Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kết quả xử lý sau thanh tra về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Cty Đường sắt Việt Nam và một số đơn vị liên quan.
Văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng Cty Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực theo thông báo số 165/TB-VPCP năm 2018 liên quan đến việc góp vốn của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam tại khu đất 80 Lý Thường Kiệt - 22 Phan Bội Châu (Hà Nội), đảm bảo thu hồi tài sản cho nhà nước. Nếu không chấp hành nghiêm sẽ chuyển cơ quan chức năng xem xét hình sự.
Cảnh nhếch nhác tại khu đất "vàng" 80 Lý Thường Kiệt sau 4 năm chưa thể thu hồi của Tổng Cty Đường sắt.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án cụ thể xử lý đối với kiến nghị của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam về việc không thu hồi khoản 41,742 tỷ đồng về Quỹ hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính.
Cùng với đó, không thu hồi khoản chi phí khấu hao tài sản cố định khi hạch toán chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp của 15 công ty quản lý đường sắt và Công ty CP công trình đường sắt với giá trị 43,104 tỷ đồng; khoản chi phí thay đổi phương án thi công với 7 trụ của cầu Đồng Nai do Tổng Cty Đường sắt Việt Nam phê duyệt phát sinh tăng chi phí 1,632 tỷ đồng.
Khu đất vàng 22 Phan Bội Châu nằm sát bên cạnh cũng trong tình trạng "cửa đóng then cài".
Như Tiền Phong thông tin, hồi tháng 3/2020, Thanh tra Chính phủ tiếp tục yêu cầu Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (VNR) phải thu hồi 2 lô đất “vàng” số 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu (Hà Nội) về cho Nhà nước sau 4 năm Kết luận thanh tra số 2222, năm 2016 của Tổng Thanh tra Chính phủ được ban hành. Thanh tra Chính phủ cho biết, 2 lô đất "vàng” bị VNR đem góp vốn đầu tư ngoài ngành sai quy định nhưng tới nay lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chưa kiểm điểm trách nhiệm theo kết luận thanh tra.
Do đó, cơ quan này yêu cầu VNR tiếp tục kiểm điểm, xử lý trách nhiệm với tập thể, cá nhân liên quan đến việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng 2 lô đất trên; xử lý trách nhiệm trong việc quản lý nợ phải thu, các khoản đầu tư tài chính dài hạn, cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…
Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải phải phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, lập phương án sử dụng 2 lô đất trên đảm bảo hiệu quả, đúng pháp luật, không để thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.
Theo kết luận 2222/2016 của Thanh tra Chính phủ, lô đất 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu được nhà nước cho VNR thuê, và hết hạn từ năm 1996. Tuy nhiên VNR vẫn góp vốn quyền sử dụng hai lô đất trên để hợp tác kinh doanh khách sạn với Tổng công ty du lịch Sài Gòn.
“VNR lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện trái chủ trương, quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu…”, kết luật của Thanh tra Chính phủ nêu.