"Có đồng chí mới lên làm chủ tịch tỉnh nghĩ phải để dấu ấn cho nhiệm kỳ của mình... làm tượng đài ngàn tỷ giữa đồng không mông quạnh", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng than phiền.
Mới đây, ông Dũng "lò vôi" quá bức xúc khi doanh nghiệp bị tỉnh Bình Dương gây khó khăn đã phải "tố cáo" chủ tịch UBND tỉnh này. Còn mấy năm trước, có lãnh đạo một tỉnh đã nói với một cán bộ trung ương về cải cách hành chính: "Sau này về hưu, tôi sợ nhất các thủ tục hành chính của các ông".
Đây chỉ là một vài câu chuyện nhỏ trong rất nhiều than phiền về nền hành chính của Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại tổng thể những tiêu chí của một nền hành chính mạnh và tự "chấm điểm".
Ảnh minh họa |
Tính chuyên nghiệp
Nền hành chính mạnh phải thể hiện tính chuyên nghiệp trên 2 khía cạnh. Thứ nhất, là năng lực làm việc tốt, chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức; và thứ 2, các thủ tục, quy trình hành chính cần được quy chuẩn hóa để ai cũng nắm rõ, cũng như kiểm tra được việc thực hiện của cán bộ, công chức.
Thời gian qua, chúng ta chứng kiến không ít văn bản quy phạm mà các cơ quan có thẩm quyền ban hành hay chuẩn bị ban hành còn mắc quá nhiều lỗi, từ ý tưởng đến kỹ thuật. Nào là quy định bán thịt trong 8 giờ đồng hồ, chứng minh thư ghi tên cha mẹ, nào là quy định số vòng hoa viếng người chết, số mâm cỗ cưới...
Những quy định, văn bản "dưới chuẩn" và gây bức xúc này đã cho thấy năng lực khiêm tốn của đội ngũ cán bộ, công chức. Vậy nên, không phải vô cớ mà người ta tính ra có tới 30% công chức "cắp ô".
Con số 30% cho thấy hoặc số công chức này không biết làm việc, ngồi "nhầm chỗ" nhờ là "con cháu các cụ" hay "bạo tiền" chạy chọt. Hoặc có trường hợp biết nhưng không thèm làm, vì tự tin chẳng ai dám đuổi và vì xung quanh cũng nhiều người không làm như mình.
Tính trung thực và khách quan
Nền hành chính phải thể hiện tính trung thực và khách quan trong các quy định cũng như trong quá trình thực hiện công vụ. Một nền hành chính với quá nhiều "lỗ hổng" cho các quy định và cán bộ của mình không thể phát triển.
Thời gian qua, sự buông lỏng quản lý của chúng ta dẫn đến những vụ việc gây chấn động như ăn bớt vắc-xin, "nhân bản" phiếu xét nghiệm, nhà tình nghĩa... Đến nỗi, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phải thốt lên rằng "ăn của dân không từ cái gì".
Ông Đỗ Văn Chỉnh, nguyên Chánh thanh tra, thẩm phán TAND Tối cao, trước những án oan sai, đã nói: Luật của chúng ta quá khó hiểu! Ngay trong ngành tòa án nhiều người xét xử cũng chưa thật khách quan. Tình trạng "chạy án" là có, xong việc xử lý vẫn mang tính nửa vời, lấy lệ khiến người dân không tin tưởng "tố cáo" tiêu cực với các cơ quan công an.
Chi tiêu công thì vô tội vạ, thiếu kế hoạch, tầm nhìn dài hạn dẫn đến gây thất thoát lớn. Bộ trưởng Bộ KHĐT từng than phiền: "Có đồng chí mới lên làm chủ tịch tỉnh nghĩ phải để dấu ấn cho nhiệm kỳ của mình, đề nghị làm đại lộ thật hoành tráng, đập không biết bao nhiêu nhà cửa..., làm tượng đài ngàn tỷ giữa đồng không mông quạnh, xây dựng lãng phí vô cùng".
Nền hành chính phục vụ
Bản thân nền hành chính không trực tiếp tạo ra của cải vật chất. Vai trò chủ yếu của nền hành chính là bảo đảm điều kiện tốt cho các hoạt động tạo ra của cải vật chất cho xã hội của các tổ chức, cá nhân.
Bởi vậy, nền hành chính phục vụ hướng vào người dân, lấy phục vụ người dân làm mục tiêu, chứ không phải nhăm nhăm phục vụ lợi ích riêng cho bản thân. Kiểu quan niệm "quan là quan phụ mẫu, là cha mẹ dân" hay "chăm dân như chăm con" là sai trái, lạc hậu trong thời đại ngày nay, song vẫn còn manh nha tồn tại.
Những ai từng làm thủ tục hành chính ở các cấp phường, quận, thành phố... đều có lúc không hài lòng về kết quả thực thi công vụ của các cán bộ, công chức. Tinh thần làm việc nhìn chung là chậm chạp, thiếu nhiệt tình, gây khó khăn, thậm chí hách dịch, tình trạng làm việc riêng, đi muộn về sớm vẫn phổ biến.
Dường như các công chức của ta vẫn chưa ý thức được rằng đồng lương họ nhận hàng tháng chính là từ những người dân, tổ chức đang xếp hàng dài chờ đợi trong lúc họ "buôn chuyện", gọi điện thoại,... Trong tư duy, họ cho rằng mình cao hơn những người dân kia, có quyền hơn, vì cách nghĩ thế nên khái niệm "phục vụ" rất xa lạ với những người cán bộ, công chức này.
Một nền hành chính phục vụ cũng cần từ bỏ tư duy "xin - cho" đã quá ăn sâu. Cái gì cũng bắt dân "xin", xây sửa nhà cũng phải "đơn xin", cấp giấy tờ cũng "đơn xin", v.v... Tại sao lại là "xin" mà không phải là "đề nghị"?
Bất kỳ quốc gia tiến bộ nào cũng đều mong muốn có được một nền hành chính chuyên nghiệp, trong sạch, dân chủ, khách quan đảm bảo bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả nhằm phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Nhưng điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là đội ngũ lãnh đạo phải có "Tầm", "Tâm", "Tài".
Hiện VN đang trên lộ trình thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020. Hi vọng đội ngũ cán bộ và đặc biệt các nhà lãnh đạo đủ quyết liệt để nhanh chóng xây dựng một nền hành chính tiến bộ, hiện đại, bắt kịp với khu vực, thế giới.
Bác Hồ từng căn dặn: Chính phủ phải lo cho dân, làm cho dân, nếu Chính phủ sai thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Người cũng nói: cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Mong sao các nhà lãnh đạo ai cũng thấm điều đó, nhất là những người có TÂM với dân, với nước.
Theo Tuần Việt Nam