- Thưa ông, câu chuyện xử lý vi phạm tại dự án 8B Lê Trực liên tục gây "nóng" dư luận khi công trình 4 năm nay vẫn chưa được xử lý xong vi phạm. Ông có đánh giá gì về vấn đề này?
Hà Nội trước nay vẫn có khẩu hiệu vui là "Hà Nội không vội được đâu". Trong trường hợp này ngẫu nhiên nó lại đúng. Cũng phải nói rằng, Hà Nội hiện nay hơi trì trệ trong những công việc chúng ta đang cần rất gấp gáp trong quá trình phát triển Thủ đô.
Hà Nội phải bỏ tư duy "Hà Nội không vội được đâu" đi và coi tất cả mọi việc đều phải vội cả. Lúc đó mới có động lực để phát triển. Còn nếu vẫn tiếp tục tư duy "không vội được đâu" thì sẽ dẫn đến tính trì trệ cao hơn và không tạo được sức vươn cho chính Hà Nội.
GS. Đặng Hùng Võ.
- 8B Lê Trực nằm ở vị trí "đất vàng" bậc nhất Hà Nội hiện nay, nhưng theo ông vì sao những sai phạm của dự án lại không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời?
Trước hết, tôi xin nói thẳng, câu chuyện chủ đầu tư lách luật làm sai, rồi tìm kiếm lợi ích từ phần vi phạm pháp luật ở Viêt Nam xảy ra rất nhiều, không chỉ riêng tại dự án 8B Lê Trực.
Bởi lẽ suốt một thời gian dài, các dự án sai phạm sau đó đều được hợp thức hóa hoặc làm lơ cho qua. Các cơ quan quản lý trước kia rất nhân nhượng cho những sai phạm này. Vì thế, chủ đầu tư có tư duy cứ "ăn gian" về pháp luật thì cũng sẽ được hợp thức hóa.
Đối với dự án 8B Lê Trực, chủ đầu tư chắc chắn có tâm lý đó. Nhưng việc vi phạm pháp luật của chủ đầu tư nếu nói cơ quan quản lý không biết thì không phải. Nhà dân chỉ cần mua cát về đổ trước nhà, chưa biết sẽ làm gì, các cơ quan chức năng đã biết và xuống "hỏi thăm" ngay.
Chỉ có điều ở đây nếu muốn khẳng định thì phải có căn cứ. Nhưng căn cứ này bây giờ tìm rất khó. Tôi cho rằng, việc chậm phát hiện để xử lý sai phạm cần phải được điều tra làm rõ.
Trên thế giới, nếu dự án vi phạm là bị xử lý ngay chứ không bao giờ để vi phạm đến mức thi công xong cả tòa nhà.
GS Đặng Hùng Võ
- Như vậy, để xảy ra sai phạm tại 8B Lê Trực, ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư, còn có trách nhiệm của cơ quan chức năng?
Đúng vậy, trách nhiệm giám sát trong quá trình thi công công trình, trách nhiệm trong việc xử lý sai phạm. Trách nhiệm thuộc về UBND phường Điện Biên, UBND quận Ba Đình, UBND thành phố Hà Nội, các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc.
- 4 năm qua, dự án này vẫn chưa được xử lý, người dân bỏ tiền tỷ mua nhà nhưng lại là nạn nhân của chủ đầu tư, của chính quyền khi chậm trễ trong xử lý sai phạm. Vậy theo ông, ai phải chịu trách nhiệm đền bù những tổn thất cho người dân?
Trước hết, chủ đầu tư phải là người chịu trách nhiệm trước những tổn thất này của người dân. Chủ đầu tư là người bán nhà cho người dân, nên phải chịu trách nhiệm chính.
Thứ hai, cơ quan nhà nước với vai trò giám sát đã không hoàn thành được vai trò của mình, để sai phạm ngang nhiên tồn tại cho đến khi sự việc trở nên phức tạp như hiện nay. Nếu sai phạm được phát hiện và xử lý từ khi mới bắt đầu thì chắc chắn sẽ không có hậu quả như ngày hôm nay.
Tòa nhà 8B Lê Trực mới được rào xung quanh, có thể chuẩn bị cho công đoạn phá dỡ lần 2. (Ảnh: Ngọc Khánh)
- Tại sao không tính đến một phương án xử lý khác để nhanh chóng giải quyết quyền lợi cho người dân, ví dụ như phạt dự án cho tồn tại?
Tôi cho rằng, với trường hợp dự án 8B Lê Trực, việc xử phạt hành chính bằng công cụ tài chính đối với phần vi phạm pháp luật là không được, nhất định phải cắt gọt vì dự án nằm ở vị trí "nhạy cảm".
4 năm qua, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Hà Nội nhiều lần là phải xử lý dứt điểm cho xong sai phạm tại dự án này, nhưng Hà Nội chưa làm được. Vấn đề hiện nay là Hà Nội cần phải đưa ra một giải pháp sớm, hoặc là đập bỏ cả tòa nhà hoặc là dỡ phần sai phạm, giải pháp nào thì Hà Nội cũng phải quyết định kịp thời.
Trên thế giới, nếu dự án vi phạm là bị xử lý ngay chứ không bao giờ để vi phạm đến mức thi công xong cả tòa nhà.
- Xin cảm ơn ông!