TAND TPHCM xử sơ thẩm vụ sai liên quan Dự án cao tốc TPHCM – Trung Lương. 20 bị cáo bị xét xử 3 tội danh “Vi phạm quy định về sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đại diện VKSND Tối cao và Viện KSND TP.HCM tham gia phiên tòa là ông Nguyễn Mạnh Thường, ông Lê Hữu Ngọc, ông Tô Hữu Thông, bà Trần Thị Liên và ông Ngô Phạm Việt... Tòa đã triệu tập 6 luật sư bào chữa cho ông Thăng; Cựu thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường có 2 luật sư bào chữa; Ông Đinh Ngọc Hệ có 5 luật sư bào chữa.
Bị cáo Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường và các bị bị cáo khác tại phiên tòa sáng nay.
Chủ tọa thẩm tra tư pháp các bị cáo, ông Đinh La Thăng là người đầu tiên trả lời thẩm vấn. Theo ông Thăng, sau khi học xong hệ 10/10, ông học đại học. Ra trường ông làm nghề kế toán, về sau thì làm quản lý.
Ông Thăng cũng không nhớ mình bị khai trừ Đảng lúc nào. Ông Thăng cũng trả lời là mình bị 2 bản án tuyên phạt chung 30 tù, nhưng không nhớ rõ ngày, tháng nào tòa án tuyên phạt ông.
Trả lời chủ tọa, ông Nguyễn Hồng Trường, 63 tuổi, cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải khai trước khi bị bắt tạm giam, ông là Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Ông Trường cùng bị xét xử tội danh và khung hình phạt như ông Đinh La Thăng. Hành vi của ông Trường trong vụ án là xuất phát từ động cơ nể nang trong quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, nên đã có hành vi sai phạm..
Bước lên bục khai báo, bị cáo Đinh Ngọc Hệ phủ nhận tên gọi khác là "Út trọc"và khẳng định lại mình chỉ có một tên gọi, các tên khác trong các bản án đã xét xử là không đúng.
Tiếp đó, chủ tọa tiếp tục phần thẩm tra lí lịch của các bị cáo khác trong vụ án; đại diện VKS công bố bản cáo trạng.
Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, ứng ngân sách nhà nước hơn 9.800 tỉ đồng để triển khai, nên việc bán quyền thu phí là bán tài sản Nhà nước.
Với vai trò là Bộ trưởng, người đứng đầu được giao quản lý tài sản trong đó có quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ông Đinh La Thăng đã ký văn bản đề nghị tìm kiếm đối tác để bán quyền thu phí. Nắm rõ các quy định của pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước và chuyển giao quyền thu phí, nhận thức rõ đây là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt lớn nhưng ông Thăng đã làm trái với quy định của Nhà nước.
Cuối tháng 12/2013, Công ty Yên Khánh do Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc – nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) thành lập, được công bố trúng thầu mua quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương 5 năm (2014 - 2019) với giá hơn 2.000 tỉ đồng. Sau khi trúng đấu giá quyền thu phí, Đinh Ngọc Hệ có nhiều hành vi cắt giảm, che giấu doanh thu nhằm chiếm đoạt, gây thất thoát hơn 725 tỉ đồng của nhà nước.
Bộ Giao thông Vận tải được xác định là bị hại trong vụ án. HĐXX đã triệu tập 14 pháp nhân và 11 cá nhân tới tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Theo dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 25/12.