Bức ảnh chụp tại quán bar Fat Lady's Arms, được dựng lên bên trong căn cứ của lực lượng đặc nhiệm Australia ở Tarin Kow, thủ phủ tỉnh Uruzgan, Afghanistan.
Một bức ảnh khác ghi lại cảnh hai binh sỹ ôm chiếc chân giả nhảy nhót trong quán bar này.
Những hình ảnh này xác nhận các thông tin trước đây về việc các binh sỹ dùng chân làm "cốc uống bia".
Một số binh sỹ nói việc này được các sỹ quan cấp cao chấp nhận, thậm chí một số còn tham gia với cấp dưới.
Bức ảnh được cho là chụp vào năm 2009. (Ảnh: Guardian Australia)
Quân đội Australia cấm mang chân, tay của các tay súng ra khỏi chiến trường.
Chiếc chân giả này được cho là của một chiến binh Taliban chết trong cuộc tấn công của lực lượng đặc nhiệm Australia vào căn cứ của nhóm phiến quân ở Kakarak, Uruzgan tháng 4/2009.
Sau đó, nó được mang về và cất giữ tại Fat Lady’s Arms.
Một số binh sỹ cho biết các chỉ huy cấp cao thi thoảng sẽ ghé Fat Lady’s Arms nên có thể dễ dàng quan sát thấy chiếc chân giả và việc nó được dùng làm đồ đựng đồ uống.
Thông tin về các bức ảnh gây tranh cãi này được đăng tải vài ngày sau khi một báo cáo công bố gần đây cho thấy có “bằng chứng đáng tin cậy” về tội ác chiến tranh do lực lượng đặc nhiệm Australia gây ra ở Afghanistan.
Một cuộc điều tra chính thức kéo dài 4 năm chỉ ra rằng, một số binh sĩ thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Không quân Australia (SAS) và các trung đoàn biệt kích đã sát hại 39 dân Afghanistan trong thời gian tham chiến ở Afghanistan. Chi tiết gây sốc này khiến chính phủ và quân đội Australia phải xin lỗi Kabul và người dân Afghanistan.
Binh sỹ Australia nhảy múa cùng chiếc chân giả. (Ảnh: Guardian Australia)
Australia cũng đã tước quân tịch ít nhất 10 binh sỹ liên quan tới vụ việc.
Báo cáo trên không đề cập tới chiếc chân giả trong bức ảnh nhưng có nhắc tới Fat Lady’s Arms. Tài liệu này khẳng định sự tồn tại của quán bar này cho thấy sự dung túng cho các hành vi khó chấp nhận cũng như coi thường kỷ cương trong quân ngũ.
Cựu luật sư quân sự Glenn Kolomeitz cho biết theo luật của Khối Thịnh vượng chung mà Australia là thành viên, việc đánh cắp tài sản mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu có thể bị phân loại vào tội cướp bóc chiến tranh. Hình phạt tương ứng là 20 năm tù.
Không rõ những người lính trong ảnh có phải chịu hình phạt nào hay không.
Phía quân đội Australia chưa lên tiếng bình luận về bức ảnh.