Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xóm đồ cũ Sài Gòn và công nghệ 'mông má' đồ bỏ đi thành sang chảnh

Không chỉ biến đồ cũ thành mới, thợ còn cẩn vỏ ốc, vỏ trai vào gỗ theo đúng “mốt” ngày xưa, khiến món đồ gỗ cũ rích trở nên sang trọng và giá trị.

Cũ mà… chảnh

Đời sống hiện đại, những gì “mới” là người ta tìm cách để sở hữu, thế nhưng chẳng phải cái chi tân thời cũng được lòng thượng đế. Slogan “càng cũ, càng cổ, càng đắt” quả không sai với dân trót đam mê thú chơi đồ gỗ cũ.

Theo chỉ dẫn của dân chơi đồ cũ, chúng tôi tìm đến tiệm Huy Cường. Tiệm nằm ở một góc khá khuất trên đường Trần Não (quận 2), dưới chân cầu Sài Gòn. Chẳng bảng hiệu đèn led, xác định tiệm nhờ vào tiếng đục đẽo quanh năm của nhóm thợ mộc. Ở Sài Gòn, đây là địa chỉ khá quen thuộc với những ai yêu đồ gỗ xưa, từ những nhà kinh doanh sộp cho tới người hành nghề buôn bán nhỏ.

Những món đồ xưa cũ luôn có sức hút riêng.

Bên trong căn nhà dài rộng và thiếu sáng, những bộ bàn, ghế, tủ, bàn thờ, kệ ti-vi, sập gụ tủ chè, câu đối đại tự... xếp san sát chật kín hết lối đi. Kiểu bán hàng ở đây cũng lạ, không nhân viên, chẳng người hướng dẫn… Khách vừa đi vừa ngắm, thấy cái nào thích thì hỏi giá, chịu thì mua. Tuyệt nhiên chẳng có trả giá hay chê đắt rẻ.

Người chơi các loại đồ gỗ xưa xuất phát từ nhiều lý do. Người giàu có muốn sở hữu những món đồ “độc”; có người mua về sưu tầm, được giá thì “gả” kiếm chút tiền cà phê; có người đến cửa hàng đồ gỗ cũ xem cho biết, cho “đỡ ghiền” cái thú ngắm đồ cổ… Và cũng có khi, mua đồ cũ vì nó gắn với những ký ức tuổi thơ.

Chị Trà My (nhân viên ngân hàng, quận 1) tâm sự: “Gia đình tôi ở miền Bắc, tuổi thơ tôi gắn bó với những cái bàn, cái tủ cổ kính. Cái bàn xưa là nơi tôi chong đèn học bài và có nhiều kỷ niệm với nó nên tôi mua về để trong phòng làm việc. Thỉnh thoảng nhìn chiếc bàn tôi lại thấy bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ ùa về...”.

Tại một cửa hàng đồ gỗ cũ trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), vừa mân mê chiếc chân đèn cầy chạm khắc cầu kỳ, anh Lê Văn Hào (45 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) thổi phù lớp bụi, từng vân gỗ lộ ra, bóng loáng. Con mắt tinh đời cho anh biết món đồ có tuổi thọ không hề ít.

Giá ngàn đô chứ không rẻ đâu. Mua về “mông má” lại, đưa lên trang bán hàng nước ngoài, có khi “vớ khẳm” - anh Hào bỏ nhỏ. Hào kể anh không phải dân buôn, chẳng qua là thích nên sưu tầm, gặp ai hợp duyên thì nhượng cho vui. Như có lần anh mua được bức tranh xưa vẽ cảnh 8 con ngựa phi nước đại với ý nghĩa “Mã đáo thành công” chỉ 1.000 USD, sau nhượng lại cho một đại gia bất động sản, đút túi gần 10.000 USD.

 Công nghệ “mông má”

Nhiều năm trong nghề “săn” đồ gỗ cũ, anh Võ Văn Tư (ngụ quận Bình Tân) bộc bạch, sở dĩ đồ xưa cũ “sống” được là do người sử dụng ngán đồ tân thời nhập từ các nước, tuy mẫu mã đa dạng nhưng chất lượng thua một trời một vực. “Gần đây có khách hàng đến gặp tôi phàn nàn, mấy loại đồ tân thời giờ muốn kiểu gì cũng có, nhưng xài vài năm là xuống cấp, lỗi thời lại phải thay. Chi bằng mua mấy bộ bàn ghế xưa cũ xài bền mà chẳng bao giờ lỗi mốt, lỗi thời cả” - anh kể.

Các loại đồ gỗ xưa cũ thường làm bằng gỗ rất tốt như lim, gụ, sến, lát hoa... 30-40 năm tuổi, thậm chí có món tuổi cả 100 năm. Hoa văn họa tiết được chạm trổ công phu, tinh xảo, khác xa so với đồ gỗ hiện đại và khó có thể bị “copy” về kiểu dáng. Công sức bỏ ra cho một món đồ lắm khi cả tháng, cả năm trời nên những món đồ đều mang cái hồn, cái dáng vóc riêng đặc biệt.

Anh Bùi Ngọc Thạch, một thợ chuyên “tân trang” đồ gỗ cũ bật mí, công đoạn chà nhám trước khi bắt tay “mông má” đồ cũ rất quan trọng. Công đoạn này nếu gặp thợ non tay nghề, chà nhám không sạch và nhẵn màu cũ của gỗ thì quá trình “làm đẹp” coi như công cốc. Sau khi chà nhám bằng nước, mặt phẳng của đồ gỗ phẳng lỳ không tỳ vết, màu cũ cũng không còn nữa, nhưng những vết nứt lộ rõ. Lúc này, họ tỉ mỉ dùng mạt cưa (loại mịn nhất) trám vào những vết nứt rồi nhỏ từng giọt keo 502 vào. Đợi khô, tiếp tục chà nhám bằng nước để làm nhẵn bề mặt vừa trét kín.

Người thợ tỉ mỉ “tân trang” một chiếc rương gỗ cũ.

 

Nước sơn cũng là khâu cực kỳ quan trọng trong việc làm mới đồ cũ. Không thể phủ sơn PU như hiện nay mà phải dùng đúng loại véc-ni của thời trước. “Quá trình làm “áo” cho sản phẩm không quan trọng. Quan trọng nhất là pha véc-ni cho phù hợp với màu gỗ” - anh Thạch chia sẻ.

Người thợ sẽ dùng một nhúm bông gòn khá to thấm véc-ni, nhúng vào bột đá và đánh thật đều lên bề mặt tủ. Nước véc-ni đi đến đâu, màu gỗ nguyên bản của chiếc tủ được phục hồi đến đó. Đôi khi việc “mông má” trở nên vô cùng phức tạp khi cái bàn, cái tủ... thiếu đi một chân hay mất hẳn một cánh cửa... Việc tìm loại gỗ phù hợp để thay thế trở nên khó khăn. Lắm lúc tìm không ra, họ phải thay thế một loại gỗ có tính năng và vân gỗ tương tự để sản phẩm giữ nguyên giá trị.

Không chỉ biến đồ cũ thành mới, người thợ còn cẩn vỏ ốc, vỏ trai vào gỗ theo đúng “mốt” ngày xưa. Những chiếc tủ thờ, hay bộ bàn ghế được làm từ các loại gỗ tốt như cẩm lai, gõ mật, đinh hương, vàng tâm... Sau khi cẩn, sản phẩm trở nên sang trọng và giá trị.

Xóm đồ cũ

Sài Gòn hiện còn khá nhiều hộ sống bằng nghề kinh doanh đồ gỗ cũ, mà người ta quen gọi với cái tên: Xóm “sê-cân-hen”. Ngã tư Phạm Văn Hai - Bùi Thị Xuân (quận Tân Bình) hiện còn gần 30 hộ sống bằng nghề kinh doanh đồ gỗ gia dụng đã qua sử dụng. Hay con hẻm 124 đường Phạm Thế Hiển (quận 8) hơn 20 cửa hàng thu mua, tái chế đồ phế phẩm, đồ gỗ gia dụng…

Chị Nguyễn Mộng Thoa (54 tuổi), một người kỳ cựu trong việc buôn bán đồ gỗ trần tình: “Sau năm 1975, cuộc sống trở nên khó khăn, nhiều gia đình phải cầm cố và bán tháo những chiếc tủ, cái bàn… trong nhà để trang trải cuộc sống. Chúng tôi thu mua, rồi để dành bán lại cho người khá hơn. Mua qua bán lại, cảm thấy “sống được” nên theo nghề luôn”.

Quanh những con đường nhỏ ngoằn nghèo ở Sài thành, thi thoảng vẫn nghe tiếng rao: “Ai có bàn cây, tủ cây, giường cây… bán không…”. Đó là đội quân chuyên thu mua đồ gỗ cũ. Họ đi từng hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn, rồi đến các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long…

Vẫn có những câu chuyện truyền tai nhau, nhiều người đổi vận thành “đại gia” do mua hời được nhiều bộ đồ gỗ quý và hiếm mà người bán không hề biết. “Bây giờ tìm mua những loại đồ gỗ kiểu xưa khó lắm. Ai muốn mua phải đặt hàng trước. Nếu may mắn sở hữu được một bộ đồ xưa cũ mới là đẳng cấp” - anh Tịnh Đỗ, chủ cơ sở mua bán đồ gỗ cũ trên đường Phan Huy Ích (quận 12) nói.

Theo ông Lê Xuân Lộc (65 tuổi) - một người sành đồ gỗ, nét khác biệt nhất ở đồ cổ và giả cổ là nét mộc. Nét mộc ngày xưa làm bằng thủ công toàn bộ, các chi tiết không đều nhau nhưng trong đó vẫn nhìn thấy sự sắc sảo. Còn nét mộc hiện nay đều răm rắp, đẹp lại không bằng. Về mặt chuyên môn, đồ cổ dùng kỹ thuật “đóng mộng”, tối kỵ đóng đinh, đánh vít… 

Hầu hết gỗ ngày xưa đều được phơi nắng một cách kỹ lưỡng nên độ bền rất lâu. Mặt khác, phần lớn sản phẩm được làm từ loại gỗ quý hiếm nên không mối mọt. Đồ gỗ bây giờ đa số làm bằng ván ép và gỗ dán nên độ bền thấp, chưa kể khi gặp nước rất dễ bong tróc”, ông Lê Xuân Lộc cho hay

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới