Việc Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương vừa qua, thêm một lần nữa khẳng định quyết tâm chỉnh đốn Đảng, tính nghiêm minh trong kỷ luật Đảng, làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước, lấy lại niềm tin trong nhân dân.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương tại Kỳ họp thứ 49 cho thấy, khi là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện một số nghị quyết, quy định, quyết định về hoạt động tín dụng ngân hàng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục.
Nhiều cán bộ, đảng viên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo chủ chốt một số tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự. Cụ thể là 5 vi phạm, khuyết điểm được Bộ Chính trị nêu trong Quyết định thi hành kỷ luật cán bộ.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Theo ông Phạm Văn Hợp, Bí thư Chi bộ 8, Phường Ô chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội, việc Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình bằng hình thức cảnh cáo ở thời điểm này càng khẳng định công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, đúng các quy định, liên tục, kịp thời, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, đảm bảo công bằng, minh bạch.
“Cách làm của Đảng trước sau như một, rất kiên quyết, rất có tình, có lý, rất nhân văn. Chính vì vậy, việc xử lý cán bộ thì tôi nhận thấy lòng tin của dân được củng cố một cách vững chắc, tăng thêm lòng tin trước Đại hội Đảng ta sắp tới”, ông Hợp nói.
Quan điểm nhất quán của Đảng ta là làm tốt được biểu dương, khen thưởng; làm chưa tốt thì nhắc nhở, phê bình; vi phạm sẽ phải xử lý nghiêm minh, kết luận rõ đến đâu xử lý đến đó, không có “vùng cấm”, hoặc ngoại lệ.
Ngay từ khi thành lập nước, Đảng ta đã quan tâm tới công tác cán bộ, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt trong gần 35 năm đổi mới, đảng ta đã chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn tình trạng suy thoái về đạo đức, tư tưởng chính trị, các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở một số đảng viên giữ trọng trách trong bộ máy Nhà nước vẫn xảy ra làm mất niềm tin trong nhân dân.
Vì vậy, trong Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ, giải pháp được thực hiện mạnh mẽ là: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng”.
Từ quan điểm nhất quán và quyết tâm làm trong sạch bộ máy của Đảng, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: “Cán bộ đảng viên sai phạm trong giai đoạn trước đây không có nghĩa là việc giữ vị trí cao hoặc nghỉ hưu mà không ai đụng đến. Việc phát hiện sai lầm thì hiện nay với cương vị nào hoặc thậm chí đã nghỉ hưu đều bị xử lý nghiêm minh theo kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Theo tôi việc kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình về sai phạm khi làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thể hiện siết chặt kỷ luật của Đảng đối với những đảng viên mắc sai lầm trong quá trình công tác trước đây”.
Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc
Ngay sau khi Bộ chính trị ra quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Bình, trên một số trang mạng xã hội đã xuất hiện những bài viết cho rằng đây là kỷ luật "bất thường" trước thềm Đại hội XIII của Đảng.
Ông Lê Thanh Vân - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh kỷ luật của Đảng là chấn chỉnh đội hình làm cho bộ máy của Đảng mạnh thêm, trong sạch hơn.
Việc xử lý vi phạm để cho họ nhận thức ra sai lầm của mình, nếu chưa đến mức phải đưa ra pháp luật xử lý thì đây là cơ hội để cán bộ sửa chữa, phấn đấu trở lại. Việc kỷ luật này thể hiện sự nghiêm minh của Đảng, của cơ quan tổ chức để chỉnh đốn lại bộ máy, làm gương cho người khác. Do vậy cần cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc làm méo mó việc làm thường xuyên của Đảng, gây hiểu sai trong nhân dân.
“Xử lý kỷ luật chính là công việc thường xuyên như là việc tắm gội, như rửa mặt thường xuyên để cho cơ thể chính trị, cơ thể pháp lý của Đảng của Nhà nước thường xuyên mạnh mẽ. Có gì đâu mà nói trừng trị nội bộ, đấu đá nội bộ. Đấy là luận điệu xuyên tạc, nhất là trước thềm Đại hội Đảng để chia rẽ nội bộ, làm cho nhân dân hiểu sai hoạt động bình thường của Đảng, của Nhà nước”, ông Vân nói.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, những sai phạm đã xảy ra từ lâu, trải qua một quá trình xem xét và kết luận là kết quả của việc xem xét nhiều vụ việc có liên quan đến tài chính ngân hàng.
Đây không phải lần đầu tiên Đảng ta xử lý cán bộ sai phạm, nhiều cán bộ, đảng viên có vi phạm kể cả cán bộ cao cấp, người còn đương chức hay đã về hưu có sai phạm đều bị xử lý kỷ luật, không có vùng cấm. Từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; trong đó một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.
Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang được Đảng ta tiếp tục tiến hành một cách mạnh mẽ và quyết liệt. Việc kỷ luật đồng chí của mình là điều không ai muốn, như Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân”.