Chiều 1/10, TAND TP.HCM tuyên án các bị cáo trong vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty VN Pharma.
Cụ thể, Võ Mạnh Cường (cựu Giám đốc Công ty H&C) bị tòa tuyên án 20 năm tù; Nguyễn Minh Hùng (cựu Tổng giám đốc VN Pharma) 17 năm tù; Nguyễn Trí Nhật (cựu phó tổng giám đốc VN Pharma) 12 năm tù; Ngô Anh Quốc (cựu Phó tổng giám đốc VN Pharma) 11 năm tù; Phan Xuân Thiện (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) 7 năm tù; Phạm Văn Thông (dược sĩ) 5 năm tù; Phan Cẩm Loan (cựu Phó trưởng phòng xuất nhập khẩu VN Pharma) 7 năm tù; Bùi Ngọc Duy (cựu trưởng phòng nghiên cứu và phát triển VN Pharma) 6 năm tù; Lê Vũ Phương (nguyên kế toán trưởng VN Pharma) 5 năm tù; Phạm Quỳnh Trang (nguyên nhân viên công ty H&C) 4 năm tù; Phạm Anh Kiệt (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn) 3 năm tù; Hoàng Trúc Vy (cựu nhân viên phòng nghiên cứu và phát triển VN Pharma) 3 năm tù cho hưởng án treo.
Võ Mạnh Cường (cựu Giám đốc Công ty H&C) bị tòa tuyên án 20 năm tù.
Ngoài ra, HĐXX cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ hoặc làm các nghề liên quan đến y tế trong vòng 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Còn với hơn 6 tỷ đồng là tiền chênh lệch do nâng khống giá thuốc, HĐXX tuyên tịch thu sung công quỹ. 9.300 hộp thuốc H-Capita bị tịch thu tiêu hủy.
Ngoài ra, HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra nhanh chóng điều tra Raymundo (quốc tịch Philippines) và một số người liên quan đến vụ án.
"Raymundo có vai trò rất lớn, là người cung cấp thuốc H-Capita và hồ sơ giả. Đối tượng này cũng nhiều lần sang Việt Nam. HĐXX đề nghị sớm làm rõ đối tượng này để điều tra xử lý, theo quy định pháp luật", HĐXX nêu kiến nghị.
Chủ tọa phiên tòa nói: "Việc hồ sơ kỹ thuật thuốc được thuê viết là sai quy định. Tòa đề nghị Cục Quản lý Dược rà soát lại quá trình quản lý quá trình này, tránh các trường hợp sai phạm gây ảnh hưởng tới giá cả và chất lượng thuốc".
Quá trình xét xử, ông Ngô Nhật Phương có 10 tài liệu liên quan công văn 77 là tài liệu chưa giải mật và ông Phương đã thừa nhận điều này. VKSND TP.HCM cho rằng có dấu hiệu làm lộ bí mật nhà nước khi cá nhân không có thẩm quyền có được tài liệu mật của Bộ Y tế.
"VKS đề nghị cơ quan điều tra làm rõ việc này. Tòa chuyển kiến nghị của VKS cho cơ quan điều tra", chủ tọa cho biết.
HĐXX nhận định các nhân viên làm thủ rục thông quan, một số nhân vật ở nước ngoài đã hết thời hạn điều tra nên cơ quan điều tra cần tách ra xử lý sau ở một vụ án mới. Sai phạm ở Cục Quản lý Dược là nghiêm trọng, cơ quan điều tra cũng tách ra thành vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" để xử lý theo quy định của pháp luật.
HĐXX cho biết, sai phạm ở Cục Quản lý Dược là nghiêm trọng, cơ quan điều tra sẽ tách ra thành vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo HĐXX, về nội dung vụ án, tại phiên tòa, đa số các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội.
HĐXX khẳng định H-Capita là thuốc giả vì vậy cáo trạng của Viện KSND TP.HCM truy tố là phù hợp. HĐXX phân tích, thuốc là hàng hóa đặc biệt nên không thể dựa vào ý kiến các bên, mà phải dựa vào kết quả điều tra cũng như các căn cứ pháp luật.
Trong khi đó, kết quả điều tra thể hiện thuốc không có nguồn gốc sản xuất tại Canada. Bởi, trên các thùng hàng thuốc có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay của Ấn Độ và dán tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore, phù hợp với văn bản trả lời ủy thác của Singapore.
Qua kiểm tra, mã vạch, mã số in trên vỏ hộp thuốc không được đăng ký bởi quốc gia nào, vì vậy các bị cáo đã giả về xuất xứ, giả về hồ sơ thuốc… phù hợp với quy định pháp luật như VKSND TP.HCM đề cập.