Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xót cảnh 2 bà cháu sống trong lều nát cạnh chuồng gà giữa đất Sài Gòn

(VTC News) -

Trong căn lều nát sực lên mùi phân và lông gà, bà Tuyết nhường cháu bát cơm nấu từ gạo hỗ trợ, còn bản thân ăn mỳ gói, cầu mong hết dịch COVID-19 để đi bán vé số.

"Chẳng ai tưởng tượng nổi cậu ạ! Giữa thời buổi này tôi không nghĩ lại có người còn khổ đến thế?", người phụ nữ sống ở đường số 4 (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM) vừa nói vừa dắt phóng viên đến cuối hẻm 29. Mặc dù được "cảnh báo" trước, tôi vẫn choáng khi nhìn thấy cái gọi là nhà của bà Lê Ngọc Tuyết. Nó còn tệ hơn túp lều chị Dậu.

Túp lều cũ nát chưa đầy 10m2 nằm chơ vơ giữa bãi đất trống này là nơi ở của bà Tuyết (60 tuổi) và đứa cháu ngoại 6 tuổi, bé Diễm My. Bà Tuyết cười ngần ngại khi đón khách, bảo "ngôi nhà" của bà dựng được 3 năm nay. Mấy cọc gỗ chống lều đều mục nát, tấm bạt rách thủng lỗ chỗ, tôn rỉ sét.

"Ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu đâu", bà nói như thanh minh rồi mời khách cùng ngồi lên chiếc giường ọp ẹp, nơi duy nhất có thể ngồi được. Cái giường xiêu vẹo vì phải gánh thêm sức nặng. 

Chiếc khẩu trang do bà Tuyết may vội cũng "úi xùi" như các chủ nhân của căn lều.

Bà Tuyết kể, cách đây mấy năm, bà thuê một phòng trọ trong hẻm này. Sau tiền kiếm được không đủ trả, bà đưa đứa cháu mới 3 tuổi ra bãi đất trống cuối hẻm dựng cọc ở tạm. Ngày nắng thì nóng rát da thịt. Ngày mưa thì dột, áo quần, đồ đạc ướt sũng. Có những đêm mưa lớn kéo dài, hai bà cháu nằm trong lều, ôm nhau co ro cố ngủ, bụng khấn cầu cho trời mau tạnh, mau sáng.

Cạnh lều của họ là chuồng gà của dân. Giữa cái oi nóng hơn 37 độ của Sài Gòn, mùi hôi thối của phân gà, lông gà xộc vào khắp căn lều. Bà Tuyết nói khi thấy chúng tôi thoáng nhăn mặt: "Bình thường cháu ạ, 2 bà cháu quen rồi nên cũng không thấy mùi gì nữa".

Bà Tuyết ngồi trong "ngôi nhà" của mình.

Trước đây, bà Tuyết sống cùng con gái. Rồi hoàn cảnh quá khó khăn, con gái bà bỏ nhà đi với một thanh niên. Ít lâu, nghe tin cô mang thai sắp đến ngày sinh nở trong khi bạn trai "quất ngựa truy phong", bà lặn lội đi tìm, chăm sóc đến ngày sinh bé Diễm My. Đứa bé còn đỏ hỏn, cô gái lại nghe bạn bè rủ rê, để lại con cho mẹ già, bỏ sang Trung Quốc rồi mất tăm mất tích từ đó.

Một mình bà Tuyết dầm sương dãi nắng, làm đủ nghề để kiếm tiền nuôi cháu ngoại. Gần đây bệnh tật hành, bà chỉ còn đủ sức gắng gượng đi bán vé số. Thế nhưng trời cũng khéo trêu người, dịch COVID-19 xảy ra, công ty xổ số ngừng phát hành vé. Bà chỉ biết ở nhà với cháu, có cơm ăn cơm, có mì gói ăn mì gói, sống tạm qua ngày.

Thấy chiếc khẩu trang bà đeo bị tụt xuống trong khi trò chuyện, chúng tôi mới để ý đây là loại khẩu trang tự chế, được bà may vội từ những mảnh vải vụn. Trông nó "dặt dẹo", tội nghiệp như chính cuộc đời bà. "Mình nghèo nhưng vẫn phải chấp hành quy định của Nhà nước chứ. Với cả nếu lỡ có chuyện gì, ai lo cho cháu tôi", bà tâm sự.

Chuồng gà cạnh túp lều của bà Tuyết.

Những ngày TP.HCM mới có dịch, bà Tuyết chỉ đủ tiền mua thùng mì gói về dự trữ, ngày nào cũng hết mì nước rồi lại mì xào. Cứ nhìn cháu ăn mỳ, bà lại khóc. Bát mì của bà ngày nào cũng chan nước mắt đau xót, tủi phận.

Gần đây, máy "ATM gạo" từ thiện xuất hiện, bà Tuyết đi bộ đến xin. Có gạo rồi nhưng vẫn sợ hết, bà cố hết sức dè xẻn, nhường cơm cho cháu, bản thân vẫn ăn mì. 

"Hai bà cháu chỉ ăn cơm trắng với nước tương. Nhưng thương cháu còn nhỏ, sợ cháu ăn không đủ chất, tôi bán chiếc xe cho chị ve chai gần nhà được 30 nghìn  đồng để mua trứng. Mua được 6 quả trứng vịt cho cháu ăn thôi, chứ tôi già rồi ăn uống bao nhiêu nữa đâu", bà nói.

Nhắc đến Diễm My, bà Tuyết bật khóc: "Nó chưa được làm khai sinh chú ạ! Hồi còn đi bán vé số, ngày nào con bé cũng đi theo tôi đi khắp nơi, nắng nôi vất vả...". Nói đến đó, bà im lặng nấc lên, đứa trẻ thấy bà khóc vội lao đến, lặng lẽ ôm lấy bà. 

Chúng tôi cũng lặng im. Trong lều chỉ còn tiếng nấc của bà Tuyết và tiếng gà kêu vọng vào.

Tiễn chúng tôi ra về, bà Tuyết bảo chỉ mong chóng hết dịch bệnh để hai bà cháu tiếp tục được đi bán vé số, có tiền sống qua ngày. Nhưng ước mơ lớn nhất là bé Diễm My được đi học như bao đứa trẻ khác. "Cháu nó được học hành đàng hoàng thì có chết tôi cũng yên lòng", bà nói.

Video: Xót cảnh hai bà cháu sống trong lều nát cạnh chuồng gà ở TP.HCM

Nhật Linh - Minh Tuấn

Tin mới