Chuyện một quan chức mới đây được điều động, chỉ định giữ chức vụ lãnh đạo thành phố thu hút sự quan tâm của dư luận mấy ngày nay, một phần vì ông là con trai lãnh đạo cấp tỉnh, và chuyên ngành mà ông được đào tạo ở bậc đại học là cờ vua. Trên mạng xã hội, nhiều người nhấn mạnh về điều này khi tỏ ý nghi ngờ có yếu tố “con ông cháu cha” trong quan lộ của ông này.
Tôi không bàn tới chuyện quan chức đó được chỉ định làm lãnh đạo địa phương có đúng quy trình hay không, bởi đây là việc của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Tôi chỉ muốn nói, đừng vì nghi ngờ về quan lộ của ai đó mà có những lời chua chay, mai mỉa đối với cờ vua như một số người đang làm trên mạng xã hội. Mặt khác, chẳng có gì bất hợp lý khi một người được đào tạo về cờ vua sau đó làm công việc khác, bao gồm cả việc phục vụ trong các cơ quan Đảng, chính quyền.
Thực tế xã hội những năm qua cho thấy, có một tỷ lệ không nhỏ những người được đào tạo ngành A nhưng khi ra trường lại làm công việc thuộc ngành B. Cô em họ tôi học Sư phạm nhưng sau đó không đi dạy mà kinh doanh rất giỏi. Một nhà báo tôi quen tốt nghiệp Đại học Bách khoa, trong khi người bạn khác học về báo chí nhưng sau đó lại làm thầy giáo.
Điều này cho thấy cuộc sống vốn có nhiều lối rẽ bất ngờ; con người có khả năng thích ứng rất cao với những thay đổi của cuộc sống và cả của chính nhu cầu bản thân nữa. Càng dễ thích ứng để thay đổi, khả năng thành công trên đường đời càng lớn.
Để có thể làm công việc khác với ngành mình được đào tạo, họ sẽ phải học thêm rất nhiều kiến thức, rèn luyện thêm kỹ năng, sẽ phải đối mặt và vượt qua nhiều thử thách, khó khăn mới có thể tồn tại và phát triển trong lĩnh vực vốn không phải của mình. Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi một người từng học ngành này nhưng sau đó lại nổi tiếng trong ngành khác. Cờ vua cũng vậy thôi.
Đó là chưa kể, cờ vua là môn thể thao của trí tuệ. Tôi không tin ai đó dốt mà chơi giỏi môn này. Đọc sách xưa sẽ thấy người giỏi chơi cờ rất được coi trọng, bởi bàn cờ được xem là nơi đấu trí, là nơi so tài về chiến lược, chiến thuật, nơi thể hiện khả năng cầm quân, khả năng làm chủ cục diện và xoay chuyển tình thế.
Bàn cờ cũng là nơi nhiều chính trị gia phương đông cổ đại thăm dò khả năng, tính cách, phong cách hành sự của đối thủ… Cũng vì thế mà những chuyện gay cấn, đầy kịch tính diễn ra trên chính trường, chiến trường, thương trường…. vẫn thường được ví với bàn cờ, ván cờ.
Và ngay cả khi chơi cờ chỉ đơn giản là chơi cờ mà thôi, nó càng cần được tôn trọng, những người học môn này cũng vậy, như mọi bộ môn, ngành nghề khác. Chuyện con ông cháu cha, nếu có, thì đáng phê phán, nhưng bản thân cờ vua không có lỗi. Và cái chuyện “nếu có” ấy là câu chuyện khác, không liên quan đến cờ vua.
(*) Ý kiến độc giả không nhất thiết trùng với quan điểm của VTC News.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.