Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xe buýt tại TP.HCM như đứa con được nuôi mà không chịu lớn?

(VTC News) -

Với thực trạng hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, nếu xe buýt không có trợ giá thì không doanh nghiệp kinh doanh xe buýt nào sống nổi.

Hiện nay, tình trạng vận tải hành khách công cộng, nhất là xe buýt tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang hoạt động rất ì ạch, lượng khách không đông trong khi ngân sách vẫn phải bỏ ra số tiền khá lớn hàng năm để trợ giá.

Vậy trợ giá hiện nay có còn phù hợp và đây có phải là yếu tốt quyết định để vực dậy xe buýt. Nếu vẫn tiếp tục trợ giá thì cần có chính sách gì, đề xuất các phương thức mới nào… Đó là các vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý có nhiều ý kiến tại Hội thảo “Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng” vừa được tổ chức tại TP.HCM. 

Xe buýt tại TP.HCM ngày càng vắng khách vì kẹt xe, trễ chuyến. (Ảnh: H.K.)

Có mặt tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, “nếu xe buýt không có trợ giá thì không doanh nghiệp kinh doanh xe buýt nào sống nổi”. Lý do mà các doanh nghiệp đưa ra là bởi hiện nay tại TP.HCM và Hà Nội, phương tiện cá nhân dày đặc khiến cho xe buýt “hết đường chạy”; trễ chuyến, chậm chuyến thường xuyên diễn ra khiến cho những người thường chọn phương tiện này để di chuyển chính cũng dần rời xa…

Ông Nguyễn Tấn Tạo, Phó Giám đốc HTX Vận tải số 15, TP.HCM chia sẻ: "Nói thẳng là xe buýt không trợ giá đến thời điểm này là không hoạt động được. Lý do là hiện nay tắc đường dữ lắm rồi. Nếu không có hạn chế xe cá nhân, không có giảm được ùn tắc thì xe buýt cũng sẽ chết, đấu thầu 2- 3 năm sau thì cũng sẽ ngưng".

Ông Lê Đỗ Mười chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: T.N.)

Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cho rằng, không chỉ ở nước ta mà trên thế giới, nếu không trợ giá xe buýt thì không thể nào làm được. Mục đích của vận tải hành khách công cộng là để phục vụ mục đích phát triển KT-XH cho một đô thị, cho một tỉnh, thành phố chứ không phải cho một doanh nghiệp.

Do đó, cần khuyến khích theo hướng nếu doanh nghiệp đủ tiềm lực đấu thầu mà không cần trợ giá thì hoan nghênh. Còn việc trợ giá nhiều hay ít là do doanh nghiệp đề xuất và Nhà nước sẽ xem xét triển khai sao cho trợ giá ít mà mang lại quyền lợi người dân tốt nhất. 

"Người dân giờ không quan tâm chúng ta là ai, khai thác cái gì, ai chạy gì. Làm sao phương tiện tốt, phục vụ tốt, giá rẻ thì tôi đi. Còn chúng ta khẳng định là vận tải khách công cộng phải có trợ giá. Nếu không trợ giá thì sẽ vỡ trận hết toàn bộ các mục tiêu mà chúng ta đưa ra. Và làm sao chúng ta tiệm cận được đến những tuyến nào mà trung hòa được không cần trợ giá thì là tốt, còn lại có những tuyến nào mà trợ giá chúng ta xem xét theo bậc thang, theo điểm và chúng ta tiếp cận nó để trợ giá ít nhất và mang lại quyền lợi cho người dân tốt nhất", ông Lê Đỗ Mười nói. 

Xe buýt tại TP.HCM hoạt động ngày càng èo uột. (Ảnh: H.K.)

Tiến sĩ Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông, cũng nhìn nhận, số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm trợ giá cho xe buýt tưởng là nhiều nhưng thật ra là quá ít nếu so với mức trợ giá ở các nước khác. Theo ông Nam, hiện nay tương lai của xe buýt tại TP.HCM là “bế tắc” và nếu không giải quyết được thì trợ giá hay không không quan trọng nữa bởi xe buýt sẽ biến mất.

"Vấn đề của giao thông công cộng nói chung và xe buýt nói riêng tại TP.HCM như một đứa con được nuôi mà không chịu lớn, càng ngày càng teo tóp đi. Chính quyền TP.HCM lần này là phải giải được bài toán về tương lai của xe buýt bởi nếu xe buýt mà không có tương lai thì giao thông công cộng không đứng được đâu", ông Nam cho hay. 

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM. (Ảnh: T.N.)

Về hiệu quả trợ giá xe buýt tại TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải TP.HCM Võ Khánh Hưng thừa nhận, xe buýt TP.HCM còn hạn chế, đôi khi quên đi chất lượng phục vụ, có kiểm soát nhưng chưa thực sự chặt chẽ. Ở khía cạnh cơ quan quản lý, Sở phải tính toán cho phù hợp và dù có trợ giá hay không thì cũng phải đấu thầu. Ngành giao thông tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý của người dân, chuyên gia, các doanh nghiệp để hài hoà lợi ích. 

"Làm sao phải giải quyết hài hòa. Một mặt báo với các cơ quan cấp trên, nhất là những cơ quan nào cấp phát vốn để làm sao thuyết minh giải trình cho đúng và một mặt nữa phải tiếp thu những ý kiến người dân để phục vụ họ và một mặt phải làm việc với các đơn vị vận tải để làm sao chung quy lại tất cả là tính toán một cách hợp lý và đúng các quy định", ông Hưng nói. 

Theo Trung tâm Giao thông công cộng TP.HCM, hiện toàn TP có 128 tuyến xe buýt, trong đó số tuyến có trợ giá là 91 tuyến, tổng cộng hơn 2.100 xe buýt. Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận 178/322 phường xã, 62 bệnh viện và 236 trường học.

Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng hành khách đạt gần 150 triệu lượt, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 37% so với kế hoạch. Trong đó, khối lượng vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá ước đạt 31 triệu lượt, giảm 20,5% so với cùng kỳ và mới đạt 27,4% so với kế hoạch. Mỗi năm, TP.HCM bỏ ra khoảng hơn 1.000 tỷ đồng để trợ giá xe buýt, năm 2021 là 1.283 tỷ đồng, sau đó chi thêm 150 tỷ đồng.

Hà Khánh (VOV-TP.HCM)

Tin mới