Thẩm phán Nguyễn Thành Nhân (Chánh án TAND huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) làm việc trong ngành tòa án ngót nghét vài chục năm nay. Ngần ấy thời gian ông đã xét xử hàng trăm vụ việc nhưng vụ việc làm ông “bối rối” nhất là tham gia xét xử vụ tranh chấp 4 con bò giữa hai người nông dân.
Trụ sở TAND huyện Thạch Hà, nơi diễn ra phiên xét xử tranh chấp bò hi hữu.
Vào cuối tháng 8/2020, Tòa án nhân dân huyện Thạch Hà đưa ra xét xử vụ án dân sự tranh chấp 4 con bò giữa nguyên đơn là gia đình ông D.Đ.H (trú tại xã Lưu Sơn Vĩnh) và bị đơn là ông H.S.C (trú tại xã Thạch Xuân).
Theo trình bày của nguyên đơn, gia đình ông có 9 con bò thả nuôi tại khu vực Đá Dóc gần nhà. Hàng ngày, ông và người em trai ruột luân phiên đến khu vực chuồng thả bỏ đi ăn đến tối đưa bò về chuồng.
Sáng 7/5/2020, ông H. đến chuồng thả bò đi ăn, đến tối ông đưa bò về thì đếm thiếu mất 3 con bò (trong đó có 1 con bò đã mang bầu được 8 tháng). Ông cùng gia đình tổ chức đi tìm kiếm nhưng không thấy.
Đến 12/5, anh D.C.Q (con trai của ông H.) đi tìm bò tại một cách đồng ở xã Thạch Xuân phát hiện 3 con bò của gia đình bị mất đang ăn cỏ cùng đàn bò của ông H.S.C.
Ngay sau đó, ông H. trình báo chính quyền xã Lưu Sơn Vĩnh, đồng thời cùng người em trai đến gặp ông C. để nhận lại bò bị mất nhưng ông C. không đồng ý. Ông C. cũng khẳng định đó là bò của gia đình ông bị thất lạc từ trước mới tìm về được.
Đàn bò tranh chấp trong vụ án dân sự giữa hai hộ dân.
Chánh án Nhân cho biết, sau khi thụ lý đơn khởi kiện của ông D.Đ.H, tòa án đã thành lập hội đồng thẩm định với sự tham gia của các cán bộ ngành chăn nuôi, thú ý và đại diện chính quyền địa phương để xem xét, định giá tài sản tranh chấp.
Trong thời gian giải quyết tranh chấp, một trong 2 con bò cái sinh ra 1 con bê, nâng số lượng bò tranh chấp lên 4 con, tổng giá trị gần 40 triệu đồng.
“Hội đồng thẩm định phải vào tận chuồng bò để đếm răng xác định độ tuổi của bò, ghi nhận các đặc điểm, xem xét cơ chế hình thành lỗ và vết rách trên tai bò… một cách cẩn thận, tỉ mỉ” - ông Nhân nói.
Tại một số buổi hòa giải, ông H. đề nghị đưa ra một số phương pháp truyền thống để xác định chủ nhân của đàn bò như tổ chức đưa các con bò đang tranh chấp ra giữa hai đàn bò của hai gia đình, nếu số bò tranh chấp đi theo đàn bò của gia đình nào thì gia đình ấy được quyền nhận bò.
Hoặc là đưa đàn bò tranh chấp đến cách nhà ông H. khoảng 100m nếu nó chủ động về nhà ông H. thì xác định số bò đó của nguyên đơn. Tuy nhiên, bị đơn là ông C. không đồng ý nên buộc ông H. phải khởi kiện ra tòa.
Xét nghiệm AND bò tìm chủ sở hữu
Trong quá trình tranh chấp, các bên liên quan tham gia ghi lời khai, nhận dạng bò để xác định ai là chủ nhân. Trong đó, có đề cập đến một chi tiết chung là tai của một con bò cái có dấu vết nhận dạng riêng.
Ông D.Đ.H. cho biết, nguyên nhân hình thành lỗ tròn và vết rách trên tai phải con bò cái là do ông dùng máy ghim để bấm lỗ, sau đó cắt một đường từ lỗ bấm đến viền tai, mục đích là để đánh dấu bò.
Chánh án TAND Thạch Hà Nguyễn Thành Nhân.
Trong khi đó, ông C. khai rằng, nguyên nhân tai bò bị rách là do quá trình con bò bị sinh vật cắn, vết thương mưng mủ để lại lỗ thủng trên tai bò. Con trai ông dùng lưỡi lam để cạo vết thương, do con bò quật mạnh nên bị lưỡi lam rạch làm tai đứt một đường.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu, tại buổi xét xử, HĐXX nhận định lời khai của ông H. có tính thống nhất cao hơn và trùng khớp với các đặc điểm thực tế của bò được phản ánh tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ.
Còn lời khai của ông C. có sự không thống nhất giữa lời khai ban đầu tại công an xã và lời khai tại tòa, một số chi tiết, đặc điểm của bò ông C. phản ánh không đúng thực tế…
Mặc dù đã có nhiều cơ sở để xác định chủ nhân của số bò trên, tuy nhiên để thận trọng hơn, ông H. đề nghị trưng cầu giám định huyết thống (ADN) để xác định quyền sở hữu đàn bò.
Theo đó, tòa án đã ban hành quyết định trưng cầu giám định, lấy mẫu mô của một trong những con bò đang tranh chấp được đánh đấu M1 và mẫu mô của một con bò theo trình bày của ông H. là con (do bò M1 đẻ ra) mà hiện nay ông H. đang nuôi giữ, được đánh dấu M2 gửi Viện chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) xét nghiệm.
Kết quả khẳng định, mẫu M1 có quan hệ huyết thống mẹ con với mẫu M2. Từ các nhận định kể trên, HĐXX buộc ông C. phải trả lại 4 con bò đang tranh chấp cho bên nguyên đơn là ông H.
Theo chánh án Nhân, trong vụ án này mặc dù tài sản tranh chấp không nhiều nhưng cũng gây ra nhiều khó khăn cho tòa án cũng như khiến HĐXX phải “đau đầu” khi đưa ra phán quyết vì tính chất phức tạp của nó.
Mặt khác, bản thân cán bộ tòa án không có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y, nên trong quá trình giải quyết phải tự mày mò, nghiên cứu cũng như tranh thủ ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, mất rất nhiều thời gian mới có phán quyết cuối cùng.