(VTC News) - Tường nứt, bong tróc, nhiều chỗ bị ẩm mốc, rễ cây cổ thụ ăn xuyên qua tường là thực trạng xảy ra tại thành cổ độc nhất Nam Bộ.
Dấu ấn vàng son
Thành cổ Biên Hòa tọa trên đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là công trình có cấu trúc độc đáo, tồn tại từ hàng trăm năm nay đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 2013.
Theo thư tịch cổ, thành Biên Hòa do người Lạp Man (Chân Lạp) đắp bằng đất vào thế kỷ XIV-XV với tên gọi là Thành Cựu, có chiều dài 338 trượng (1 trượng = 10 thước = 4,7 mét - theo chuẩn đo lường cũ của nước ta), cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng.
Bên ngoài thành, hào được đào rộng 4 trượng, sâu 6 thước. Thành có 4 cửa và 1 kỳ đài (phía chánh điện). Mỗi cửa có cầu đá bắc ngang qua hào để làm lối lưu thông ra vào. Đến năm Minh Mạng thứ 18 (tức 1837), Thành Cựu được xây lại bằng đá ong và đổi tên là thành Biên Hòa.
Thành cổ Biên Hòa, di tích lịch sử quốc gia là thành cổ độc nhất Nam Bộ
Thành Biên Hòa được xây dựng là một đóng góp to lớn của các thế hệ tiền nhân tại Biên Hòa. Trong buổi đầu khởi công xây dựng thành bằng đất, năm 1834 đã có 1.000 người tham gia. Đến năm 1838, thành cổ được xây bằng đá ong đã có 4.000 dân tham gia.
Như vậy, tổng cộng hai lần xây dựng đã có 5.000 lượt người dân tại Biên Hòa tham gia xây dựng. Đó là thành quả lao động của người dân Biên Hòa – Đồng Nai xưa.
Theo nhiều sử sách ghi lại, vật liệu xây dựng thành Biên Hòa năm 1838 là vật liệu tại chỗ của Biên Hòa. Loại đá ong với những tảng lớn (hiện nay còn lại một số cạnh tường thành) cho thấy chúng được khai thác, vận chuyển khá kỳ công.
Một số tài liệu thống kê cho thấy, những năm đầu thế kỷ XX, Biên Hòa có hàng trăm chỗ khai thác loại đá ong tại các làng: Bình Đa, Nhựt Thanh, Tân An, Tân Bản, Bình Dương, Long Điềm, Phước Tân, An Lợi, Bình Ý, Tân Mai, Vĩnh Cửu, Tân Phong, Bình Thành, Long Thuận, Phước Long, Phước Kiển.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, khi thực dân đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ, Thành Biên Hòa trở thành nơi phòng ngự, phản công địch của quan quân nhà Nguyễn. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Thành Biên Hòa trở thành biểu tượng của người dân nơi đây
Tháng 12/1861, Thành Biên Hòa rơi vào tay thực dân Pháp. Trong thời gian chiếm đóng, quân đội Pháp tiến hành xây dựng lại, thu gọn chu vi thành còn 1/8 so với trước và gọi là thành "Xăng đá", phiên âm từ tiếng Pháp Soldat - nghĩa là "Thành Lính".
Hào phía đông được lấp đất lại xây cất phố xá và một số doanh trại, biệt thự, nhà thương... trong nội thành cho sĩ quan cao cấp và quân đội Pháp ở. Buổi sáng lính thường sử dụng kèn báo thức, âm thanh vang cả một vùng nên dân địa phương còn gọi là Thành Kèn.
Sau khi giải phóng đến nay, thành cổ ngày càng “co mình” trong quá trình đô thị hóa chóng mặt. Thành cổ độc nhất Nam Bộ này trở nên bơ vơ, lạc lõng như một lão già sắp tàn hơi, nằm nghiền ngẫm sự đời qua bao thế kỷ và nhìn đám hậu sinh đang xôn xao giữa chốn phồn hoa.
Hoang tàn thành cổ
Trải quan bao thăng trầm lịch sử, hiện nay Thành độc nhất còn sót lại ở Nam Bộ này đang trở nên hoang phế, xuống cấp nghiêm trọng, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Ghi nhận của chúng tôi, hiện nay khu di tích này đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Thành chỉ còn lại những bức tường bằng đá ong liên kết với nhau bao quanh diện tích chừng hơn 10.000 m2.
Các hạng mục, công trình bên trong thành hầu như không còn nguyên vẹn. Hai ngôi biệt thự cùng 2 lô cốt ở phía Đông và phía Bắc thành như đang trong tình trạng sắp sập đổ.
Các bức tường hầu như đã bị nứt và bong tróc, nhiều chỗ bị ẩm mốc. Rễ cây cổ thụ ăn xuyên qua tường làm nứt, tách vữa trát. Sàn gạch bị bong tróc, có nơi thủng từng mảng lớn. Tường thành bị nứt và bong tróc
Chiếc cầu thang sắt dẫn lên lầu cũng đã hoen gỉ mất đi vài bậc, mái ngói thủng nhiều mảng lớn. Các cửa tầng áp mái đã mất cánh tạo chỗ cho dơi, chim, chuột sinh sống… Ngoài ra, hệ thống tường có nhiều đoạn đã bị sập đổ, cổng thành đã mất.
Theo thẩm định của cơ quan chức năng, mức độ tổn thất của tường thành là 70%, nội thất thiết bị của nhà cổ phía Tây đã bị tổn thất hoàn toàn, thang và cửa hỏng 90%...
Tận mắt chứng kiến cảnh hoang phế của di tích, chúng tôi khỏi xót xa khi thành cổ lại là di tích lịch sử cấp quốc gia. Không gian phía trước thành đã bị lạm dụng làm nơi bán cà phê, phía tây là bãi đốt rác.
Qua tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuống cấp trầm trọng của thành Biên Hòa là do trải qua thời gian hàng trăm năm cộng thêm việc không chú trọng công tác chăm sóc.
Được biết, năm 2010, kế hoạch trùng tu, phục dựng thành cổ được đề ra. UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt với tổng vốn 25 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên 41 tỷ đồng. Tuy nhiên, kinh phí quá lớn nên việc trùng tu vẫn chưa thể thực hiện. Rễ cây cổ thụ ăn xuyên qua tường làm nứt, tách vữa trát
Mới đây, trong cuộc họp của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đồng Nai với đại diện các sở, ban, ngành trong tỉnh về phương án trùng tu di tích lịch sử Thành cổ Biên Hòa. Tại cuộc họp, xét thấy kinh phí trùng tu tôn tạo toàn bộ công trình là quá lớn và khó triển khai trong thời gian ngắn, đại diện các sở, ban, ngành có liên quan đều nhất trí đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua phương án và kinh phí chống xuống cấp di tích.
Trong đó, bước đầu tiên là sửa sang lại phần mái ngói bị dột nát và một số bộ phận liên quan để tránh sự xâm nhập của nước mưa vào bên trong di tích, gây ảnh hưởng đến các hạng mục công trình khác... với kinh phí 15 tỷ đồng.
Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh Đồng Nai cho biết: "Trải qua thời gian, những hạng mục công trình của thành cổ Biên Hòa dần bị mai một, số còn lại đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Mái nhà mục nát, tường vữa bong tróc, có nhiều đoạn bị sập đổ. Chúng tôi đã nhiều lần đem bạt giăng trên nóc nhà để tránh nắng, mưa nhằm giảm hư hại nhưng chẳng ăn thua gì. Nếu không sớm được trùng tu, tôn tạo, di tích thành Biên Hòa sẽ chỉ còn tồn tại trong các tư liệu thành văn”.
Thiết nghĩ, trong lúc chờ đợi quyết định của các cấp có thẩm quyền, để di tích không bị hư hại, xuống cấp thêm trong mùa mưa bão, các ngành chức năng cần khẩn trương tổ chức chống đỡ khẩn cấp, làm tốt công tác vệ sinh, củng cố cảnh quan môi trường di tích trong khả năng, quyền hạn của mình.
Bên cạnh đó, cần tổ chức sưu tầm, quản lý cổ vật, hiện vật, tư liệu, hình ảnh..., tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, để có phương án phù hợp nhằm phục chế, phục hồi di vật, cổ vật, trùng tu di tích.
Di tích Thành cổ Biên Hòa được bảo vệ sẽ làm phong phú thêm danh mục di tích của thành phố Biên Hòa và là một loại hình di tích độc đáo.
Triệu Nguyên