Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xử lý người chưa thành niên phạm tội: Không nhất thiết phải đưa ra tòa

(VTC News) -

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho rằng, nhiều vụ việc người chưa thành niên vi phạm có thể chuyển hướng xử lý như xin lỗi, bồi thường thay vì phải ra tòa.

Ngày 17/4, tại phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Liên quan đến thẩm quyền quyết định biện pháp xử lý chuyển hướng tại dự thảo luật, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cả 3 cơ quan là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần giao thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng tất cả các biện pháp xử lý chuyển hướng cho Tòa án để thực hiện đúng chức năng Hiến định "Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp".

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. (Ảnh: quochoi.vn)

Giải trình về vấn đề này, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhận định, nếu giao cho tòa phải chờ kết thúc điều tra sẽ không kịp thời và phải mở phiên tòa.

"Có những vụ việc chỉ cần sử dụng biện pháp xử lý "vỗ vai", "cháu đi xin lỗi bạn đi" hay "cháu về nói bố mẹ bồi thường cho bạn nếu bạn bị gãy tay"... Những chuyện như thế ngay từ giai đoạn điều tra cũng có thể làm được, không cần thiết phải đưa ra tòa", ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng dẫn ví dụ với vụ án người chưa thành niên thực hiện hành vi trộm cắp tại siêu thị thì cơ quan điều tra có thể cấm đến siêu thị và giao cho nhân viên công tác xã hội quản lý; hoặc sàm sỡ với trẻ em thì cấm đến những nơi có trẻ em, không cần mở phiên tòa để ban hành lệnh cấm.

Nội dung thứ hai ông Nguyễn Hoà Bình giải trình thêm trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật.

Theo đó, dự thảo luật quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với bị hại và người làm chứng là người chưa thành niên; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Hiện cũng có 2 loại ý kiến về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất tán thành dự thảo luật quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với với người chưa thành niên. Loại ý kiến thứ hai đề nghị dự thảo luật không quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, nếu chỉ có biện pháp mà không có hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự thì không hình thành được bộ luật về mặt tư pháp.

"Coi đây là thành tựu, là bước tiến của nền tư pháp của nước ta thì sản phẩm đưa ra phải trọn vẹn, không nên có một sản phẩm khuyết tật. Nếu như không có hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự thì đây là sản phẩm khuyết tật. Không nên làm mất thời gian của Quốc hội khi đưa ra một đạo luật khuyết tật như thế", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói và cho rằng luật trình ra Quốc hội cần có tất cả các nội dung như dự thảo.

Một nội dung nữa cũng được ông Nguyễn Hòa Bình giải trình là có 2 loại ý kiến liên quan đến việc tách vụ án hình sự.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, phải tách vụ án hình sự có người phạm tội là người chưa thành niên và người đã thành niên để giải quyết độc lập.

Ngược lại, loại ý kiến thứ hai nhìn nhận, không nên tách vụ án hình sự vì sẽ phát sinh nhiều vụ án, thêm nhiều thủ tục, tố tụng không cần thiết và đề nghị giữ Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, nếu không tách vụ án hình sự, người chưa thành niên sẽ bị xét xử trong phòng xét xử không thân thiện và phải tiếp cận với toàn bộ nội dung vụ án, đặc biệt là các vụ án xâm hại sức khỏe, tính mạng hay buôn lậu ma túy.

"Nếu phải ra tòa với môi trường không thân thiện, tiếp cận với phương thức như xét xử người lớn phạm tội thì sẽ tác động không tốt đến các cháu, mang tính chất nặng nề.

Thêm vào đó, xét xử như vụ án thông thường với thẩm phán không hiểu tâm lý trẻ em sẽ không đảm bảo các lợi ích của các cháu. Cho nên việc tách phiên tòa là rất cần thiết", ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. 

Để chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp để hoàn chỉnh hồ sơ trình Quốc hội.

Trong đó, theo ông Nguyễn Khắc Định, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn đối với một số chính sách mới, báo cáo chi tiết hơn các căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để tạo sự đồng thuận của Quốc hội.

Anh Văn

Tin mới