Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xây dựng văn hóa học đường trong trường học

(VTC News) -

Văn hóa ứng xử trong trường học tạo môi trường và động lực phát triển, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, trí tuệ và lối sống tốt đẹp của nhà giáo, học sinh, sinh viên.

Phát biểu tại tọa đàm "Mô hình văn hoá ứng xử trong trường học" ngày 2/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, văn hoá học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và bản thân.

Xây dựng văn hoá học đường phải được coi là vấn đề trọng tâm trong mỗi cơ sở giáo dục, ở đó diễn ra quá trình tương tác giữa thầy cô với học sinh, sinh viên, giữa thầy cô với nhau và giữa học sinh, sinh viên với nhau. Một thành tố quan trọng để làm nên văn hóa học đường đó là hành vi văn hóa ứng xử trong các nhà trường.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh. 

Văn hóa ứng xử trong trường học sẽ tạo môi trường và động lực để phát triển, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, trí tuệ và lối sống tốt đẹp của nhà giáo, học sinh, sinh viên; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Việc xây dựng mô hình văn hoá ứng xử trong trường học là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng văn hóa học đường và trở thành yêu cầu cấp thiết trong việc góp phần thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực trong những năm tới.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng văn hóa ứng xử trong cơ sở giáo dục hiện nay vẫn còn những bất cập. Môi trường văn hoá học đường bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Dư luận xã hội có nhiều quan ngại về sự xuống cấp của môi trường văn hóa xã hội nói chung đã ảnh hưởng không nhỏ trong môi trường học đường.

Để việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học đi vào thực chất, ngành giáo dục mong muốn toàn xã hội cùng triển khai khoa học, đồng bộ, chặt chẽ, phù hợp các giải pháp tạo ra môi trường văn hóa học đường an toàn, lành mạnh, qua đó góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước.

Tại hội nghị, đại diện Sở GD&ĐT TP Hà Nội cũng trình bày quan điểm, quy tắc ứng xử trong trường học là những chuẩn mực, giá trị và hành vi ứng xử văn hóa thông qua các hoạt động giao tiếp, sinh hoạt, làm việc, học tập nhằm điều chỉnh cách thức ứng xử của mọi thành viên trong nhà trường theo thuần phong mỹ tục; tạo môi trường làm việc, học tập thân thiện, hợp tác, trách nhiệm, cởi mở, trung thực, văn minh trong nhà trường.

"Ngành giáo dục và đào tạo đang tiếp tục triển khai dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh thủ đô, và thu được những kết quả rất khả quan. Học sinh hứng thú, yêu thích các tiết học, chuyển biến rõ nét trong cách giao tiếp, ứng xử, đồng thời nhận được sự hưởng ứng đồng tình của cha mẹ học sinh. Hiện nay ngành giáo dục và đào tạo đang xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn và dạy cho các lớp mầm non 5 tuổi trên địa bàn thành phố", đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin.

Theo đại diện trường Đại học Bách khoa Hà Nội, công tác giáo dục văn hóa trường học không thể thành công nếu các nhà trường thực hiện một cách riêng lẻ, độc lập. Hoạt động này, luôn cần có sự phối hợp, chung tay giữa nhà trường, gia đình, các tổ chức chính quyền và xã hội.

Nhà trường cần sự hỗ trợ, phối hợp với chính quyền địa phương trong việc đảm bảo môi trường cảnh quan xung quan trường luôn xanh – sạch – đẹp, an toàn, an ninh trật tự; hạn chế các hàng quán gây mất mỹ quan đô thị, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, các tụ điểm phát sinh tệ nạn xã hội, chơi game gây sao nhãng việc học hành ở xung quanh trường, quản lý sinh viên nội ngoại trú.

"Nhà trường luôn cần Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng sớm ban hành các quy định, hướng dẫn chế tài xử lý cập nhật thực tiễn nhằm hỗ trợ công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa ứng xử, giúp nhận diện, xử lý mang tính dăn đe đối với các nhất ngôn bình luận thiếu văn hóa của sinh viên trên không gian mạng.

Các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin các tấm gương tốt việc làm tốt, hạn chế đăng tải các tổng tin giật gân, gây sốc ảnh hưởng tới nhận thức không tốt của giới trẻ về xã hội và cộng đồng xung quanh", đại diện trường Đại học Bách khoa Hà Nội đề nghị.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo phát biểu tại toạ đàm.

Nói về chủ đề "Tiên học lễ, hậu học văn", PGS.TS Đặng Quốc Bảo cho rằng, phạm trù “Lễ” trong các hệ giá trị được dân tộc Việt Nam coi trọng trong ứng xử của các mối quan hệ xã hội.

Thông điệp “Tiên học lễ, hậu học văn” được truyền ngôn từ thế hệ này qua thế hệ khác, là trụ cột giáo dục đạo đức, lối sống cho con em tại các gia đình có gia phong trong sáng, gia pháp nghiêm minh, gia giáo nền nếp. Thông điệp này được một số nhà trường coi là triết lý phát triển trong hoạt động giáo dục, đào tạo.

Minh Tuệ

Tin mới