Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xót xa những bệnh nhân mòn mỏi ngóng Tết trong Bệnh viện Tâm thần

Những bệnh nhân nhập viện tâm thần dịp gần Tết có khả năng phải ở lại bệnh viện để thăm khám, thậm chí ăn Tết trong bệnh viện.

Tới bệnh viện cầu cứu bác sĩ ngày 23 tháng Chạp

Khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần TW I những ngày này không còn nhiều bệnh nhân, không khí vắng vẻ. Hầu hết các bệnh nhân điều trị dài ngày đã cùng với gia đình trở về nhà ăn Tết.

Còn lại một mình trong căn phòng trống trải, N. lặng lẽ ăn phần cơm mẹ cô lấy về, quá trình ăn uống không phát ra tiếng động nhỏ nào, trên gương mặt cô chỉ duy trì một vẻ thất thần. Năm nay, N. không có Tết.

Bệnh nhân N. (22 tuổi, Sơn Tây) điều trị tại Bệnh viện Tâm thần TW I (Ảnh: Lệ Chi)

N. 22 tuổi, sinh sống cùng gia đình tại Thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Cô nhập viện tâm thần ngày 8/2 và có thể, năm nay, N. sẽ cùng với mẹ ăn Tết ở trong bệnh viện.

“Nó cứ như thế chẳng nói năng gì cả, cũng không ăn uống gì, ở trong này có mẹ kèm cặp nó còn ăn được một ít.

Lúc ở nhà thì tôi thì cứ mải đi làm, không nghĩ gì là con nó bệnh. Tôi cứ cho rằng con nó chỉ buồn chán thôi, nên mới không học được, không thiết ăn uống gì cả, rồi vài hôm thì nó hết”, mẹ N. tâm sự.

Theo lời mẹ N., trước khi nhập viện điều trị, N. là sinh viên chuyên ngành dược. Cô có sức học khá, hòa đồng với bạn bè, ngoài giờ học cô còn là nhân viên bán thời gian tại cửa hàng thuốc gần trường, vừa làm việc vừa học hỏi kinh nghiệm.

Tuy nhiên, cách đây 1 tháng, N. gặp cú shock tình cảm khiến cô chán nản, không còn mong muốn học tập, làm việc, hay vui chơi cùng bạn bè.

Bà kể: “Nó bảo nó chán, nó xin tôi cho nó nghỉ học về nhà. Sau nó cứ nghỉ suốt. Nó xấu hổ với bạn bè, rồi bỏ bê ăn uống tới 20 ngày. Tôi cứ nghĩ nó bị ốm thông thường, nên đưa cháu đi truyền nước.

Phòng sinh hoạt của bệnh nhân yên ắng vào ngày 27 âm lịch (Ảnh: Lệ Chi)

Nhưng rồi truyền xong, nó vẫn như thế. Tôi động viên nó không được, lại quay ra mắng mỏ nó, xúc phạm nó. Ban đầu thì nó còn biết, nhưng sau đó thì nó chẳng để ý gì nữa.

Vào đây rồi tôi mới biết, bệnh của con là bệnh tâm lý, nếu không ứng xử khéo léo, con có thể sẽ tự sát. Những lúc tôi mắng nó, xúc phạm nó, tôi không nghĩ đến việc này”.

Đôi mắt người mẹ tần tảo hoe đỏ, giọng nói lạc đi: “Nếu lúc đó nó có mệnh hệ gì, tôi sẽ ân hận cả đời”.

Triệu chứng bệnh còn nặng nên ở lại bệnh viện

Tới phòng bệnh khác tìm gặp chị Lê Thị M. (36 tuổi, quê Thanh Hóa), chúng tôi được biết chị ở cùng phòng với bệnh nhân Thu H. (17 tuổi ở Yên Bái). Đây cũng là hai bệnh nhân của Khoa Cấp tính nữ sẽ ở lại bệnh viện điều trị thêm vào Tết này.

Theo các y tá tại Khoa cấp tính nữ, trường hợp của chị M. rất đặc biệt. Chị được gia đình đưa đến nhập viện ngày 24/1 trong tình trạng trên người có những vết thương rất nặng.

Các bác sĩ cho biết: “M. bị trầm cảm, có dấu hiệu tự sát. Gia đình M. không khá giả, chồng lại đi làm xa, ít có thời gian kề cận vợ và con. Do tự tử bất thành, bệnh nhân được đưa vào điều trị ngoại thương khoảng 1 tháng tại bệnh viện Việt Đức.

Tuy nhiên, khi vào viện M. vẫn cứ tìm cách tự tử, gia đình lo lắng quá, phải chuyển M. vào viện tâm thần. Lúc đầu mới nhập viện, thương tích của M. ở phần cột sống và phần chân vẫn chưa lành lại".

Chị M. (ngoài cùng, bên trái) cùng mẹ của mình và Thu H. tại phòng bệnh riêng (Ảnh: Lệ Chi)

Theo lời bác sĩ, bệnh nhân M. còn phản kháng không tiếp nhận điều trị. Cứ lúc nào có chồng cô ấy đến chăm sóc, cô ấy lại xin chồng cho về, cứ lặp đi, lặp lại chỉ một câu: “Xin anh cho em về, xin anh cho em về, xin anh cho em về”.

"Chúng tôi nghe cũng rất xót xa nhưng không làm cách nào khác được, nếu không điều trị thì M. sẽ không khỏi bệnh. Và bởi vì tình trạng thương tích của M. rất nặng, chúng tôi không thể cưỡng chế bệnh nhân dùng thuốc hay làm gì khác.

Tới nay, sau hai tuần dùng thuốc, M. tỉnh táo hơn, chăm sóc cũng không còn vất vả như trước”, chị Kim Anh, điều dưỡng viên tại Khoa Cấp tính nữ cho biết.

Cũng theo chị Kim Anh, những bệnh nhân nhập viện dịp gần Tết như chị M. hay N. có khả năng phải ở lại bệnh viện để thăm khám tới ngày 28 Âm lịch. Vìnhiều lý do, bệnh nhân còn phải ở lại bệnh viện qua Tết, tiếp tục điều trị cho tới khi bệnh tình có tiến triển tốt thì mới được trở về nhà.

Video: Con gái nghiện facebook, bố mẹ đánh thuốc mê đưa vào viện tâm thần

Còn với bệnh nhân Thu H. (17 tuổi ở Yên Bái), em là trường hợp bệnh nhân nhập viện do nghiện facebook nặng. H. được khám và uống thuốc, chữa trị hơn 1 tháng, nhưng bởi vì em không hợp tác với các bác sĩ, nên bệnh tình vẫn chưa có dấu hiệu tích cực.

Chia sẻ với chúng tôi, bác của H. tâm sự: "Để cháu mình khỏi bệnh, dù cho phải ở lại bệnh viện qua Tết gia đình cũng đồng ý".

Chung nỗi niềm với gia đình H., mẹ chị M cũng cho hay: “Tôi không dám rời con nửa bước. Đến nay, tuy cháu tỉnh táo, nhưng nó vẫn chưa lành lặn hẳn. Gia đình tôi có thể ăn Tết trong bệnh viện cũng được, miễn là con tôi khỏe mạnh, trở lại như trước kia”.

Lệ Chi

Tin mới