Nhan nhản xe hợp đồng trá hình
Trong vai hành khách tìm xe về Nga Sơn (Thanh Hóa), có mặt tại Nhà văn hóa quận Bắc Từ Liêm (số 29, đường Võ Quý Huân) lúc 14h ngày 6/12, PV được một người bán nước đối diện giới thiệu, tại đây, mỗi ngày chỉ có duy nhất một chuyến xe về Thanh Hóa vào sáng sớm và quay ngược trở lại Hà Nội ngay, chỉ 14h30 - 15h là về đến đây.
“Muốn đi, em phải có mặt từ khoảng 5h sáng, nếu chỉ gửi đồ thì đến trong giờ xe đi, về đều được”, người bán nước nói.
Đúng như người này nói, chỉ ít phút sau, một chiếc xe SAMCO loại 30 chỗ màu đỏ BKS 29B-178.31 xuất hiện. Quan sát của PV, ngay khi chiếc xe dừng tại khu vực trước cổng nhà văn hóa, hàng loạt xe ôm, Grab Bike chen chúc nhau bắt khách và nhận hàng chở thuê.
Sau khoảng 15 phút dừng trả khách, chiếc xe khách nhanh chóng được tài xế di chuyển đi chỗ khác nhằm tránh sự “nhòm ngó” từ cơ quan chức năng.
Vừa hỏi lịch trình từ đường Cầu Giấy về xã Nga Vịnh (Thanh Hóa), PV được một “lơ” xe trẻ tuổi đon đả mời chào: “Về Nga Vịnh đúng 5h sáng mai có mặt tại đây (Nhà văn hóa quận Bắc Từ Liêm - PV). Nếu sợ mất công, em chờ ở cầu 361 (Cầu Giấy), khoảng 5h45 xe sẽ tới đón. Vé xe về 80.000 đồng/người”, nhân viên này nói.
Chiều 10/12, tiếp tục liên hệ với một nhà xe chạy lộ trình Hà Nội - Nga Thành (Nga Sơn, Thanh Hóa) qua số điện thoại 0936.867.868, PV được hẹn chờ tại khu vực gầm cầu nút giao Cầu Giấy – Láng. Tuy nhiên, người này nhất quyết từ chối cung cấp vị trí xe đang đứng trước lời đề nghị “Xe anh đang ở đâu, em đến đó luôn để đỡ phải chờ đợi”.
Mặc dù vậy, từ nhiều nguồn thông tin, PV phát hiện được nơi ẩn náu của nhà xe này tại cây xăng số 64 đường Cầu Diễn. Thời điểm PV có mặt tại đây (14h50) cũng là lúc nhà xe vừa trả khách. Chỉ sau chưa đầy nửa tiếng, chiếc xe SAMCO loại 30 chỗ BKS 29B-178.31 nhanh chóng rời “căn cứ”, di chuyển về hướng nội thành.
Trên cung đường di chuyển, chiếc xe liên tục táp vào lề đường bắt khách, trả hàng tại các điểm như: Trước cổng chợ Cầu Diễn, vị trí đối diện cổng nghĩa trang Mai Dịch, tòa nhà 173 Xuân Thủy.
Đúng 15h30, chiếc xe BKS 29B-178.31 đón PV tại Cầu Giấy như đã hẹn. Suốt dọc đường Láng - Trường Chinh - Giải Phóng, “lơ” xe liên tục cầm điện thoại gọi khách ra chờ sẵn và xe tiếp tục dừng đón tại các vị trí: Cầu 361, đối diện số 1.008 đường Láng, khu vực cầu vượt Láng - Láng Hạ, ngã ba Trường Chinh - Vương Thừa Vũ để nhận thêm 3 hành khách. Kỳ lạ là dù chạy xuyên tâm xe vẫn thoải mái chạy mà không hề bị kiểm tra, xử lý từ phía lực lượng chức năng.
Một nhân viên trên xe cho biết, mỗi ngày, nhà xe này có một chuyến từ Hà Nội về xã Nga Thành (Nga Sơn, Thanh Hóa) vào lúc 15h30. Chiều ngược lại, từ Nga Sơn lên sẽ có 2 chuyến/ngày lúc 4h và 11h.
Trước đó, liên hệ qua các số điện thoại 0968.009.436, 0913.026.116, PV còn phát hiện hàng chục xe hợp đồng khác chạy lộ trình tương tự cũng đang hoạt động công khai giữa lòng Hà Nội.
Cũng theo ghi nhận của PV, để qua mặt lực lượng chức năng, một bản hợp đồng ghi danh sách hành khách luôn hiện hữu như một “bùa hộ mệnh” trên tay các “lơ xe”. Khi có hành khách lên xe là những người này lại cặm cụi ghi chép thông tin.
Video: Cận cảnh 'xe dù' Limousine tung hoành khắp ngõ ngách Hà Nội
Trang bị thêm camera để làm căn cứ “phạt nguội”
Trả lời PV, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, sẽ yêu cầu các đội địa bàn lập các tổ xử lý nghiêm xe hợp đồng hoạt động trá hình.
“Theo quy định, xe hợp đồng loại dưới 10 chỗ không bị hạn chế đi vào các tuyến phố nên các xe này vẫn dừng, đỗ đón, trả khách tại khu vực không cấm dừng, đỗ xe. Các nhà xe cũng đối phó ghi chép đầy đủ thông tin hợp đồng vận chuyển, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác xử lý vi phạm”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, để hạn chế tình trạng trên, Thanh tra Sở sẽ phối hợp với Tổng cục Đường bộ VN nghiên cứu, cải tiến phần mềm quản lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; Lắp đặt hệ thống camera giám sát trên các tuyến đường mà những xe này thường xuyên đi qua cũng như trang bị camera hành trình cho các lực lượng chức năng để làm căn cứ phạt nguội.
“Cần sớm hoàn thiện và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó, tăng cường các giải pháp nhằm quản lý chặt loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng để tránh tình trạng các nhà xe đăng ký hoạt động “vận tải hành khách theo hợp đồng” nhưng hoạt động như tuyến cố định; xe hợp đồng hoạt động như taxi; xe hợp đồng hoạt động như xe du lịch”, ông Cường đề xuất.
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội lập biên bản vi phạm hành chính hơn 6.700 trường hợp, phạt tiền 7,6 tỷ đồng, tạm giữ 67 phương tiện, tước GPLX 1.141 trường hợp. Trong đó, 55 trường hợp xe ô tô vận tải hành khách không có phù hiệu theo quy định (xe dù), phạt tiền 220 triệu đồng; 197 trường hợp xe hợp đồng không có hợp đồng vận chuyển, phạt tiền hơn 295 triệu đồng...
Cùng đó, căn cứ thông tin từ Công an thành phố, TTGT và Sở GTVT các tỉnh/thành phố cung cấp, từ đầu năm đến nay, Sở GTVT Hà Nội đã ban hành 13 văn bản xử lý vi phạm, thu hồi phù hiệu có thời hạn của 62 xe khách tuyến cố định.
>>> Đọc thêm: Vì sao xe trá hình ngày càng 'trăm hoa đua nở'?