Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xét xử trực tuyến phải bảo đảm nguyên tắc công khai, đúng pháp luật

Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình, việc thực hiện xét xử trực tuyến vẫn bảo đảm nguyên tắc trực tiếp, công khai và bảo đảm nguyên tắc tố tụng.

Thời gian gần đây, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, do thực hiện giãn cách xã hội, nhiều Toà án không thể đưa vụ án ra xét xử theo thời gian luật định. Việc này làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tư pháp, quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Để giải quyết vấn đề này, Toà án nhân dân tối cao đã chủ động xây dựng dự thảo Quy chế tổ chức xét xử trực tuyến trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Xét xử trực tuyến là xu hướng tất yếu

Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng, tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0, và cũng nằm trong lộ trình xây dựng Toà án điện tử, việc phải sớm tổ chức xét xử trực tuyến với nhiều loại án khác nhau cũng là cam kết của Tòa án nhân dân tối cao với các tổ chức tòa án quốc tế. Phiên tòa xét xử trực tuyến không hề ảnh hưởng gì đến chất lượng xét xử cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên.

Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình. (Ảnh: TTXVN)

“Việc thực hiện xét xử trực tuyến (do ở xa, dịch bệnh, tội phạm nguy hiểm…) vẫn bảo đảm nguyên tắc trực tiếp, công khai, liên tục, bằng lời nói, có sự chứng kiến của các bên và bảo đảm nguyên tắc tố tụng. Nếu làm được thì đáp ứng thực tiễn hiện nay, nhất là trong tình hình dịch bệnh phức tạp khó lường”- Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình nói.

Theo nội dung Dự thảo, phiên tòa được mở tại tòa án với thành phần tham gia là HĐXX, VKS, luật sư... đảm bảo điều kiện giãn cách. Các bị cáo sẽ không phải dẫn giải đến tòa, mà được ngồi tại phòng xét xử tại cơ sở giam giữ và việc xét xử tuân theo các thủ tục tố tụng bình thường.

Về án hình sự, chỉ xét xử sơ thẩm các bị cáo phạm các tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng nhưng chứng cứ rõ ràng. Trong đó, chỉ xét xử phúc thẩm đối với những bị cáo bị cấp sơ thẩm kết tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng mà bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, cải tạo không giam giữ hoặc đương sự đề nghị tăng mức bồi thường. Còn đối với các vụ án dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình thì sẽ xét xử những vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, tài liệu chứng cứ đầy đủ.

Theo Dự thảo này, những vụ án hình sự, các bị cáo bị truy tố ra tòa ở khung tội danh đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ không xét xử trực tuyến. Còn với án hình sự phúc thẩm thì không xét xử trực tuyến các bị cáo kháng cáo kêu oan hoặc kháng cáo đề nghị xem xét trả hồ sơ vụ án, đề nghị làm rõ các tình tiết chưa được làm rõ trong phiên tòa sơ thẩm.

Ngoài ra, tòa cũng không xét xử với những vụ án có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài; vụ việc phải có sự tham gia của người phiên dịch và các tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia; tội phạm xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; tội xâm phạm chức vụ, xâm phạm hoạt động tư pháp, xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân… Dự thảo về quy chế xét xử cũng nêu ra những yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất đối với hoạt động xét xử trực tuyến, quy định về tố tụng trong việc đưa vụ án ra xét xử trực tuyến…

Đánh giá về đề án này, Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn Án lệ Toà án nhân dân tối cao cho rằng, đề án xét xử trực tuyến của Tòa án nhân dân tối cao đã được nghiên cứu tương đối toàn diện cả về căn cứ pháp lý, thực tiễn trong nước và nước ngoài, phù hợp xu thế tất yếu trong thời đại số, là một bước đi quan trọng nhằm xây dựng Toà án điện tử như một phần cam kết của Tòa án Việt Nam tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN cho đến năm 2025.

Đề án này mang tính cấp thiết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang có những diễn biến vô cùng phức tạp, nghiêm trọng và khó lường trên phạm vi toàn thế giới và ở Việt Nam, ảnh hưởng đến hoạt động xét xử bình thường của ngành Toà án.

Nhiều nước trên thế giới đã xét xử trực tuyến

Luật sư Phạm Trung Hoài cho rằng, cá nhân ông và Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc Toà án nhân dân tối cao xây dựng Quy chế tổ chức phiên toà, phiên họp trực tuyến. Bởi lẽ, hiện nay nhiều quốc gia đã triển khai thành công mô hình Tòa án điện tử, số hoá các tài liệu trong hồ sơ vụ án, hệ thống quản lý án, hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật… trong hoạt động tại Tòa án, mang lại nhiều thuận lợi cho người dân trong khả năng tiếp cận công lý, hoạt động quản lý và xét xử của Tòa án được nhanh chóng.

Ông Hoài và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến, cung cấp cho bộ phận nghiên cứu Đề án các tài liệu, sơ đồ, yếu tố kỹ thuật của việc xét xử trực tuyến, Sổ tay luật sư tham gia xét xử trực tuyến trên cơ sở hỗ trợ của một số tổ chức luật sư như Hoa Kỳ, CHLB Đức, Nhật Bản.

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn Án lệ Toà án nhân dân tối cao

Vị luật sư này cũng cho rằng, thực tế, với số lượng các vụ án hình sự được điều tra, truy tố, xét xử lên tới hàng trăm ngàn vụ án hằng năm, áp lực về đảm bảo thời hạn điều tra, tạm giam, xét xử, tôn trọng và bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội ngày càng lớn. Do diễn biến dịch bệnh kéo dài, có những vụ án hình sự lớn đã phải hoãn lịch xét xử tới 4 - 5 lần và khả năng tiếp tục phải hoãn xử còn kéo dài. 

“Phần lớn các trại tạm giam của Bộ Công an và TP.HCM đã chuyển lên huyện Củ Chi với khoảng cách rất xa xôi với các tòa. Hơn nữa, điều kiện giam giữ tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam hiện nay đang rất khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh. Nếu tiếp tục phiên tòa xét xử trực tiếp sẽ dẫn đến nguy cơ không đảm bảo nguyên tắc phòng chống, dễ làm lây lan dịch bệnh, không đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người tiến hành và tham gia tố tụng. Vì vậy có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, luật sư và của cả cộng đồng xã hội”- luật sư Phạm Trung Hoài nói

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ luật sư, theo ông Hoài, việc chuyển sang hình thức xét xử trực tuyến một số vụ án hình sự là cần thiết nhưng vẫn phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản và trình tự thủ tục mà Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định, trong đó vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi xét xử trực tuyến phải được chú trọng một cách đặc biệt.

Ngoài ra cũng cần lưu ý trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật và không gian mạng còn hạn chế ở vùng miền núi, dân tộc, hoặc chưa phủ kín, việc liên thông giữa Toà án với các chủ thể khác tham gia phiên toà, cơ sở giam giữ, chỗ ngồi, phương tiện kết nối, tính bảo mật, riêng tư.

“Điều quan trọng nhất trong các điều kiện tổ chức phiên toà, phiên họp trực tuyến là phải có sự đề nghị hoặc đồng ý của đương sự, bị cáo hoặc cơ sở giam giữ và Viện kiểm sát, sự phù hợp về điều kiện vật chất và kỹ thuật của phòng xử án. Kinh nghiệm từ CHLB Đức cho thấy, các thiết bị kỹ thuật mà cơ quan tư pháp sử dụng phải tương thích với các hệ thống khác để liên lạc cũng như các thiết bị truyền tải hình ảnh và âm thanh mà luật sư, các cơ quan chức năng khác và các bên tham gia tố tụng sử dụng”- luật sư Hoài phân tích thêm.

Cần có bước đi và lộ trình thích hợp

Qua theo dõi Dự thảo Quy chế tổ chức xét xử trực tuyến trình, các chuyên gia pháp lý, những nhà hoạt động trong lĩnh vực tư pháp hoan nghênh ủng hộ việc xét xử trực tuyến để bảo đảm tính hoạt động thường xuyên, liên tục của quyền lực tư pháp, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích của Nhà nước cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…Tuy nhiên việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là điều mới mẻ, do vậy cần có những bước đi, lộ trình thích hợp, trước mắt có thể xét xử một số vụ án hình sự theo thủ tục rút gọn và ở những nơi có có đội ngũ thẩm phán giỏi về nghiệp vụ, thành thạo về công nghệ thông tin và có trang thiết bị và  nền tảng công nghệ đảm bảo.

Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương.(Ảnh: VPQH)

Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương cho rằng, dự thảo góp phần giảm thời gian và kinh phí. Theo ông, việc xét xử trực tuyến chỉ áp dụng với vụ án ít nghiêm trọng, có chứng cứ rõ ràng là hợp lý. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, mặc dù xét xử trực tuyến, nhưng điều quan trọng phải bảo vệ quyền lợi các bị cáo trong các vụ án kể cả dân sự và thương mại. Tức là, chúng ta nên hỏi ý kiến xem bị cáo có đồng ý cho xét xử trực tuyến hay không?

Vì đây là lần đầu tiên tổ chức trực tuyến, nên theo nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, nhiệm vụ của cơ quan tố tụng phải giải thích cho bị cáo hiểu và thuyết phục bị cáo tham gia. Bên cạnh đó, cần phải chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng, trình độ năng lực người tham gia xét xử trực tuyến.

Theo Trung tướng Đô, lâu nay thư ký phiên tòa chỉ có một người cán bộ văn phòng ghi chép, nhưng nếu xét xử trực tuyến cần có thêm một thư ký về mặt kỹ thuật để phòng trường hợp mất mạng và đảm bảo cung cấp tài liệu phiên tòa lên mạng, tránh trường hợp kết nối đường truyền không đảm bảo. Cuối cùng, Trung tướng Độ cho rằng việc xét xử trực tuyến này chỉ nên áp dụng thời gian dịch bệnh.

Về vấn đề này, ông Trần Khắc Hoàng, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng: Cần áp dụng xét xử trực tuyến vừa đảm bảo được giải quyết các loại án đúng thời hạn vừa hạn góp phần hạn chế rủi ro lây nhiễm trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vừa giảm chi phí, nhưng vì đây là hình thức xét xử chưa có quy định trong tố tụng nên trước mắt cần có một văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, và chỉ nên áp dụng với các vụ án hình sự, hoặc những vụ án đơn giản

“Xét xử trực tuyến nên áp dụng với các vụ án đơn giản, tuy nhiên do liên quan đến pháp luật tố tụng nhưng trong luật chưa ghi nhận, ít nhất cũng phải có hướng dẫn cụ thể của Tòa án tối cao”- ông Trần Khắc Hoàng nói.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Về vấn đề này, tại phiên họp Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương mới đây, khi cho ý kiến về đề án đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến tại Tòa án là tất yếu, đặc biệt về việc này không trái với đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng như phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới nên cần có bước đi và cách làm thận trọng chặt chẽ. 

Chủ tịch nước cho rằng, xét xử trực tuyến chỉ là một biểu hiện cụ thể của xét xử trực tiếp với sự hỗ trợ công nghệ thông tin, còn yêu cầu của một phiên tòa vẫn theo pháp luật. Tuy nhiên, khái niệm này cần phải được Thường vụ Quốc hội, các cơ quan có liên quan khác làm rõ. Trước hết, chủ yếu là hành chính dân sự, tranh chấp thương mại và một số vụ hình sự cần thiết chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm để cho nó chặt chẽ và lộ trình bước đi cho nó tốt, không tránh sơ suất.

Nguyễn Hiền (VOV.VN)

Tin mới