Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 8/2022 cả nước đã có gần 3.000 ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với lượng ô tô điện của năm 2019. Đến nay, cả nước cũng đã có gần 1,8 triệu mô tô - xe máy điện hoạt động, phục vụ nhu cầu dân sinh hàng ngày.
Cũng chính vì thế, hiện nay hiếm có ngành nào được hỗ trợ nhiều về chính sách thuế như ngành công nghiệp ô tô.
Bà Trần Thị Bích Ngọc - Trưởng phòng Chính sách Thuế xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, từ 1/3/2022 – 28/2/2027, thuế suất thuế TTĐB đối với xe chạy pin, tuỳ theo chỗ ngồi sẽ là 1 - 2 - 3% và từ năm 2027 trở đi sẽ là 4 - 7 - 11%, tương ứng với số chỗ ngồi khác nhau. Trong khi đó, xe xăng sẽ là 15-150%, cao hơn rất nhiều.
Về lệ phí trước bạ, xe điện cũng có ưu đãi rất cao, theo Nghị định 10 mới trình thì quy định lệ phí trước bạ đối với xe chạy pin giảm 100% đối với 3 năm đầu và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo.
“Với những chính sách trên, tôi tin rằng sẽ góp phần lớn khuyến khích người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện vì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều về chính sách thuế, phí”, bà Ngọc cho hay.
Tuy nhiên, hiện nay để phát triển được xe điện, một vấn đề đang được quan tâm là việc xây dựng các trạm sạc điện.
Ông Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc VINFAST bày tỏ, trong quá trình xây dựng trạm sạc chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.
Bộ Khoa học và Công nghệ có quy chuẩn/tiêu chuẩn về trụ sạc nhưng chưa có quy chuẩn tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống/thiết bị bảo vệ trạm sạc. Trong quá trình xây dựng, chúng tôi phải áp dụng tiêu chuẩn tương đương của quốc tế.
Một số khó khăn khác như về vấn đề pháp lý, việc hướng dẫn lắp đặt trạm sạc ở mỗi địa phương cụ thể có hướng dẫn lắp đặt khác nhau, nguồn điện/mức độ cung cấp điện không đồng đều…
"Hiện nay, chúng tôi đang tập trung vào sản xuất trạm sạc cho ô tô điện. Với xe máy, việc sạc tại nhà đơn giản nên chưa tích hợp chung với ô tô. Trong tương lai, VinFast sẽ phát triển trạm sạc để có thể tích hợp cả xe ô tô và xe máy điện”, ông Thắng cho hay.
GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, hiện Việt Nam chưa có quy hoạch lưới điện phục vụ phương tiện dùng điện. Đây là lý do VINFAST bị phản đối vì sợ cháy nổ. Tất nhiên, VINFAST phải tính toán đáp ứng nhu cầu thì mới phát triển hệ thống trạm sạc.
Đương nhiên, hiệu quả sẽ giới hạn. Nếu có quy hoạch lưới điện riêng cho trạm sạc thì sẽ tốt hơn nhiều, hệ thống trạm sạc sẽ tốt hơn, an toàn hơn.
Chia sẻ về tương lai ngành xe điện, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho biết, đây là xu thế mới của thế giới, ở Việt Nam hiện chưa đề cập tới xe thông minh do mới, quá xa so với nhu cầu và thực trạng của Việt Nam.
Trong mục tiêu Quyết định 876 đặt ra có mốc cụ thể, đó là năm 2025, xe buýt thay mới phải xanh. Tới năm 2030, 100% xe chạy điện phải xanh.