Theo Russia Beyond, công nghệ này có tên là “Chameleon” – Tắc kè hoa, nó được phát triển dựa trên dựa trên chất liệu kính điện sắc – bao gồm các vật liệu tổng hợp có thể thay đổi màu sắc và độ trong suốt khi có dòng điện tác động.
Công nghệ Chameleon lần đầu tiên được giới thệu tại Diễn đàn kỹ thuật và quân sự quốc tế Army 2018, trên một bộ trang phục chiến đấu Ratnik dành cho quân đội Nga. Và đầu tháng 10 vừa qua, hãng tin RIA Novosti cho biết Bộ Quốc phòng Nga đã bắt đầu thử nghiệm Chameleon trên một số mẫu phương tiện chiến đấu bọc thép của nước này.
Về nguyên lý hoạt động của Chameleon, phần bên ngoài của phương tiện sẽ được bao phủ hoàn toàn bằng các tấm kính điện sắc nhỏ sử dụng chung nguồn cấp năng lượng. Xe bọc thép được trang bị máy quay và hệ thống quét hình ảnh toàn bộ môi trường xung quanh, sau đó phân tích màu sắc, cấu trúc cảnh quan và đưa ra các dữ liệu cho lớp phủ để tạo ra một hình ảnh ngụy trang mới cho phép nó hoàn toàn hòa lẫn với địa hình khi nhìn từ nhiều góc độ khác nhau.
Bộ trang bị Ratnik với công nghệ ngụy trang Chameleon được giới thiệu tại Army 2018. (Ảnh: Daily Mail)
Nguyên tắc này bắt nguồn từ cách thức ngụy trang của động vật hoang dã, chẳng hạn như tắc kè hoa hay bạch tuộc thường xuyên đổi màu cơ thể để phù hợp với môi trường xung quanh. Cho ví dụ, một con bạch tuộc di chuyển từ vùng sẫm màu sang vùng sáng màu, nó sẽ nhanh chóng thay đổi màu sắc trên da.
Xe tăng ‘vô hình’ - bài toán khó dành cho NATO
“Công nghệ này không mới, nó đã được sử dụng trong lĩnh vực dân sự suốt một thời gian dài. Kính điện sắc đôi khi được lắp đặt trong các phòng họp tại một tòa nhà hay văn phòng. Khi phòng họp không có người kính sẽ trong suốt còn khi có người nó sẽ ngả màu. Nhưng chắc chắn nó sẽ có sự đổi mới khi được ứng dụng vào lĩnh vực quân sự”, Denis Fedutinov, Tổng biên tập của tạp chí Unmanned Aviation cho biết.
Cũng theo ông Fedutinov cho biết công nghệ của Chameleon được kỳ vọng sẽ nhanh chóng tạo ra một lớp ngụy trang mô phỏng cảnh quan một cách chính xác nhất có thể, khó bị phát hiện, đáng tin cậy và có chi phí thấp.
Fedutinov cho rằng, việc các khí tài quân sự quân đội Nga trên mặt đất được trang bị lớp ngụy trang Chameleon sẽ có khả năng ngăn tới 95% nguy cơ bị các máy bay không người lái (UAV) của đối thủ phát hiện.
“Phần lớn các UAV trinh sát thuộc loại máy bay không người lái cỡ nhỏ. Chúng không có phần cứng để xử lý và phân tích dữ liệu hình ảnh đến, cả trên hệ thống trên không hoặc trong hệ thống điều khiển mặt đất. Việc phân tích dữ liệu được thực hiện trực tiếp bởi người điều khiển máy bay không người lái, tức là con người”, Fedutinov giải thích rằng sẽ thực sự rất khó để phát hiện và xác định các khí tài được ngụy trang bằng lớp phủ đặc biệt như Chameleon.
Công nghệ mới sẽ giúp xe tăng Nga khó bị phát hiện hơn trên chiến trường. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)
Theo chuyên gia này, lớp phủ của Chameleon như tắc kè hoa có thể đặc biệt hiệu quả khi UAV luôn giữ một khoảng cách nhất định trong quá trình do thám bởi chúng không muốn bị phòng không đối phương phát hiện. Ngoài ra, lớp phủ này có thể dễ đánh lừa những vũ khí của đối phương được trang bị hệ thống dẫn đường quang học.
“Đối với những tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường quang học, quá trình tự động khóa mục tiêu có thể bị gián đoạn do hiệu ứng từ kính phủ điện sắc”, Fedutinov nhấn mạnh
Tuy nhiên, Chameleon không phải là giải pháp bảo vệ tối ưu cho tất cả khí tài quân sự Nga, bởi nó chỉ dễ qua mắt những UAV trinh sát đơn giản. Nếu một UAV sử dụng công nghệ trinh thám hoạt động ở nhiều dải sóng khác nhau thì điều này sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả của lớp ngụy trang này.
Bất chấp hạn chế trên, Fedutinov tin rằng Chameleon vẫn được coi là một thiết bị giúp bổ trợ sức mạnh cho quân đội Nga, khi mang đến cơ hội sống sót cao hơn so với những thiết bị ngụy trang thông thường trong chiến đấu. Trong một cuộc đối đầu trực diện giữa hai lực lượng bộ binh cơ giới ngang tầm, bên nào được trang bị Chameleon thì bên đó sẽ có lợi thế hơn khi “phát hiện – tấn công”.
Điểm yếu của ‘tắc kè hoa’
Đại diện của một trong những nhà sản xuất UAV hàng đầu tại Nga cho biết, các máy bay không người lái thuộc lớp công nghệ cao, được tích hợp hệ thống trinh sát và giám sát tiên tiến, cùng hệ thống tự động xử lý, phân tích thông tin sẽ phát hiện ra Chameleon.
Theo chuyên gia này, những máy bay không người lái như vậy, thậm chí không được trang bị camera ảnh nhiệt, mà chỉ có cảm biến quang học, vẫn có thể phát hiện ra những phương tiện được ngụy trang bằng Chameleon. Các camera có độ phân giải cao và các thuật toán tự động để xử lý thông tin sẽ giúp ích cho việc này.
Các UAV sử dụng công nghệ tiên tiến vẫn có thể phát hiện ra các khí tài dưới mặt đất dù chúng có được ngụy trang kỹ đến đâu đi nữa.
Bên cạnh đó, những máy bay không người lái đắt tiền được tích hợp công nghệ AI (trí thông minh nhân tạo) và hệ thống cảm biến hiện đại có thể dễ dàng xác định được một chiếc xe hơi bên dưới mặt đất do hãng nào chế tạo ngay giữa một thành phố đông đúc phương tiện qua lại, thậm chí nó không cần phải nhìn thấy toàn bộ hình ảnh của chiếc xe.
“Các máy bay không người lái tiên tiến hơn được được tích hợp công nghệ AI và các cảm biến tinh vi dễ dàng xác định được một chiếc xe tăng dù chỉ cần quan sát nòng pháo, dấu vết của bánh xe, ăng-ten hay khí thải của xe tăng… Nói cách khác mọi chi tiết nhỏ nhất trên chiếc xe tăng không được ngụy trạng sẽ khiến nó bị lộ”, vị chuyên gia cho biết.
Nhưng ngay cả trong trường hợp như vậy, công nghệ ngụy trang mới nếu được sử dụng trên quy mô lớn vẫn tạo ra những thách thức cho người điều khiển máy bay không người lái, vũ khí hàng không hay thiết bị quan sát quang học trên mặt đất.
“Nếu Nga sử dụng công nghệ Chameleon trên quy mô lớn, các nước NATO sẽ phải nghĩ cách tăng chi tiêu cho việc nghiên cứu, phát triển công nghệ AI và hệ thống xử lý dữ liệu lớn hơn cho UAV cùng các hệ thống trên mặt đất”, chuyên gia này cho biết.