Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xiaomi Redmi Note 11 dùng cảm biến kém chất lượng để tiết kiệm chi phí

(VTC News) -

Dù biết cảm biến tiệm cận ảo vẫn chưa hoàn thiện, Xiaomi vẫn sử dụng trên nhiều thiết bị từ năm 2016 tới nay, trong đó có series Redmi Note 11 mở bán hồi đầu năm.

Redmi Note 11 series được Xiaomi mở bán tại Việt Nam từ đầu năm 2022 gồm 4 thiết bị: Redmi Note 11, Note 11s, Note 11 Pro và Note 11 Pro 5G. Hiện tại, một số người dùng tại Việt Nam cũng như trên thế giới thường xuyên phàn nàn về lỗi do cảm biến tiệm cận ảo trên máy gây ra trong quá trình sử dụng.

Theo công bố của Xiaomi, hãng sử dụng loại cảm biến ảo do Elliptic Labs cung cấp. Đây là đối tác quen thuộc của nhà sản xuất điện thoại này từ năm 2016, cung cấp giải pháp cảm biến ảo trên nhiều dòng máy khác nhau như Mi Mix 2, Mi 10T, Mi 10T Pro, Mi 11 series. Tuy nhiên, cũng như Redmi Note 11 series, các thiết bị này đều gặp sự cố về cảm biến.

Redmi Note 11 dùng cảm biến ảo chưa hoàn thiện.

Cụ thể, cảm biến ảo của Elliptic Labs sử dụng loa và micro để thay thế cho cảm biến tiệm cận phần cứng. Nhưng trong nhiều trường hợp, đặc biệt khi sử dụng máy ở môi trường nhiều tiếng ồn, công nghệ này cho thấy nhược điểm khi micro không thể thu và phân tách được âm thanh phát ra từ loa để thực thi lệnh tắt màn hình, thường ứng dụng khi người dùng đưa máy lên gần tai để nghe cuộc gọi. Lúc này, màn hình liên tục sáng bất thường dù được thiết kế phải tắt trong suốt quá trình nghe gọi.

Nhiều người dùng, kể cả nhóm sử dụng các dòng máy mang thương hiệu Poco (cũng của Xiaomi) và dòng Note, cho biết còn gặp tình trạng máy tự nhận hoặc hủy cuộc gọi đến, một số buộc phải thực hiện nhiều thao tác để có thể tắt cuộc gọi. Trên các trang tin quốc tế, nhiều phản ánh của người dùng trên thế giới liên quan đến cảm biến tiệm cận ảo trên thiết bị Xiaomi cũng được đăng tải.

Ngoài việc hoạt động không hiệu quả khi để màn hình sáng trong quá trình đàm thoại, người dùng còn báo cáo về tình trạng máy tự xác định đang được đưa gần lên mặt rồi tắt âm thanh hoặc cúp máy. Số khác lại rơi vào cảnh điện thoại không sáng màn hình khi muốn kết thúc cuộc gọi do cảm biến "hiểu nhầm" vẫn đang trong quá trình gọi điện.

Dù trang bị trí tuệ nhân tạo và được quảng cáo bằng những lời "có cánh" từ nhà sản xuất, loại cảm biến này vẫn tự ý khóa chức năng cảm ứng và không tỏ ra hiệu quả trong việc tiếp thu, học hỏi thói quen của người dùng trong quá trình sử dụng thời gian dài.

Xiaomi từng xác nhận vấn đề gây phiền phức cho người dùng trên một số thiết bị của hãng và cũng đề cập tới kế hoạch làm việc với nhà cung cấp khác nhằm xử lý vấn đề, tuy nhiên thực tế hãng vẫn chưa làm được điều mình nói.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng cảm biến ảo mang lại lợi ích về thiết kế cũng như tiết kiệm chi phí cho nhà sản xuất. Việc loại bỏ cảm biến tiệm cận (phần cứng) giúp hãng có thể kéo phần màn hình điện thoại ra sát viền hơn, đồng thời giảm chi phí cho ít nhất một linh kiện và tận dụng phần cứng có sẵn khác để làm thay chức năng.

Bên cạnh đó, ứng dụng cảm biến ảo còn giúp Xiaomi vào vị thế của một nhà tiên phong trong triển khai công nghệ mới. Những lợi ích đó có thể là nguyên nhân để hãng bỏ qua những lời than phiền của người dùng từ năm 2016 tới nay.

Thực tế, một số hãng sản xuất điện thoại khác đã sử dụng cảm biến ảo trên thiết bị của mình, nhưng chỉ làm với máy thuộc dòng cấp thấp, không đưa lên dòng trung hay cao cấp như cách làm của Xiaomi với Redmi Note 11 series hay các máy Mi. Lý do bởi họ hiểu rằng cảm biến phần cứng dù tốn chi phí hơn nhưng đáng tin cậy, trong khi cảm biến ảo chưa hoàn chỉnh và không muốn đánh đổi sự tiết kiệm đó để mang tới trải nghiệm xấu cho người dùng.

Khánh Linh

Tin mới