Bộ Công Thương cho biết, theo thông báo số 172 ngày 14/10/2023 của Văn phòng Chính phủ về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014, Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng một nghị định mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định của luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ trong quý II/2024.
Thực hiện chỉ đạo trên, Bộ Công thương đề nghị các Sở Công thương rà soát, có ý kiến đánh giá những mặt được, những mặt tồn tại của các quy định hiện hành tại các nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Từ đó, góp ý, đề xuất nội dung mới nhằm xây dựng nghị định mới của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.
Bộ Công Thương đề nghị các Sở Công Thương gửi ý kiến bằng văn bản về Bộ trước ngày 12/1/2024 để Bộ tổng hợp, triển khai xây dựng nghị định mới.
Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị các địa phương góp ý để xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. (Ảnh minh họa: Công Hiếu).
Trước đó không lâu, ngày 17/11/2023, Nghị định 80 sửa đổi, bổ sung 2 Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu được ban hành. Như vậy, Nghị định 80 vừa được ban hành cách đây hơn 1 tháng cũng sẽ được xem xét để thay thế.
Mới đây, ngày 4/1/2024, Thanh tra Chính phủ kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, từ việc Bộ Công thương ban hành Thông tư 38 quy định chi tiết một số điều trong Nghị định 83 quy định không cụ thể, rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, quy định thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán với nhau trái quy định, dẫn đến nhiều hành vi mua bán xăng dầu trái quy định, hệ thống kinh doanh xăng dầu bị phá vỡ.
Nghĩa vụ và trách nhiệm của thương nhân đầu mối là thực hiện tổng nguồn, bình ổn thị trường khi cần thiết... nhưng khi mua bán của nhau thì các thương nhân đầu mối thành phân phối, thông qua trung gian làm tăng chi phí lưu thông để hưởng chênh lệch giá.
Bộ Công Thương cũng đã thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý lỏng lẻo và không kịp thời phát hiện các vi phạm trong duy trì điều kiện kho, bể chứa và hệ thống phân phối.
Do Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo nên trong gần 3 năm (từ 2017 đến tháng 9/2022) một số thương nhân phân phối bán cho đầu mối sai quy định khoảng 828.963 m3 để hưởng tiền chiết khấu, chênh lệch giá bất hợp pháp. Ngoài ra, doanh nghiệp đầu mối đã không tạo nguồn theo quy định, ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu của thị trường. Thanh tra Chính phủ cho rằng, đây là nguyên nhân dẫn tới gián đoạn nguồn cung vào năm 2022.