Các nhà khoa học từ Mỹ, Anh, Đức, Tây Ban Nha và Trung Quốc đã xây dựng thành công bộ cơ sở dữ liệu gene vi sinh vật toàn cầu đầy đủ nhất từ trước tới nay.
Đây là bước tiến lớn có giá trị đối với hoạt động nghiên cứu vi sinh vật trên thế giới.
Vi sinh vật tồn tại khắp nơi trên Trái Đất. Chúng ở trên da, trong ruột người, ở trong đất, trong các dòng sông và đại dương, tạo thành các quần thể vi sinh vật phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, sự phát triển của bệnh tật và thay đổi sinh thái trên Trái Đất.
Ảnh minh họa. (Ảnh: China Daily)
Danh mục trên là cơ sở dữ liệu gồm 303 triệu unigene (một đoạn DNA đại diện của trình tự gene của sinh vật) của các loài vi sinh vật tại 14 môi trường sống cơ bản, trong đó có cơ thể người và động vật, đất và nước.
Các nhà nghiên cứu cho biết các nghiên cứu vi sinh vật trước đây thường được tiến hành dựa trên các môi trường sống khác nhau như vi sinh vật trên cơ thể người và vi sinh vật trong môi trường biển. Nhưng danh mục này phân tích gene vi sinh vật trong nhiều môi trường sống khác nhau trên Trái Đất.
Trong quá trình thu thập các unigene, các nhà khoa học phát hiện rằng chỉ 5,8% mẫu unigene có thể được xác định ở các môi trường sống khác nhau. Các unigene này thường liên quan đến khả năng kháng thuốc kháng sinh và có thể di truyền từ bộ gene này sang bộ gene khác.
Cơ sở dữ liệu đáng quý này sẽ giúp các nhà nghiên cứu hiểu hơn mối quan hệ giữa vi sinh vật với sức khỏe con người. Bộ danh mục này đã được công bố trên tạp chí Nature.
Zhao Xingming, người đứng đầu nhóm AI y sinh tại Viện nghiên cứu Khoa học và công nghệ về Trí tuệ bắt chước não bộ, của Đại học Phúc Đán (Thượng Hải, Trung Quốc) cho biết cơ sở dữ liệu gene vi sinh vật toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác quan hệ giữa vi sinh vật với sức khỏe con người.
Ông cho biết thêm rằng dựa trên danh mục này, nhóm nghiên cứu của ông có thể nghiên cứu sâu hơn về tác động của vi sinh vật đến khả năng nhận biết và hành xử của não người.