Sáng 31/10, sau khi đề nghị mức án với 3 bị cáo là Trần Văn Lâm, Đinh Ngọc hệ và Phùng Danh Thắm, đại diện VKS Quân sự Trung ương cho rằng, ông Cung Đình Minh (Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) dù không liên quan đến phần kháng cáo nhưng là người đại diện 30% vốn góp của Tổng công ty Thái Sơn tại Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng nên cần phải xử lý.
Trong các biên bản họp, ông Cung Đình Minh cùng bị cáo Đinh Ngọc Hệ và một số cổ đông khác như Vũ Thị Hoa, Vũ Thị Hoan đồng ý thế chấp 4 xe ôtô biển xanh, biển quân sự.
Phiên xét xử phúc thẩm Đinh Ngọc Hệ cùng các đồng phạm.
Do đó, đại diện VKS Quân sự Trung ương đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý ông Cung Đình Minh và những cá nhân khác có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Đinh Ngọc Hệ, đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật.
Theo hồ sơ vụ án, biết Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng có chủ trương mở rộng thị trường, tháng 7/2009, Đinh Ngọc Hệ lúc đó là Phó trưởng phòng kinh doanh đã trao đổi với Cung Đình Minh đề nghị Ban Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn cho thành lập pháp nhân mới.
Ngày 5/8/2009, Đại tá Phùng Danh Thắm ký quyết định về việc đầu tư góp vốn, ủy quyền cho Cung Đình Minh là người đại diện vốn của cổ đông quản lý 30% cổ phần.
Trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2016, lợi dụng danh nghĩa là người đại diện phần vốn góp của Tổng công ty Thái Sơn tại Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng, Đinh Ngọc Hệ đã báo cáo không trung thực về hoạt động của công ty cổ phần, mạo nhận chức năng nhiệm vụ phục vụ kinh tế quốc phòng để xin được thi công các dự án, công trình trọng điểm quốc gia.
Trong phiên xét xử sáng nay, VKS thấy dù bị cáo Đinh Ngọc Hệ không thừa nhận hành vi nhưng xét lời khai của các bị cáo Bùi Văn Tiệp, Trần Xuân Sơn có đủ cơ sở xác định Hệ chính là người chỉ đạo thực hiện hành vi nói trên để trốn tránh bị xử phạt, gây thất thoát ngân sách hơn 1,4 tỷ đồng. Hành vi phạm tội của bị cáo đã rõ ràng, tòa sơ thẩm tuyên là có căn cứ pháp luật.
Còn việc bị cáo Đinh Ngọc Hệ cho rằng, bản thân không cố ý sử dụng bằng giả, nhưng VKS Quân sự Trung ương xét thấy, việc cựu thượng tá quân đội sử dụng bằng giả là có chủ đích.
Bị cáo không học, không thi, song lại sử dụng bằng giả trong các hồ sơ của mình để nâng lương, phong quân hàm sĩ quan, biết sai vẫn làm. Về tình tiết này, tại phiên sơ thẩm, Hệ đã thành khẩn khai báo nên có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ.
Đinh Ngọc Hệ còn kháng cáo đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ vì bản thân có nhiều bằng khen, giấy khen. Quá trình nghiên cứu hồ sơ, đại diện VKS nhận thấy nội dung này là có cơ sở.
Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm.
Về kháng cáo từ "kêu oan" sang xin giảm nhẹ tình tiết của ông Phùng Danh Thắm (cựu đại tá, cựu tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) tại buổi xét xử phúc thẩm, VKS cho rằng ông đã không làm tròn trách nhiệm của mình, buông lỏng quản lý, thiếu giám sát để Hệ có những sai phạm rất nghiêm trọng. Tòa sơ thẩm kết tội bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, ông Thắm phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi, là người đóng góp lớp cho sự phát triển cho nền kinh tế nói chung và kinh tế quốc phòng nói riêng nên đại diện VKS đề nghị HĐXX quyết định một hình phạt khác nhẹ hơn với ông Thắm.
Đối với kháng cáo của Trần Văn Lâm (Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P), VKS Quân sự trung ương khẳng định, việc Lâm xin được hưởng án treo là hoàn toàn không có căn cứ, bởi Lâm thực hiện hết những chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ.
Tòa sơ thẩm xử phạt bị cáo 5 năm tù là đã cân nhắc, xem xét rất nhiều. Từ những cơ sở trên, đại diện VKS quân sự Trung ương đề nghị giữ nguyên mức án đối với Trần Văn Lâm.