Xe tập lái là loại phương tiện được thiết kế và sử dụng cho mục đích đào tạo lái xe ô tô. Xe tập lái có một số đặc điểm khác biệt so với xe ô tô thông thường để đảm bảo an toàn cho người học lái và những người tham gia giao thông khác.
Điều 37 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, xe tập lái, người thực hành lái xe và giáo viên dạy thực hành phải đảm bảo các điều kiện sau đây khi thực hành lái xe:
- Học viên lái xe tập lái phải có và đeo phù hiệu “Học viên tập lái xe” khi lái xe tập lái, giáo viên dạy thực hành phải đeo phù hiệu “Giáo viên dạy lái xe” khi giảng dạy
- Giáo viên dạy thực hành phải ngồi bên cạnh người thực hành để bảo trợ tay lái cho người thực hành lái xe
- Xe tập lái phải có mui che mưa, nắng; có ghế ngồi chắc chắn trên thùng xe cho người học
- Xe tập lái phải được cấp Giấy phép xe tập lái
- Xe tập lái phải gắn biển xe “TẬP LÁI” trên xe, phải ghi tên, số điện thoại cơ sở đào tạo ở mặt ngoài hai bên cánh cửa hoặc hai bên thành xe
- Phải trang bị thêm bộ phận hãm phụ trên xe tập lái
Ô tô dán biển "Tập Lái" gây tai nạn tại TP Hải Phòng.
Những quy định này nhằm đảm bảo an toàn khi xe tập lái tham gia giao thông trên sân tập lái cũng như ở ngoài đường, hạn chế tối đa rủi ro cho người đang thực hành lái xe và người đang tham gia giao thông ngoài đường.
Khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
Vì đặc thù là xe tập lái, người lái xe là người đang được đào tạo về kỹ năng lái xe, chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống khi tham gia giao thông, do đó pháp luật quy định khi tham gia giao thông ngoài đường bằng xe tập lái thì phải có giáo viên dạy thực hành bảo trợ tay lái ngồi trên xe để hướng dẫn người thực hành lái xe.
Việc người đang thực hành lái xe ngoài đường như thế nào, vận tốc ra sao thì giáo viên dạy thực hành có trách nhiệm hướng dẫn để người thực hành lái xe điều khiển xe đúng pháp luật và bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, khoản 8 Điều 37 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định, giáo viên dạy thực hành để học viên thực hành lái xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm đó.
Do vậy, trường hợp xe tập lái gây tai nạn hoặc đi sai luật, vi phạm các quy định tại Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì trách nhiệm đóng phạt sẽ được quy về cho giáo viên đang ngồi bảo trợ trên xe.
Theo đó, CSGT hoàn toàn có quyền xử lý vi phạm đối với xe tập lái với trường hợp xe tập lái vi phạm pháp luật giao thông đường bộ và người phải chịu đóng phạt là giáo viên dạy thực hành.