôi là hậu quả của sự lỏng lẻo, nửa vời trong cách ly, nếu không giám sát hơn thì nguy cơ dịch trở lại cộng đồng sẽ rất lớn.

Vậy là chuỗi 120 ngày không có ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng ở TP.HCM đang có nguy cơ bị cắt đứt do sự xuất hiện của ca bệnh 1347. Lại bắt đầu quá trình huy động tổng lực để khoanh vùng, cắt đứt nguồn lây, truy vết đường đi và quá trình tiếp xúc của bệnh nhân, hàng trăm người bị cách ly theo dõi, kéo theo sự phục vụ, giám sát của nhiều cơ quan, đơn vị. Công việc của bao nhiêu con người bị đình trệ và đáng sợ nhất là nỗi sợ dịch bệnh quay lại cộng đồng, dù chúng ta đã tốn không biết bao nhiên nhân tài vật lực để kiểm soát tốt nó nhiều tháng trời.

Suốt thời gian qua, các ca bệnh COVID-19 mới vẫn liên tục được ghi nhận nhưng tất cả đều từ nguồn nhập cảnh và nguồn lây bị chặn ngay nhờ cách ly. Nhưng ca 1347 lại khác, bệnh nhân này không phải đối tượng cách ly, bị nhiễm bệnh do quá trình cách ly của người khác – bệnh nhân 1342 - không được thực hiện tốt.

Phun khử khuẩn phòng COVID-19 tại Đà Nẵng. (Ảnh: Xuân Tiến)

Cụ thể, bệnh nhân 1342 được cách ly tại nhà theo đúng quy định của Bộ Y tế sau 72 giờ cách ly tại nơi Vietnam Airlines quản lý và kết quả xét nghiệm 2 lần dương tính. Người này lây cho bạn – bệnh nhân 1347 – trong thời gian này vì để cho bạn đến sống cùng, trong khi bạn hằng ngày vẫn đi lại nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người.

Tôi không rõ trong quá trình cách ly tại nhà, bệnh nhân 1342 giữ khoảng cách với người khác ra sao, thực hiện các biện pháp vệ sinh thế nào, nhưng qua việc virus nCoV bị truyền sang cho bệnh nhân 1347, có thể khẳng định việc cách ly này không hiệu quả, nói thẳng ra là lỏng lẻo và không được những người có trách nhiệm giám sát nghiêm ngặt như đáng phải thế.

Dù là cách ly tại nhà, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan vẫn phải có trách nhiệm giám sát, sao lại để người ngoài đến sống cùng với người đang phải cách ly. Phải chăng cách ly tại gia thì không thể biết và kiểm soát được những gì xảy ra sau cánh cửa nhà họ? Nếu vậy thì quá nguy hiểm.

Tôi nghĩ cơ quan chức năng, ngành y tế cần rà soát kỹ trường hợp này xem đã sai ở khâu nào, từ đó bổ sung, hoàn thiện quy trình cách ly và giám sát cách ly hiện tại. Bởi một sai sót cũng có thể khiến COVID-19 quay lại cộng đồng, toàn bộ công sức của cả xã hội trong việc khống chế dịch bệnh bỗng tan thành bọt biển.

Ngoài ra, sau khi rà soát, phải quy trách nhiệm và xử lý những người làm sai, khiến SARS-CoV2 lây lan.  

* Ý kiến độc giả không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của VTC News.

Bạn có đồng tình với ý kiếm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Theo Hướng dẫn cách ly tại nhà, nơi lưu trú do Bộ Y tế ban hành, người cách ly tại nhà tốt nhất nên ở phòng riêng, trong trường hợp không có phòng riêng thì giường ngủ nên cách xa giường những người khác ít nhất 2 mét. Người cách ly hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người khác, không ăn chung.

Những người sống cùng nhà phải hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi cần tiếp xúc. Tất cả đều đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay, tránh chạm vào đồ đạc…

Cũng theo hướng dẫn trên, UBND xã, phường, thị trấn chỉ đạo, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly.

Nhật Cường

Tin mới