NSND Tự Long vừa nhận giải thưởng Đào Tấn 2024 với vai trò đạo diễn của vở chèo Đại đội trưởng của tôi. Đây là một trong 5 vở chèo được trao giải Vở diễn xuất sắc tại giải thưởng Đào Tấn năm nay.
Đại tá, NSND Tự Long, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội đại diện Nhà hát nhận Giải thưởng Đào Tấn cho vở chèo "Đại đội trưởng của tôi" do anh dàn dựng.
"Vinh dự thêm vào bảng thành tích của sự nghiệp một giải thưởng nữa mang tên Đào Tấn", NSND Tự Long chia sẻ. Anh cũng gửi lời cảm ơn BTC, Nhà hát Chèo Quân đội cùng Tạp chí Văn Hiến đã cho anh vinh dự được chạm tay vào giải thưởng danh giá này và được gặp thần tượng của mình - NSND Lệ Thuỷ.
Dưới bài viết của Tự Long, các nghệ sĩ như Vân Dung, Tùng Dương, Lan Anh cùng nhiều anh tài trong Anh trai vượt ngàn chông gai như Bằng Kiều, Phan Đinh Tùng, Thành Trung, Tiến Luật, Đăng Khôi gửi lời chúc mừng. Sau đó, NSND Xuân Bắc chia sẻ lại hình ảnh của Tự Long và gửi lời chúc mừng đến bạn thân.
NSND Xuân Bắc gửi lời chúc mừng bạn thân: "Chúc mừng NSND Tự Long đã nhận Giải thưởng Đào Tấn. Nét căng".
Đánh giá tác phẩm của NSND Tự Long, nhà báo Nguyễn Thế Khoa, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải thưởng Đào Tấn nhận xét: "Sự hấp dẫn của vở diễn nằm ở sự hấp dẫn trong tính cách và hành động của những “anh bộ đội Cụ Hồ”. Một người cha đặt tình riêng sang một bên để xử lý nghiêm phép quân đối với con trai mình. Một người lính vượt qua những hiểu lầm, trở về với đồng đội để sát cánh chiến đấu, giành lại những tấc đất quê hương. Một người lính quả cảm, quyết chiến đấu dù đến hơi thở cuối cùng, bằng mọi cách chiếm lại trận địa. Một cô y tá vượt qua mọi rào cản và khó khăn của chiến tranh để đến với tình yêu của mình…”.
“Thành công với vở chèo thứ 7 mà NSND Tự Long dàn dựng, đem đến cho Nhà hát chèo Quân đội hai vở diễn xứng đáng với truyền thống và đẳng cấp của mình (cùng vở “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” vừa dàn dựng xong) để tự tin bước vào lễ kỷ niệm 70 năm lịch sử của đơn vị mình và kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam” - Nhà báo Nguyễn Thế Khoa nói thêm.
Ngoài ra, ban tổ chức giải Đào Tấn cũng trao giải Vở diễn xuất sắc cho các tác phẩm sân khấu: vở cải lương Nợ nước non của Nhà hát Cải lương Việt Nam, vở kịch nói Mưa bóng mây của Công ty Hero Film TPHCM, vở chèo: Mưa đỏ (Đoàn chèo Hải Phòng) và Nắm xôi kỳ diệu (Nhà hát chèo Hà Nội).
Năm nay, giải thưởng Thành tựu trọn đời trao cho NSND Lệ Thủy và Giải thưởng Nhà quản lý văn hóa xuất sắc trao cho Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao thành phố Hải Phòng.
NSND Lệ Thuỷ giành giải "Thành tựu trọn đời" - Giải thưởng Đào Tấn với hơn 60 năm cống hiến cho nghệ thuật.
Về văn học, Giải thưởng Đào Tấn giành 3 giải tác phẩm xuất sắc để tặng cho các tác phẩm: Trường ca Những người lính của làng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và hai Tuyển thơ của hai nhà thơ Trần Vũ Mai và Đỗ Nam Cao.
Về điêu khắc, Giải thưởng Đào Tấn 2024 trao cho hai nhà điêu khắc Vương Duy Biên và Lưu Thanh Lan. Về âm nhạc, giải tác phẩm xuất sắc duy nhất năm nay được trao cho ca khúc đặc sắc Bà về ngự chốn non Tiên của nhạc sĩ Hình Phước Liên.
Giải thưởng Đào Tấn được Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam thành lập vào năm 2000. Giải thưởng trao tặng cho các tập thể, cá nhân có tác phẩm sân khấu, văn học, hội họa, âm nhạc xuất sắc, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống dân tộc.