Theo Bulgarian Military, quyết định hiện đại hóa đội xe tăng của Ấn Độ là một động thái chiến lược kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở châu Âu và Trung Đông đang diễn ra. Quyết định này đặt ra câu hỏi về tương lai của gần 2.500 xe tăng T-72 do Ấn Độ sản xuất. Hiện tại, Ấn Độ đang dần loại bỏ các xe tăng T-72, vốn được sản xuất theo giấy phép của Liên Xô.
Các kế hoạch xuất khẩu xe tăng T-72 đang được Ấn Độ triển khai. Một quan chức cấp cao tuyên bố: "Những chiếc xe tăng này sẽ được hiện đại hóa trước khi xuất khẩu, tạo cơ hội cho các quốc gia ở châu Phi, Trung Đông và Đông Nam Á tiếp nhận và sử dụng". Quá trình đại tu những chiếc T-72 sẽ diễn ra tại Nhà máy Xe hạng nặng ở Avadi, nơi đã từng sản xuất chiếc xe tăng này từ trước khi chuyển sang T-90 vào những năm 2000.
Mặc dù gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt, Ấn Độ vẫn có cơ hội lớn để bán các xe tăng T-72. Một trong những lợi thế của T-72 là sự phổ biến trên toàn cầu, điều này tạo ra một thị trường rộng lớn, với nhiều khách hàng bày tỏ sự quan tâm tới chiếc xe tăng này.
Theo các chuyên gia quân sự, Nga có thể là quốc gia tiềm năng nhất tiếp nhận các xe tăng này. Trong nhiều năm qua, Nga đã tái trang bị lại hàng nghìn xe tăng từ kho lưu trữ của mình, vốn bị loại bỏ sau thời kỳ hậu Xô Viết. Dù Nga tuyên bố đang tăng sản lượng xe tăng T-90M lên hơn 100 chiếc mỗi tháng, nhưng Nga vẫn bày tỏ quan tâm đến việc mua thêm T-72.
Xe tăng T-72.
Một câu hỏi đặt ra là liệu Ấn Độ có thể vượt qua được những áp lực từ phương Tây, để chuyển giao vũ khí trực tiếp cho Nga hay không? Nếu không, Ấn Độ sẽ phải tìm cách xuất khẩu qua các nước thứ ba.
Vai trò trung gian của Ấn Độ
Ấn Độ đã nổi lên với vai trò như một trung gian quan trọng trong xuất khẩu dầu khí của Nga. Một ví dụ điển hình là Ấn Độ nhập khẩu dầu thô Nga với giá chiết khấu. Năm 2023, Ấn Độ trở thành khách hàng chính của dầu khí Nga, với hơn nửa tỷ thùng dầu thô được nhập khẩu chỉ trong nửa đầu năm. Theo dữ liệu từ công ty phân tích Kpler, nguồn cung dầu từ Nga cho Ấn Độ đã tăng gấp hơn mười lần so với trước xung đột, sau đó Ấn Độ đã bán lại các sản phẩm như dầu diesel cho châu Âu và tránh được các lệnh trừng phạt trực tiếp từ phương Tây.
Ngay cả khi đối mặt với lệnh trừng phạt quốc tế, Ấn Độ vẫn mua dầu Nga với giá dưới giá thị trường chỉ từ 20 đến 35 USD mỗi thùng, tiết kiệm khoảng 3,6 tỷ USD chỉ trong năm 2023. Điều này đã dẫn đến sự chỉ trích từ EU, khi các quốc gia châu Âu đang kêu gọi tiến hành các biện pháp nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn nguồn thu từ năng lượng của Nga.
Các nhà máy lọc dầu chính của Ấn Độ, như nhà máy tại Jamnagar, tiếp nhận dầu thô của Nga và chuyển đổi thành các sản phẩm như dầu diesel, xăng và nhiên liệu máy bay. Năm 2023, châu Âu đã đạt kỷ lục khi mua các sản phẩm tinh chế từ Ấn Độ với 231.800 thùng mỗi ngày, tăng 115% so với năm trước. Hà Lan và Pháp là những khách hàng lớn nhất mua nhiên liệu Ấn Độ, chiếm lần lượt 24% và 23% tổng sản lượng tinh chế.
Mặc dù EU cấm nhập khẩu trực tiếp dầu thô và sản phẩm từ Nga, nhưng việc các nhiên liệu tinh chế này được mua từ Ấn Độ cho thấy những lỗ hổng trong quy định trừng phạt. Nga vẫn duy trì được doanh thu bằng cách xuất khẩu sang Ấn Độ, sau đó đáp ứng nhu cầu nhiên liệu của thị trường châu Âu, đặc biệt là dầu diesel.
Xe tăng T-72 của Ấn Độ.
Một chiến thuật khác để né tránh lệnh trừng phạt là sử dụng "hạm đội bóng tối" – đó là những con tàu của Nga được tắt tín hiệu định vị và che giấu hành trình để vận chuyển dầu tới các khách hàng như Ấn Độ và Trung Quốc. Nhờ đó, nguồn cung dầu của Nga vẫn duy trì, dù bị các lệnh trừng phạt quốc tế.
Tuy nhiên, Nga gặp khó khăn với các hạn chế tiền tệ. Bởi Ấn Độ mua dầu Nga bằng đồng rupee, khoản tiền này rất khó chuyển đổi trên quy mô rộng hơn, hạn chế khả năng sử dụng của Nga. Tháng 9/2023, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thừa nhận Nga đang tìm cách đầu tư số tiền rupee này vào kinh tế Ấn Độ, thay vì sử dụng cho nhu cầu quân sự và ngân sách trước mắt.
Hiện tại, Nga đang giữ nhiều đồng rupee, đồng tiền không có nhiều tác dụng bên ngoài Ấn Độ. Trong khi đó, Ấn Độ sở hữu hàng nghìn xe tăng có thể xuất khẩu ra toàn cầu, bao gồm cả Nga. Với nền kinh tế phát triển mạnh, Ấn Độ dường như không lo ngại về các lệnh trừng phạt tiềm tàng, đặc biệt nước này cũng chuẩn bị đầu tư hàng trăm tỷ USD vào vũ khí và hệ thống phòng thủ từ phương Tây trong thập kỷ tới.